Vietstock - Động thái mới nhất về 'siêu cảng' Trần Đề gần 45.000 tỷ đồng
Dự án bến cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng dự kiến nằm giữa biển, cách bờ hơn 17 km, vốn đầu tư giai đoạn khởi động lên tới gần 45.000 tỷ đồng. "Siêu cảng" này được địa phương kỳ vọng tạo đột phá. Báo cáo tiền khả thi dự án vừa được Ban thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng thông qua.
Ngày 27/2, ông Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng - cho biết, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề thuộc Cảng biển Sóc Trăng (báo cáo giữa kỳ).
Theo ông Mẫn, việc xây dựng bến cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Trần Đề sẽ phục vụ xuất - nhập khẩu hàng hóa khu vực; tăng cường kết nối, giảm chi phí vận tải so với đưa hàng hóa lên các cảng biển Đông Nam bộ. Từ đó, dự án sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả vùng.
Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Sóc Trăng, trong đó có cầu cảng Trần Đề được quy hoạch thành cảng biển đặc biệt, cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL.
Thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch trên, trong đó xác định kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề. Dự kiến, giai đoạn khởi động của dự án có tổng vốn lên đến gần 45.000 tỷ đồng (trước giai đoạn 1).
Phối cảnh cầu cảng Trần Đề. |
Theo đó, quy mô đầu tư bến cảng ngoài khơi Trần Đề gồm: Cầu cảng dài 5,3 km; hệ thống kè/đê chắn sóng dài 9,8 km; cầu vượt biển dài 17,8 km; hệ thống cấp điện, nước, phụ trợ... Khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics có tổng diện tích khoảng 4.000 ha trong vùng bờ biển Sóc Trăng.
Về nguồn vốn cho dự án trên, Sóc Trăng dự kiến xin hỗ trợ từ ngân sách trung ương, kết hợp với nguồn vốn xã hội hóa; kèm theo chính sách đặc thù cho triển khai dự án.
Địa phương cũng đề xuất thành lập Khu kinh tế Trần Đề, trong đó có khu công nghiệp, khu chế xuất và khu phi thuế quan, nhằm tạo động lực phát triển cho Sóc Trăng trong việc thu hút nhà đầu tư, và tạo nguồn hàng cho cảng Trần Đề...
Cảng biển Trần Đề được phân kỳ chia làm 6 giai đoạn đầu tư, bao gồm giai đoạn khởi động (2024-2028), giai đoạn 1 (2029-2030), giai đoạn 2 (2031-2035), giai đoạn 3 (2036-2040), giai đoạn 4 (2041-2045) và giai đoạn hoàn thiện (2046-2050). Tổng mức đầu tư của cảng biển Trần Đề dự kiến là 162.700 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn khởi động khoảng gần 45.000 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - yêu cầu, đơn vị tư vấn lập báo cáo tiền khả thi cần tập trung làm rõ sự cần thiết, vai trò, ý nghĩa đặc biệt của cảng biển Trần Đề, cảng cửa ngõ của cả vùng ĐBSCL. Trong đó, cần tập trung làm rõ ý nghĩa chính trị, an ninh quốc phòng và vai trò phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của cả vùng.
Theo ông Lâu, khi có cảng cùng với những dự án hạ tầng giao thông khác, các địa phương trong khu vực sẽ hình thành các khu cụm dịch vụ. Qua đó, từng địa phương sẽ tạo được việc làm, ổn định đời sống người dân nhằm giảm áp lực cho khu vực TPHCM.
Xuân Lương - Nhật Huy