Vietstock - Quản lý, sử dụng đất đai đô thị qua báo cáo của Chính phủ
Ngày 27/5 Quốc hội bắt đầu tuần thứ hai của kỳ họp thứ 7 với trọn ngày dành cho hoạt động giám sát tối cao.
Cả nước có tổng cộng 4.438 dự án đầu tư khu đô thị mới, nhà ở đô thị.
|
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 là nội dung của cuộc giám sát này.
Báo cáo về nội dung giám sát, Chính phủ nhìn nhận, các quy định của pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai nói chung, đất đô thị nói riêng đã được hoàn thiện đảm bảo theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, dân chủ và công bằng; đã từng bước khắc phục tình trạng "xin - cho" trong tiếp cận đất đai.
Các quy định này đã phát huy tốt hơn nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước; bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; khắc phục và giải quyết được nhiều tồn tại, vướng mắc và phát sinh trong thực tiễn; góp phần làm giảm dần tình trạng khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến đất đai.
Việc quy định nhất quán chính sách hai giá đất theo Luật Đất đai gồm khung giá, bảng giá và giá thị trường, trong đó khung giá, bảng giá để điều chỉnh nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất đối với nhà nước (thuế phí của người dân, doanh nghiệp); giá thị trường để điều chỉnh nghĩa vụ của nhà đầu tư, người sử dụng đất khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích vượt hạn mức theo quy định của pháp luật, đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân, góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách, giảm khiếu kiện, khiếu nại về đất đai.
Tuy nhiên, theo Chính phủ, một số nội dung quy định trong Luật Đất đai và các pháp luật khác có liên quan có phạm vi điều chỉnh và nội dung chưa thống nhất, thiếu đồng bộ.
Như, chưa có sự thống nhất giữa quy định của Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật đầu tư về chủ thể sử dụng đất. Cụ thể là, điều 5 Luật Đất đai chưa quy định người sử dụng đất là tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, trong khi Luật Nhà ở cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở; Luật Đất đai quy định người sử dụng đất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Luật đầu tư quy định là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;…
Đi kèm những nhận định từ quy hoạch đến sử dụng đất đô thị là dày đặc những con số tại báo cáo của Chính phủ.
Theo báo cáo, các dự án đầu tư khu đô thị mới, nhà ở đô thị trên cả nước có tổng cộng 4.438 dự án, tổng diện tích chiếm đất theo quy hoạch là 110.331ha, 3.045 dự án đang triển khai (chiếm 68,61%, diện tích đất là 79.697ha).
Đến cuối năm 2018, cả nước có 828 đô thị, gồm 2 đô thị đặc biệt, 19 đô thị loại 1, 26 đô thị loại 2, 46 đô thị loại 3, 85 đô thị loại 4 và 650 đô thị loại 5. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 38,5%.
Về quản lý tài chính về đất đai, Chính phủ cho biết, theo báo cáo của 57 địa phương, nguồn thu ngân sách nhà nước đối với đất đô thị tăng dần hàng năm từ 2014-2018 với tổng số thu ngân sách nhà nước khoảng 372.516,7 tỷ đồng. Gồm, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, phí, lệ phí và các nguồn thu khác.
Từ năm 2014 đến 2018, cả nước phát sinh 342.710 đơn khiếu nại với 156.071 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước (khiếu nại về đất đai chiếm trên 60% số này), trong đó đã giải quyết 128.646 vụ việc (đạt 82,43%).
Qua giải quyết khiếu nại, các cơ quan hành chính nhà nước đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước, trả lại cho tập thể, công dân 1.398 tỷ đồng, 772 ha đất; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 1.538 người (đã xử lý 1.180 người), chuyển cơ quan điều tra 40 vụ, 36 đối tượng.
Tình hình khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai trong thời gian vừa qua đã giảm so với trước đây nhưng còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ khiếu nại kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, có nơi, có lúc đã làm ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội, Chính phủ đánh giá.
Nhìn nhận hạn chế trong sử dụng đất đai đô thị, báo cáo nêu, trong thời gian vừa qua, một số dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (dự án BT), việc xác định giá trị công trình BT và giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán chưa phù hợp đã dẫn tới tình trạng thanh toán quỹ đất đã vượt quá giá trị công trình BT gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Hạn chế tiếp theo là chưa có chính sách hữu hiệu để hạn chế, xử lý tình trạng đầu cơ đất đai, ở một số nơi có hiện tượng đẩy giá đất tăng đột biến trong thời gian ngắn đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, gây khó khăn trong công tác quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.
Báo cáo cũng cho biết, trong giai đoạn từ khi Luật đất đai 2013 có hiệu đến hết năm 2018, ngành thanh tra đã tiến hành 4.289 cuộc thanh tra trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm về đất đai hơn 1.373 tỷ đồng, 40.185 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 368 tỷ đồng, 9.022 ha đất và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 1.004 tỷ đồng, 31.163 ha đất; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm điểm, xử lý hành chính 2.931 tổ chức, 14.120 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 71 vụ, 91 đối tượng.
Hà Vũ