Vietstock - Quỹ bảo vệ nhà đầu tư sẽ tạo thêm lòng tin trên thị trường
Là một điểm mới trong Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, Quỹ bảo vệ nhà đầu tư đang là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Trong cuộc phỏng vấn gần đây, ông Nguyễn Kim Long – Giám đốc Luật và Kiểm soát Nội bộ - CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã có những trao đổi với người viết về vấn đề này.
Ông Nguyễn Kim Long - Giám đốc Luật và Kiểm soát Nội bộ - CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI)
|
Ông đánh giá thế nào về việc thành lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư trong Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi?
Ông Nguyễn Kim Long: Quỹ bảo vệ nhà đầu tư là một quy định hoàn toàn mới trong dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang được Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước công bố và lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Theo thông tin, chúng tôi nhận được qua các buổi hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Chứng khoán, mục đích của quy định này nhằm tạo thêm một vòng bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và quỹ này cũng phổ biến ở các thị trường chứng khoán đã phát triển. Là một thành viên của thị trường, SSI ủng hộ các biện pháp nhằm phát triển thị trường lành mạnh, bảo vệ sự an toàn của thị trường và các nhà đầu tư.
Dự thảo mới chỉ quy định chung về quỹ và mục đích sử dụng. Các quy định quan trọng như hình thức đóng góp, mức đóng góp, phương thức hoàn trả, phương thức quản lý quỹ đều quy định sẽ giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn sau đó nên quả thực ở thời điểm này cũng khó hình dung ra các thuận lợi, khó khăn khi thực hiện.
Đối với nội dung của dự thảo tại Điều 91, tôi nghĩ rằng tất cả các tổ chức có giữ tài sản của nhà đầu tư, bao gồm ngân hàng lưu ký và công ty chứng khoán, nên nghĩa vụ đóng góp vào quỹ chứ không chỉ là công ty chứng khoán vì rủi ro “khả năng hoàn trả tài sản của nhà đầu tư đã nhận quản lý hoặc phá sản” hoàn toàn có thể xảy ra ở bất kỳ tổ chức nào chứ không chỉ riêng công ty chứng khoán.
Bên cạnh đó, khi xảy ra rủi ro và phải sử dụng quỹ để hoàn trả cho nhà đầu tư thì khả năng thu hồi khoản hoàn trả này từ bên có lỗi là thành viên lưu ký đã bị mất khả năng hoàn trả tài sản của nhà đầu tư đã nhận quản lý hoặc phá sản cũng gần như bằng không. Cơ chế đóng góp hoặc đền bù vào Quỹ không tốt sẽ gây ra tình trạng các CTCK không vi phạm lại phải bỏ tiền vào Quỹ để khắc phục hậu quả cho CTCK làm sai.
Tỉ lệ đóng góp vào quỹ và tỉ lệ “hoàn trả một phần cho nhà đầu tư” cũng là một vấn đề quan trọng. Tỉ lệ đóng góp thấp thì tài sản của quỹ thấp và tương ứng mức độ đền bù cho nhà đầu tư cũng thấp, tuy nhiên, tỉ lệ đóng góp cao để nâng mức độ đền bù cho nhà đầu tư thì lại tạo gánh nặng cho các thành viên đóng góp vào Quỹ.
Có ý kiến cho rằng việc các CTCK phải trích thêm chi phí cho Quỹ sẽ làm tăng chi phí của nhà đầu tư khi tham gia thị trường. Ông nhận định gì về điều này? Liệu việc thành lập Quỹ có vô tình khiến nhà đầu tư chịu thiệt trước khi được bảo vệ?
Ông Nguyễn Kim Long: Khoản đóng góp vào Quỹ chắc chắn sẽ làm tăng thêm chi phí cho các thành viên đóng góp. Tùy mức độ đóng góp mà chi phí tăng thêm này đối với từng công ty là cao hay thấp. Tăng thêm chi phí thì ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các thành viên thị trường và do đó có thể các thành viên thị trường sẽ phải chấp nhận giảm lãi hoặc tăng phí để bù khoản chi phí này.
Như tôi đã đề cập ở trên, mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào tỉ lệ đóng góp vào quỹ và ở thời điểm hiện nay chưa có xác định nên chưa thể ước tính mức độ ảnh hưởng của khoản chi phí này. Nhưng nhìn ở góc độ tích cực, cũng có thể mường tượng nhà đầu tư an tâm hơn với Quỹ bảo vệ được lập thì có thể sẽ tin tưởng giao dịch nhiều hơn, tạo nhiều doanh thu hơn cho các thành viên thị trường.
Theo ông, việc thành lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư sẽ có lợi cho nhà đầu tư? Ngoài biện pháp này, còn cách nào khác để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư trên thị trường không?
Ông Nguyễn Kim Long: Quỹ được thành lập để bảo vệ nhà đầu tư nên chắc chắn sẽ có lợi cho nhà đầu tư một cách trực tiếp, gián tiếp là có lợi cho thị trường nói chung khi có thêm các định chế tạo lòng tin cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường và qua đó thì tất cả các thành viêu đều hưởng lợi khi quy mô thị trường tăng lên.
“Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư” đã được xác định là một trong năm nguyên tắc hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán được quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật Chứng khoán hiện hành, ngang với nguyên tắc “Công bằng, công khai, minh bạch” và nguyên tắc này cũng được quy định tại khoản 3 Điều 5 của dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán, nên có thể thấy rằng các quy định về tổ chức thị trường, giao dịch chứng khoán, đặc biệt là hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán đều được soạn thảo hướng đến mục tiêu thực hiện nguyên tắc này như sự giám sát của UBCKNN, các Sở giao dịch đối với hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Cơ cấu tổ chức, hoạt động, nhân sự của tổ chức kinh doanh chứng khoán cũng được quy định chặt chẽ với các điều kiện cụ thể về hệ thống, con người… Điều 56 Luật Chứng khoán hiện hành quy định rất rõ sự tách biệt tài sản của nhà đầu tư với tài sản của thành viên lưu ký “Chứng khoán dưới dạng vật chất hoặc phi vật chất, các tài sản khác của khách hàng do Trung tâm lưu ký chứng khoán hoặc thành viên lưu ký quản lý là tài sản của chủ sở hữu và không được coi là tài sản của Trung tâm lưu ký chứng khoán hoặc của thành viên lưu ký” và quy định này cũng lặp lại trong Thông tư 210/2012/TT-BTC về hoạt động của CTCK. Theo đó, CTCK không được sử dụng tài sản của khách hàng mà không có sự cho phép của họ và không được sử dụng tài sản của khách hàng để thanh toán cho các nghĩa vụ trả nợ của mình. Nếu thực hiện nghiêm túc quy định này thì kể cả trong trường hợp CTCK bị phá sản thì tài sản của nhà đầu tư vẫn còn nguyên.
Các CTCK cũng thực hiện các biện pháp như tăng tần suất gửi sao kê tài khoản, nhắn tin tức thời các biến động số dư tài khoản để giúp nhà đầu tư giám sát tài sản của mình. Nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp là yếu tố quan trọng để tránh xâm hại tài sản của nhà đầu tư.
Chí Kiên