“Nước rút” của sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Ngày đăng 18:00 17/11/2023
“Nước rút” của sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
BID
-
VCB
-
VCI
-
LPB
-
IDC
-
TCB
-

Vietstock - “Nước rút” của sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đi vào hoạt động, được kỳ vọng là bước ngoặt quan trọng cho thị trường trái phiếu Việt Nam. Tuy nhiên, tính đến ngày 10/11 vừa qua, tức đã gần 1 tháng kể từ hạn chót (19/10) đăng ký giao dịch lên hệ thống của HNX, chỉ mới có khoảng 36% lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại lễ khai trương hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tổ chức tại HNX, ngày 19/07/2023

Chính thức đi vào hoạt động vào ngày 19/07, sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ đến nay được kỳ vọng giúp tăng cường tính minh bạch, thanh khoản cho thị trường TPDN; giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường, công chúng đầu tư có thêm thông tin về thị trường TPDN riêng lẻ, từ sơ cấp đến thứ cấp; nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của nhà đầu tư trong hoạt động mua bán, trái phiếu; tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát của cơ quan Nhà nước đối với việc tuân thủ các quy định pháp luật về giao dịch TPDN riêng lẻ.

Theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP), trong thời hạn 3 tháng kể từ khi hệ thống đăng ký, lưu ký, giao dịch trái phiếu chính thức vận hành, trái phiếu phát hành theo quy định tại Nghị định này và phát hành theo quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP và còn dư nợ phải đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch.

Như vậy, thị trường TPDN riêng lẻ đã trải qua gần 4 tháng, tính từ ngày hệ thống giao dịch nói trên chính thức vận hành, tức đã qua gần 1 tháng kể từ thời điểm hết hạn đăng ký giao dịch đối với TPDN riêng lẻ (19/10), nhưng mới chỉ có 36% lượng TPDN riêng lẻ được đăng ký.

Nhiều doanh nghiệp vẫn đứng ngoài cuộc đua

Theo Nghị định 65 sửa đổi Nghị định 153, để được mua bán, các tổ chức phát hành phải đăng ký trái phiếu tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC). Sau khoảng 5 ngày làm việc, tổ chức phát hành sẽ nhận lại giấy chứng nhận đăng ký trái phiếu, đây cũng là cơ sở để tổ chức phát hành đưa trái phiếu của mình lên hệ thống giao dịch tập trung của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Theo kế hoạch, dự kiến có hơn 1,600 mã TPDN riêng lẻ do hơn 1,000 doanh nghiệp phát hành sẽ giao dịch trên hệ thống. Cũng theo Nghị định 65, áp dụng với các doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ, kể từ khi Nghị định 153 có hiệu lực thi hành và còn dư nợ thì chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký trái phiếu của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ phải đăng ký giao dịch trái phiếu trên hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ của HNX.

Trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch
Nguồn: HNX

Như vậy, trường hợp quá trình thực hiện diễn ra trơn tru và không phát sinh vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì cần khoảng 20 ngày làm việc để một trái phiếu có thể hoàn tất thủ tục đăng ký trái phiếu với VSDC và được niêm yết trên hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ của HNX.

Theo dữ liệu từ HNX, tính đến ngày 10/11, mới chỉ có 568 mã TPDN riêng lẻ của 139 tổ chức phát hành thực hiện đăng ký giao dịch. Tổng giá trị đăng ký giao dịch gần 435 ngàn tỷ đồng, chủ yếu từ các tổ chức tín dụng (toàn bộ là ngân hàng thương mại) chiếm 56.9%, tiếp theo là nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm 25.5%.

Điều này đồng nghĩa với việc rất nhiều trái phiếu vẫn còn “đứng ngoài”.

Top 10 tổ chức phát hành đăng ký giao dịch lớn nhất
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
Tỷ trọng trái phiếu phát hành theo lĩnh vực
Nguồn: VietstockFinance

Về mặt hồ sơ, theo Nghị định 65, tổ chức đăng ký giao dịch cần chuẩn bị 1 bồ hồ sơ gồm đầy đủ 6 thành phần, bao gồm: đơn đề nghị đăng ký giao dịch trái phiếu theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 65; giấy phép thành lập và hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; giấy chứng nhận đăng ký trái phiếu của VSDC; quyết định phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu; văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có); kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu hoặc loại trái phiếu phát hành (nếu có).

Ngoài ra, theo phụ lục VI, tổ chức đăng ký giao dịch cũng cần đính kèm theo đơn đề nghị đăng ký giao dịch trái phiếu 3 tài liệu, bao gồm: hợp đồng ký kết với đại diện người sở hữu trái phiếu (nếu có); quyết định phê duyệt việc đăng ký giao dịch trái phiếu của cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu; báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm nộp hồ sơ đăng ký giao dịch đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện.

Như vậy, với số lượng thành phần hồ sơ lên đến con số 9, thực sự khối lượng hồ sơ cần chuẩn bị để thực hiện quá trình đăng ký giao dịch là khá nhiều. Xét trên góc độ khác, HNX cũng sẽ phải hoạt động cật lực để xử lý lượng hồ sơ được gửi đến từ các tổ chức đăng ký.

Hình ảnh hệ thống đăng ký giao dịch TPDNRL trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiêp

 

Nguồn: HNX

Giao dịch cục bộ, tập trung vào một số tổ chức phát hành

Tính đến ngày 10/11, tổng khối lượng giao dịch trái phiếu đạt gần 268 triệu trái phiếu; trong đó, 2 cái tên chiếm đến 56% là CTCP Sản xuất và Kinh Doanh Vinfast (Vinfast) với khối lượng giao dịch gần 81 triệu tp, đóng góp 30%; tiếp đến là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV (HM:BID), HOSE: BID) với hơn 70 triệu trái phiếu, đóng góp 26%.

Tổng giá trị giao dịch trái phiếu đạt gần 66.6 ngàn tỷ đồng, dẫn đầu bởi các trái phiếu Vinfast, hơn 15.2 ngàn tỷ đồng, đóng góp 23%; các trái phiếu của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank (HM:VCB), HOSE: VCB), hơn 7.4 ngàn tỷ đồng, đóng góp 11%; các trái phiếu của BIDV, hơn gần 7.4 ngàn tỷ đồng, đóng góp 11%.

Ngoài ra, các trái phiếu do Công ty TNHH Kinh doanh Nội thất Luxury Living (Luxury Living) phát hành, có giá trị giao dịch gần 6.1 ngàn tỷ đồng, đóng góp 9%; các trái phiếu do Công ty TNHH Bất động sản Lan Việt có giá trị giao dịch hơn 4.3 ngàn tỷ đồng, đóng góp 6%. Nhìn chung, giá trị giao dịch từ nhóm 5 tổ chức phát hành này chiếm đến 61% toàn thị trường TPDN riêng lẻ trên sàn.

Top 5 khối lượng giao dịch TPDN riêng lẻ giao dịch trên HNX tính đến ngày 10/11/2023
(Đvt: Triệu trái phiếu)
Nguồn: VietstockFinance
Top 5 giá trị giao dịch của TPDN riêng lẻ trên HNX tính đến ngày 10/11/2023
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Việc giao dịch cục bộ, tập trung vào trái phiếu của một số tổ chức phát hành là hệ quả từ việc chưa có nhiều sản phẩm để nhà đầu tư lựa chọn. Tuy nhiên, sự quan tâm đối với thị trường này đang ngày càng lớn và chờ đợi sự bùng nổ các sản phẩm mới trên thị trường.

Cần sự hỗ trợ từ cơ quan có thẩm quyền, các công ty chứng khoán

Cách đây không lâu, ngày 15/09, tại TP. Hà Nội, trước tình hình cận ngày “đáo hạn” nhưng số lượng đăng ký giao dịch chưa nhiều, HNX đã phối hợp với VSDC tổ chức hội nghị nhằm phổ biến quy định về hoạt động đăng ký giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ tại HNX và kết quả thực hiện. Các nội dung được đánh giá là rất cần thiết trước bối cảnh vẫn còn lượng lớn tổ chức phát hành đang loay hoay và chưa có tín hiệu thực hiện khâu đăng ký.

Về vai trò của các công ty chứng khoán đối với việc đăng ký giao dịch, bà Trần Thị Thu Trang - Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) bày tỏ mong muốn các công ty chứng khoán trên thị trường đã tư vấn cho doanh nghiệp trước đây sẽ tiếp tục tư vấn cho doanh nghiệp trong việc đưa trái phiếu lên hệ thống giao dịch tập trung.

Theo dữ liệu HNX công bố, đang có 24 công ty chứng khoán là thành viên giao dịch và lưu ký trên tổng số 139 tổ chức phát hành đã thực hiện đăng ký giao dịch và 568 TPDN riêng lẻ đã được đăng ký giao dịch. Có thể thấy khối lượng công việc và trách nhiệm của các công ty chứng khoán trong suốt quá trình từ lúc trái phiếu được chào bán, đăng ký, lưu ký đến khâu đăng ký giao dịch cũng lớn không kém. Đặc biệt trong lần đầu triển khai hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ tại Việt Nam, các tổ chức phát hành rất cần sự tư vấn trong khâu đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch chứ không đơn thuần dừng lại ở việc tư vấn phát hành như trước.

Nhìn vào thực trạng lượng trái phiếu đăng ký giao dịch chỉ đạt 36% so với kế hoạch ban đầu thì khối lượng công việc cần phải làm của các tổ chức phát hành, công ty chứng khoán, HNX, VSDC và cơ quan quản lý trong trong thời gian tới để hoàn thành mục tiêu đề ra là cực kỳ lớn. Ông Dương Ngọc Tuấn - Phó Tổng giám đốc VSDC cho biết, có những ngày cơ quan phải bố trí, sắp xếp nhân sự làm thêm cả thứ Bảy và Chủ nhật để đảm bảo quá trình xử lý hồ sơ của những doanh nghiệp đã hoàn thiện thủ tục không bị ảnh hưởng và không gây chậm trễ trong việc đưa trái phiếu lên giao dịch tập trung.

Bên lề Diễn đàn Đầu tư Việt Nam ngày 09/11, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường (thuộc UBCKNN) cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đã nộp một lượng lớn hồ sơ, VSDC và HNX đang làm việc ngày đêm để xử lý lượng hồ sơ này trong khoảng thời gian rất ngắn. Ngoài ra, lượng lớn hồ sơ gửi dồn vào thời điểm sát ngày “đáo hạn” 19/10 vừa qua dẫn đến việc nhiều hồ sơ đến giờ vẫn chưa xử lý xong.

Bà Bình cũng cho biết, việc nộp hồ sơ đúng hạn là nghĩa vụ mà các doanh nghiệp phải tuân thủ. Trường hợp nộp sau thời hạn quy định thì sẽ có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật. Trước câu hỏi liệu có hay không việc gia hạn thời gian thực hiện đăng ký giao dịch, bà Bình cho hay hiện vẫn chưa có bất kỳ sự gia hạn nào. Bà cũng nhấn mạnh, thời hạn thực hiện đăng ký giao dịch được quy định trong Nghị định, vì vậy muốn gia hạn thì phải ban hành Nghị định có quy định liên quan đến vấn đề này.

Huy Khải - Chí Kiên

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2025 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.