Vietstock - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Giá bất động sản đã vượt xa giá trị thực
Ngày 22/07, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp.
Giá bất động sản tăng cao và ngày càng cao, vượt xa giá trị thực; mất cân đối cung - cầu trong các phân khúc; lượng cung nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân - Ảnh: VGP/LS
|
Tại cuộc làm việc, Đoàn giám sát đã nghe đại diện lãnh đạo các Bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp trình bày báo cáo về việc ban hành, thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 thuộc thẩm quyền, chức năng của các bộ.
Qua báo cáo, thảo luận và qua giám sát tại các địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, giai đoạn gần đây nguồn cung bất động sản suy giảm mạnh, chủ yếu từ các dự án triển khai trước đây, rất ít dự án mới; giá bất động sản tăng cao và ngày càng cao; có giai đoạn, thời điểm sốt bất động sản "ảo", vượt xa giá trị thực; mất cân đối cung - cầu trong các phân khúc; lượng cung nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân không nhiều trong khi nhu cầu của người dân lớn…
Đồng thời, việc triển khai các dự án gặp khó khăn, nhiều dự án chậm tiến độ hoặc không thể tiếp tục thực hiện trong khi phát triển các dự án mới đang chậm lại; các loại hình bất động sản mới (condotel, officetel, shophouse, resort villa…) phát triển mạnh trong khi điều kiện cơ sở pháp lý chưa đầy đủ, chặt chẽ dẫn đến khó khăn, vướng mắc.
Đối với việc phát triển nhà ở xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, số lượng nhà ở xã hội cung cấp cho thị trường còn thiếu hụt xa so với nhu cầu; hầu hết các địa phương không đạt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đặt ra; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhiều điểm nghẽn; có nơi không phù hợp nhu cầu dẫn đến không có người mua, người thuê trong khi hầu hết các địa bàn thiếu nguồn cung; khó khăn và hạn chế trong bố trí, sử dụng quỹ đất; hầu như chưa có vốn đầu tư từ ngân sách cho nhà ở xã hội; cơ chế ưu đãi, chính sách thuế, phí chưa thực sự phát huy hiệu quả như kỳ vọng; thủ tục hành chính, trình tự đầu tư xây dựng còn chồng chéo, phức tạp, kéo dài…
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị 4 Bộ theo lĩnh vực phụ trách cần nghiên cứu để đưa vào các thông tư, nghị định đang và sẽ ban hành hoặc đề xuất sửa đổi pháp luật có liên quan. Các bộ, ngành cũng cần bám sát kiến nghị của các địa phương, trong đó có nhiều kiến nghị xác đáng, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn; bổ sung đầy đủ các nội dung còn thiếu trong báo cáo để Đoàn giám sát.
Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung thông tin đánh giá về công tác phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính trong việc theo dõi, hướng dẫn việc sử dụng nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất phục vụ cho các địa phương thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đánh giá rõ hơn về công tác phối hợp với các bộ liên quan trong việc chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn sử dụng quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Bộ Tư pháp làm rõ hơn các thông tin, số liệu về hoạt động kiểm tra, rà soát, xử lý các văn bản pháp luật, công tác rà soát để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đồng thời, các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị, các bộ, ngành cần làm rõ giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu với căn hộ du lịch (condotel); sớm ban hành hướng dẫn việc thực hiện các phương án xác định giá đất, nhất là quy định thống nhất các giả thiết được áp dụng trong cách tính theo phương pháp thặng dư; quy định điều kiện với đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội cần đúng và trúng hơn; báo cáo quy trình, trình tự, thủ tục mẫu để xin cấp phép đầu tư một dự án bất động sản, nhà ở xã hội, làm rõ phải qua bao nhiêu bước, cần xin bao nhiêu dấu, chữ ký…
Một số ý kiến cũng lưu ý, việc giải ngân một số gói hỗ trợ tín dụng, trong đó có gói hỗ trợ tín dụng 120 nghìn tỷ đồng chưa hiệu quả do vướng mắc về điều kiện vay phức tạp, lãi suất cao và thời hạn vay ngắn; chưa có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước.
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và đại diện lãnh đạo 4 bộ đã giải trình, làm rõ các vấn đề Đoàn giám sát đưa ra. Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 đã giải quyết được nhiều tồn tại, vướng mắc nổi lên trong quản lý thị trường bất động sản. Đáng chú ý, Luật đã bổ sung quy định cụ thể về các nguyên tắc, biện pháp, thẩm quyền điều tiết thị trường bất động sản, qua đó tạo công cụ quản lý nhà nước, tránh lúng túng khi điều tiết thị trường như thời gian qua.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị với các bộ, ngành theo thẩm quyền, chức năng được giao; đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành tăng cường phối hợp với các địa phương để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án trong giai đoạn đầu khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng Quốc hội vừa thông qua có hiệu lực vào ngày 1.8 tới, nhất là đối với các dự án chuyển tiếp.
Huy Khải