Vietstock - Oceanbank đấu giá 11% vốn Đầu tư Phát triển nhà và Xây dựng Tây Hồ
Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank) dự kiến sẽ đấu giá công khai 11% vốn tại CTCP Đầu tư Phát triển nhà và Xây dựng Tây Hồ với giá 11,724 đồng/cp.
CTCP Đầu tư Phát triển nhà và Xây dựng Tây Hồ có vốn điều lệ gần 32.5 tỷ đồng. Xây dựng Tây Hồ là doanh nghiệp Nhà nước hạng I trực thuộc Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, tiền thân là Xí nghiệp Xây dựng 106 được thành lập từ năm 1984. Công ty chuyển đổi theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2004. Theo đó, cơ cấu cổ đông ghi nhận Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội nắm 51% vốn và Oceanbank nắm 11% vốn, 39% vốn còn lại là các cổ đông khác. |
Số lượng cổ phần được bán ra là toàn bộ 357,280 cp mà Oceanbank đang nắm sở hữu, với mức giá khởi điểm là 11,724 đồng/cp bằng hình thức đấu giá công khai thông qua công ty chứng khoán. Số lượng cổ phần mỗi nhà đầu tư được đăng ký mua tối thiểu là 100 cổ phần với bước khối lượng là 10 cổ phần và bước giá là 1 đồng.
Được biết, giá vốn đầu tư của Oceanbank tại Tây Hồ trung bình là 10,345 đồng/cp với tổng giá trị đầu tư gần 3.696 tỷ đồng. Số tiền cổ tức mà Oceanbank đã nhận được từ thời điểm đầu tư đến nay là 1.84 tỷ đồng. Với mức giá chào bán tối thiểu trên, số tiền Oceanbank khả năng thu được đâu đó khoảng 4.2 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh chính của Xây dựng Tây Hồ là xây dựng các công trình dân dụng, lắp đặt các hệ thống điện,.. Riêng trong năm 2016, Xây dựng Tây Hồ chủ yếu xây dựng nhà các loại và kinh doanh bất động sản, môi giới bất động sản.
Kết quả kinh doanh của Xây dựng Tây Hồ ngày càng thụt lùi và bất ổn, theo đó nếu như doanh thu thuần của năm 2015 đạt 295 tỷ đồng thì đến năm 2016 chỉ còn 73 tỷ đồng, giảm hơn 75%. Đồng thời, lợi nhuận trước thuế cũng giảm 37% từ 4 tỷ còn 2.6 tỷ đồng. Tình hình chi trả cổ tức cũng khiến cổ đông lo lắng khi năm 2015 là 6% và năm 2016 thì chỉ còn 0%.
Kết quả kinh doanh CTCP Đầu tư Phát triển nhà và Xây dựng Tây Hồ hai năm 2015-2016 và 6T/2017
|
Được biết, kế hoạch cho năm 2017, doanh thu thuần của Tây Hồ là 153 tỷ đồng, tăng 108% so với năm 2016 và lợi nhuận trước thuế là 12 tỷ đồng. Nhưng theo cập nhật lũy kế 6 tháng năm 2017 thì doanh thu thuần đang ở mức 27.3 tỷ đồng, tương đương 18% chỉ tiêu đề ra và khoản lỗ trước thuế thì đã gần 2 tỷ đồng.
Theo kế hoạch thì cổ tức năm 2017 dự kiến 5% nhưng với tình hình thua lỗ nửa đầu năm thì khả năng chi trả vẫn còn là ẩn số.
Vướng nhiều ý kiến kiểm toán
Song trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, Xây dựng Tây Hồ lại vướng nhiều ý kiến của đơn vị kiểm toán. Cụ thể, phía kiểm toán chưa nhận đầy đủ xác nhận cho số dư tại ngày 31/12/2016 của các khoản công nợ có giá trị lần lượt là 17.7 tỷ đồng phải thu của khách hàng, 9.4 tỷ đồng trả trước cho người bán, 14.1 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác, 40.2 tỷ đồng phải trả người bán, 8.7 tỷ đồng người mua trả tiền trước và 5.4 tỷ đồng phải trả khác, và đơn vị kiểm toán không thể thực hiện thủ tục kiểm toán để xác định sự hiện hữu cũng như giá trị của các khoản mục trên.
Số dư công nợ phải thu khách hàng, trả trước cho người bán và phải thu khác cần trích lập dự phòng tại thời điểm 31/12/2016 đang bị Công ty trích thiếu. Do đó, theo ước tính số dự phòng công nợ phải thu khó đòi cần trích lập bổ sung khoảng 7.1 tỷ đồng.
Với khoản mục hàng tồn kho, có hai hạng mục công trình Bệnh viện Đa khoa Phúc Lâm – Hưng Yên và nhà 4 tầng đã tồn đọng từ năm 2011 đồng thời cũng chưa xác định khả năng tiếp tục thực hiện. Theo đó, Công ty chưa trích lập với hai mục này tổng số tiền khoảng 3.4 tỷ đồng. Thêm nữa, đơn vị kiểm toán cũng không thể xác định được giá trị của công trình dở dang tại Xí nghiệp Xây dựng số 6.
Với khoản mục phải thu ngắn hạn, Công ty có các khoản công nợ phải thu từ Giám đốc đối với các khoản lỗ từ chi nhánh với khoản tiền 5.6 tỷ đồng, song, phía kiểm toán chưa có đủ cơ sở để đánh giá khả năng thu hồi các khoản nợ này.
Phúc Mai