Vietstock - Nói thẳng: Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không chết lâm sàng mới lạ!
Dự án dù được tuyên bố hùng hồn đến đâu, ý nghĩa kinh tế - chính trị quan trọng như thế nào mà cứ như “gà mắc tóc” trong mớ trách nhiệm và thủ tục hành chính bùng nhùng thì bảo sao không “chết lâm sàng”!
* Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Ngưng thi công vì thiếu vốn
* Thủ tướng đồng ý dùng ngân sách 'giải cứu' cao tốc BOT Trung Lương - Mỹ Thuận
* BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nguy cơ vỡ tiến độ
Thông tin "sẽ dừng dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận" như gáo nước dội vào bất cứ ai quan tâm đến dự án này. Đã 10 năm qua, hết lần này tới lần khác, không biết bao nhiêu lời hứa từ ngon ngọt tới hùng hồn, rằng con đường kỳ vọng, con đường thời đại, con đường tầm vóc và phát triển này sẽ hoàn thành vào năm a, b, c, d…; con đường được gọi là khởi đầu cho Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh nhưng nay lại đang ì ạch và một lần nữa rơi vào nguy cơ "chết lâm sàng".
Vì đâu nên nỗi?
Khí thế lao động trên 22/24 gói thầu ở dự án này mấy ngày nay không còn hừng hực như những ngày tháng 4, 5, 6-2019, khi ngày 23-7, nhà thầu phụ là Công ty TNHH Thành Nơi (ở gói thầu XL13) cản trở thi công, giăng băng rôn đòi nợ chủ đầu tư vì đã lâu họ không được thanh toán tiền nguyên vật liệu. Nhà thầu "tức nước vỡ bờ" vì đứng trước cảnh nợ lương công nhân, nợ tiền vật liệu xây dựng; nợ tiền huy động gia đình, người thân, ngân hàng… để đổ vào đây. "Chúng tôi đứng bên bờ vực nợ nần và phá sản nếu không được nhà thầu chính, nhà đầu tư trả nợ!" - vị đại diện Công ty TNHH Thành Nơi nói.
Không chỉ nhà thầu phụ này mà tất cả các nhà thầu khác cũng rơi vào hoàn cảnh đó. Ông Ngô Bá Hùng, đại diện một trong số 3 liên danh của dự án, nói thẳng với ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang (đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền): "Với tình hình này, chúng tôi khó lòng mà nói là những ngày tiếp theo, những nhà thầu khác có giăng băng rôn phản ứng hay không".
Ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết sở dĩ có tình trạng nợ nần lùm xùm là do vấn đề tín dụng của dự án. Theo đó, BOT Trung Lương - Mỹ Thuận là hợp đồng dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Phần vốn tư thì các nhà đầu tư, nhà thầu đã bỏ vào đây khoảng 3.000 tỉ đồng. Trong khi đó, phần vốn công chưa thấy góp đồng nào. Chính phủ đã trình Quốc hội phê chuẩn cho dự án 2.186 tỉ đồng và Quốc hội đã đồng ý nhưng đã nhiều tháng qua, đồng tiền bặt vô âm tín, dù dự án khát vốn từng ngày để trả lương công nhân, trả tiền nguyên vật liệu mà phần vốn tư đã chi trước.
Chưa hết, dự án này đến nay cũng chưa hề được vay đồng bạc nào từ ngân hàng dù vào tháng 6-2018, liên danh các ngân hàng tài trợ (đứng đầu là Vietinbank (HM:CTG)) đã ký hợp đồng cho vay. Ngoài lý do ngân hàng đưa ra các điều khoản vay ngặt nghèo và vô lý, còn một lý do khác: Tỉnh Tiền Giang (cơ quan nhà nước có thẩm quyền) chưa ký hồ sơ điều chỉnh dự án, phụ lục hợp đồng do Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận trình (dù hồ sơ này đã được Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, Kiểm Toán Nhà nước và Bộ Giao thông Vận tải duyệt qua về mặt chuyên môn). Hồ sơ điều chỉnh dự án này là cơ sở pháp lý để ngân hàng có thể giải ngân.
Ông bà ta đã nói "To như đống rơm không cơm cũng ngã", "có thực mới vực được đạo". Dự án dù được tuyên bố hùng hồn đến đâu, ý nghĩa kinh tế - chính trị như thế nào mà cứ như "gà mắc tóc" trong mớ trách nhiệm và thủ tục hành chính bùng nhùng như thế, bảo không "chết lâm sàng" mới lạ! Vấn đề là có lối ra không? Và nếu có lối ra nhưng "ai đó" không chịu mở thì người đó đó là ai hay nơi nào sẽ phải chịu trách nhiệm?
Tại buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang sáng 24-7, các nhà đầu tư đã xác định nếu trong tháng 8-2019 mà vẫn không có vốn, họ buộc phải ngừng thi công dự án. Lúc này, ông Trần Văn Dũng kêu gọi "hãy bình tĩnh và tìm giải pháp". Vâng, rất đúng, và phần giải pháp quan trọng nhất đang tuỳ thuộc vào cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tức UBND tỉnh Tiền Giang!
ĐẶNG PHƯƠNG