Vietstock - Cơ hội kiếm lời nào trong đại dịch Covid-19?
Ngày 18/04, hội thảo chứng khoán trực tuyến "Bóng tối trước bình minh" đã được Vietstock tổ chức với sự tham gia của các diễn giả giàu kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán và nhiều nhà đầu tư. Tại hội thảo, các diễn giả đã đưa ra nhiều nhận định, bình luận về diễn biến thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện tại và chia sẻ nhiều kinh nghiệm đầu tư quý báu cho nhà đầu tư tham dự.
Hội thảo được tổ chức trực tuyến với sự góp mặt của các diễn giả:
- Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích khối KHCN Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam.
- Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Môi giới khối KHCN Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam.
- Ông Lê Minh Chi - Trưởng Ban kiểm soát của CTCP Cáp - Nhựa Vĩnh Khánh.
- Ông Nguyễn Quang Minh, CMT Charterholder - Giám đốc khối Nghiên cứu Vietstock, Thành viên Hiệp hội PTKT Hoa Kỳ (MTA).
Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán?
Diễn biến thị trường luôn là mối quan tâm lớn của nhà đầu tư. Các diễn giả tham gia hội thảo đã cùng thảo luận để đưa đến cho nhà đầu tư góc nhìn rõ ràng hơn và tìm ra cơ hội đầu tư trong giai đoạn này.
Theo đó, ông Nguyễn Thế Minh đã đưa ra 3 kịch bản cho thị trường tương ứng với diễn biến dịch Covid-19.
Trong kịch bản lạc quan (thuốc/vaccine cho Covid-19 được kiểm chứng và triển khai sớm) nền kinh tế có thể tránh được những khó khăn về thanh khoản rất sớm, thị trường nhanh chóng hồi phục lại với thanh khoản dồi dào hơn.
Đối với kịch bản cơ sở (thuốc/vaccine cho Covid-19 không thể triển khai sớm, nhưng thị trường tài chính và vấn đề thanh khoản được giải quyết bằng chính sách tài khóa và tiền tệ), nếu giải quyết vấn đề thanh khoản thị trường và nền kinh tế thì kỳ vọng khả năng tác động lên VN-Index là side way và đi lên vùng 778 -810.
Còn kịch bản bi quan (thuốc/vaccine không thể triển khai sớm, thị trường tài chính và kinh tế thiếu thanh khoản không được giải quyết bằng chính sách tài khóa và tiền tệ), thị trường sẽ tiếp tục giảm mạnh.
Đánh giá về tính hiệu quả của chính sách tiền và tài khóa, ông Huỳnh Minh Tuấn bình luận: "Các gói vẫn chưa thực sự chạy trên thị trường. Hiện tại, kỳ vọng vào chính sách tài khóa sẽ tích cực hơn với việc tăng giải ngân đầu tư công. Về phía chính sách tiền tệ, phải trông chờ vào việc NHNN hướng dẫn chi tiết về việc giãn nợ và giảm nợ".
Nhận định về thị trường chứng khoán, ông Lê Minh Chi, người đã có kinh nhiều năm trên thị trường chứng khoán Việt Nam đưa ra khó trả lời câu hỏi VN-Index rời khỏi downtrend chưa.
Một vài ngày, thị trường có dấu hiệu tăng nhẹ lên, cho thấy nhà đầu tư có sự tin tưởng. Khối ngoại bán ròng, nhà đầu tư trong nước hấp thụ được. Nếu Chính phủ, người dân kiên quyết khống chế được thị trường sẽ vọt trở lại. Ông Chi nói thêm, nếu Việt Nam tận dụng thời cơ để trở thành chuỗi cung ứng thay thế các nước thì thị trường chứng khoán cũng như kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh.
Sẽ có cuộc Đại suy thoái tiếp theo?
Dịch Covid-19 liệu có gây ra một cuộc suy thoái kinh tế tiếp theo cũng đã được các diễn giả đem ra mổ xẻ.
Theo ông Nguyễn Quang Minh, kinh tế thế giới hiện đang theo xu hướng phân ly kinh tế, sự tăng trưởng của các quốc gia không quá liên quan tới các quốc gia khác như trước kia. Các nước không kiểm soát được dịch thì sẽ tác động đến kinh tế và ngược lại. Lấy dẫn chứng ở thị trường Việt Nam là khối ngoại bán ròng mà VN vẫn tăng vì mặt cơ bản thì VN đang kiểm soát tốt dịch, doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt do đó kinh tế sẽ tích cực hơn các nước không kiểm soát được dịch bệnh.
Về phần mình, ông Thế Minh bình luận khó dự đoán được suy thoái kinh tế có xảy ra và chỉ biết khi nó xảy ra. Ông Minh chỉ ra điểm khác của năm 2020 so với năm 1930 hay 2008 là tỷ lệ đòn bẩy của các doanh nghiệp đang thấp. Sức khỏe doanh nghiệp đang tốt trong giai đoạn này. Do đó, khó có thể thấy lại đại suy thoái như các lần trước.
Chỉ khi sự chủ quan của Mỹ và châu Âu tiếp tục diễn ra thì dịch bệnh sẽ gia tăng, đình trệ tiếp diễn kéo dài thì đợt suy thoái khả năng xảy ra cao khi các doanh nghiệp hết dòng tiền chống chịu.
Các ngành đáng chú ý
Các chuyên gia tham gia Hội thảo cũng đã đưa ra một số khuyến nghị trên phương diện nhóm ngành để nhà đầu tư lên kế hoạch đầu tư trong giai đoạn này.
Theo ông Chi, ngành dược phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, nông nghiệp sẽ hưởng lợi (là các nhóm phòng thủ). Sau dịch bệnh thì các nhóm ngành này sẽ tăng trưởng trước. Thêm nữa, nếu cả nước khống chế được dịch bệnh, ngành logistic sẽ hồi phục nhanh sau dịch bệnh.
Đối với vấn đề nhóm ngành, ông Tuấn cho rằng nên chia đánh giá thành 3 nhóm ngành: hưởng lợi ảnh hưởng nặng và ảnh hưởng nhẹ. Các nhóm ngành hiện đang bị ảnh hưởng bởi yếu tố ngoại lai chứ không phải nội tại của ngành.
Nói riêng về ngành hàng không, ông Tuấn đánh giá đây là ngành bị ảnh hưởng nặng trực tiếp do dịch Covid-19. Trước mắt là do chu kỳ ngành, thêm một đòn từ dịch bệnh thì lại nặng hơn. Đối với ngành hàng không, ông Tuấn dự báo thị trường hàng không nội địa có thể phục hồi trong quý 2. Doanh nghiệp mang hơi hướng Nhà nước, có cổ đông lớn Nhà nước không có vấn đề gì và sẽ phục hồi. Tuy nhiên, đà tăng giá hiện tại dựa trên nền tảng về dòng tiền chứ chưa phải nền tảng hoạt động kinh doanh.
Một số ngành bị ảnh hưởng gián tiếp như tài chính ngân hàng. Ông Tuấn đánh giá: Các ngân hàng đang phải theo dõi thông tư, hướng dẫn về giãn nợ, cơ cấu nợ; nếu không thực hiện được thì nguy cơ nợ xấu gia tăng là hiện hữu.
Một câu hỏi thú vị khác được đặt ra tại hội thảo là “có nên đầu tư vào các doanh nghiệp ‘too big to fail’”. Ông Thế Minh nhận định: Trong tình hình khủng hoảng thế này với các doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu Nhà nước lớn sẽ không để bị rơi vào tình trạng quá tiêu cực. Thêm nữa, nhà điều hành càng không thể để xảy ra tình trạng mất thanh khoản nên sẽ bơm tiền và tái cơ cấu lại doanh nghiệp. Do đó, tư duy đầu tư vào doanh nghiệp “too big to fail” đáng để xem xét đầu tư.
Chí Kiên