Vietstock - Niêm yết mới năm 2018: Xuất hiện nhiều “anh tài”
Theo thống kê của Vietstock, trong năm 2018 thị trường vốn đón chào 22 tân binh mới niêm yết mới trên HOSE, 6 đơn vị trên HNX và có đến 122 doanh nghiệp giao dịch UPCoM (đến ngày 10/12/2018). Giá trị vốn hóa trên hai sàn HOSE và HNX đạt hơn 3,877 nghìn tỷ đồng năm 2018 (tính đến ngày 26/12), tăng 10% so với con số 3,515 nghìn tỷ đồng cuối năm 2017. Quy mô thị trường cũng ngày càng được mở rộng nhờ sự nhập cuộc của nhiều doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn.
Cuộc “rượt đuổi” lên sàn của những chiến binh nhà băng
Rục rịch nhập cuộc đầu tiên vào ngày 05/01/2018 là Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank, HOSE: HDB) với 981 triệu cp, giá trị vốn hóa đạt 32,373 tỷ đồng. Trong ngày giao dịch đầu tiên, cổ phiếu HDB đạt kịch trần lên mức giá tối đa 39,600 đồng/cp, góp phần đưa nhóm cổ phiếu “vua” chiếm tổng cộng 21% vốn hóa toàn sàn. Tuy nhiên, sau gần một năm, chốt phiên giao dịch ngày 19/12, HDB đã rớt khỏi mốc 30,000 đồng/cp, tức xuống 29,000 đồng/cp, giảm gần 10% so với hồi lên sàn.
Biến động cổ phiếu HDB từ khi niêm yết đến nay
Nguồn: VietstockFinance
|
Vào ngày 19/04, có thêm 555 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB) niêm yết và chính thức đi vào giao dịch. Với mức giá 32,000 đồng/cp, giá trị vốn hóa của TPB đạt quy mô 18,000 tỷ đồng, nằm trong nhóm 25 mã có mức vốn hóa lớn nhất trên sàn HOSE đồng thời đưa vốn hóa nhóm cổ phiếu “vua” lên khoảng 905,000 tỷ đồng, tương đương 22% vốn hóa toàn sàn. Tuy nhiên, tương tự HDB, kết thúc phiên giao dịch ngày 19/12 giá cổ phiếu TBP chỉ còn ở quanh mức giá 20,000 đồng/cp, giảm hơn 19%.
Biến động cổ phiếu TPB từ khi niêm yết đến nay
Nguồn: VietstockFinance
|
Và chiến binh cuối cùng trong nhóm nhà băng niêm yết trong năm nay phải kể đến là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB), ngày 04/06 hơn 1.16 tỷ cp TCB được niêm yết với giá tham chiếu “khủng” 128,000 đồng/cp – cao nhất dòng bank. Với giá chào sàn được xem là đắt nhất lịch sử ngân hàng Việt Nam, vốn hóa Techcombank vươn lên vị trí thứ hai chỉ sau mỗi Vietcombank (HM:CTG). Nhưng đến hiện tại, sau nhiều đợt chia tách cổ phiếu thì TCB điều chỉnh xuống mức giá 28,250 đồng/cp, chỉ bằng 1/5 mức giá ban đầu niêm yết.
Gần đây, vào ngày 06/12, HOSE đã công bố và đưa TCB ra khỏi danh sách không được giao dịch ký quỹ khi cổ phiếu này đủ thời gian niêm yết trên 6 tháng. Chính thức TCB đã được cấp margin.
Biến động cổ phiếu TCB từ khi niêm yết đến nay
Nguồn: VietstockFinance
|
Niêm yết sớm trước thời điểm thị trường điều chỉnh mạnh từ tháng 4/2018, HDB được tận hưởng khoảng thời gian tăng giá khá mạnh trước khi đi xuống cùng đà giảm của thị trường. Trong khi với TCB hay TPB, cổ phiếu chưa kịp tăng đã hứng chịu đà giảm chung.
Cũng trong năm này, một số ngân hàng cũng có động thái rục rịch niêm yết như OCB, VietBank, VietABank, Nam A Bank,.... nhưng đều trễ kế hoạch và “ngậm ngùi” dời sang năm sau. Trong đó, OCB bỏ qua bước giao dịch trên thị trường UPCoM và lên thẳng sàn HOSE; còn Nam A Bank, VietBank, VietABank… cũng chuẩn bị các thủ tục cần thiết để đưa cổ phiếu lên UPCoM.
Nhóm bất động sản ồ ạt Nam tiến
Điều đáng chú ý trong năm 2018 là có khá nhiều doanh nghiệp bất động sản tìm cách huy động vốn trên sàn chứng khoán khi mà tín dụng bất động sản bị siết chặt. Trong số này có Vinhomes, Net Land, Văn Phú Invest, Đạt Phương. Gần đến cuối năm thì một số doanh nghiệp cũng khẩn trương niêm yết như Landmark Holding, Hưng Thịnh Construction, Cenland, MBland, Hải Phát...
Nổi bật nhất trong lĩnh vực bất động sản đó là sự kiện lên sàn của CTCP Vinhomes (HOSE: VHM), công ty bất động sản trong hệ sinh thái của Vingroup (VIC). Gần 2.68 tỷ cp VHM được niêm yết sáng 17/05 trên HOSE với giá tham chiếu 92,100 đồng/cp. Sau phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu VHM đã tăng hết biên độ lên 110,500 đồng/cp, đưa giá trị vốn hóa của Vinhomes tăng trên 296,000 tỷ đồng, tương đương gần 13 tỷ USD. Vượt qua Vinamilk, Vinhomes trở thành công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn thứ hai trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong tháng 10, sau khi phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức với tỷ lệ 25%, giá cổ phiếu VHM được điều chỉnh về mức 80,000 đồng/cp. Chốt phiên 19/12, mỗi cổ phiếu VHM có giá 77,500 đồng/cp, tăng nhẹ 4% so mức ngày đầu niêm yết. Trong ngày 06/12 vừa qua, cổ phiếu VHM đã được đưa ra khỏi danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
Biến động cổ phiếu VHM trong thời gian qua
Nguồn: VietstockFinance
|
Một chiến binh từ miền Bắc xuôi vào Nam là CTCP Đầu tư Văn Phú - INVEST (HOSE: VPI) lên sàn HOSE vào sáng 29/06 với giá tham chiếu là 43,500 đồng/cp. Chốt phiên giao dịch ngày đầu, VPI có giá 43,600 đồng/cp - nhỉnh hơn so với giá tham chiếu. Trước đó, VPI đã niêm yết trên HNX từ cuối năm 2017 với giá khởi điểm là 27,600 đồng/cp và đã có mức tăng trưởng khá tốt. Đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu VPI không có nhiều biến động, chỉ đứng quanh mốc 40,000 đồng/cp đến 43,000 đồng/cp.
Ngày 12/10, hơn 23 triệu cp LMH của CTCP Landmark Holding (HOSE: LMH) đã chính thức giao dịch trên HOSE giá ở mức 11,900 đồng/cp, tăng 6.3% so với giá tham chiếu. Việc niêm yết này được coi là sự kiện đặt viên gạch đầu tiên cho chặng đường sắp tới ở cả 2 lĩnh vực lớn mà LMH đang theo đuổi là năng lượng và bất động sản.
Đúng 1 tháng sau, ngày 12/11 CTCP Hưng Thịnh Incons (HOSE: HTN) lên sàn HOSE với tổng cộng 25 triệu cp với mức vốn hóa 582.5 tỷ đồng. Trong ngày giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu HTN tăng trần so với giá tham chiếu ở mức 27,950 đồng/cp. Tuy vậy đến nay, giá HTN chỉ đang giao dịch tại mức 21,400 đồng/cp chốt phiên giao dịch ngày 19/12, giảm 23% so với mức niêm yết.
Thêm nhiều cái tên sáng giá?
Trong năm qua ghi nhận trường hợp một công ty truyền thông lần đầu tiên niêm yết là CTCP Tập đoàn Yeah1 (HOSE: YEG). Điều đặc biệt ở đây là YEG thu hút sự quan tâm của giới đầu tư cũng như giấy bút của giới truyền thông bởi giá chào sàn lên tới 250,000 đồng/cp, đây được xem là mức giá “phi thường” cao hơn cả “ông lớn” như Sabeco hay Vinamilk. Vì thế, dù chỉ với 27.3 triệu cp nhưng YEG có vốn hóa tới 6,750 tỷ đồng. Chỉ sau 3 phiên giao dịch, cổ phiếu YEG đã tăng 37% lên mức 343,000 đồng/cp. Dù vậy, ở YEG vẫn còn nhiều điểm khiến nhà đầu tư không khỏi băn khoăn như cơ cấu cổ đông cô đặc, thanh khoản không phải là điểm sáng và giao dịch trong việc bán ra cổ phần trước niêm yết của cán bộ chủ chốt. Chốt phiên giao dịch ngày 19/12, YEG được giao dịch trên sàn với mức giá quanh mức 240,000 đồng/cp, giảm hơn 6%.
Biến động cổ phiếu YEG trong thời gian qua
Nguồn: VietstockFinance
|
Năm 2018 cũng ghi nhận khá nhiều công ty dệt may giao dịch trên sàn. Đáng lưu ý là CTCP May Sông Hồng (HOSE: MSH) khi vừa mới lên sàn HOSE vào cuối tháng 11 với 48 triệu cp. Với giá tham chiếu là 45,000 đồng/cp, MSH ghi nhận mức vốn hóa là 2,160 tỷ đồng. Chốt phiên giao dịch ngày 19/12, MSH có giá là 42,000 đồng/cp, giảm nhẹ so chào sàn.
Nếu Nam có MSH gia nhập, thì Bắc cũng có sự xuất hiện của CPCP Đầu tư và Phát triển TDT (HNX: TDT) thuộc nhóm ngành may mặc. Ngày 18/07, cổ phiếu TDT được niêm yết với mức giá tham chiếu là 15,000 đồng/cp. Kể từ khi niêm yết cho đến cuối năm, giá TDT giảm dần và chưa đạt lại mức giá như ngày đầu niêm yết. Chốt phiên giao dịch ngày 19/12, cổ phiếu TDT có giá tròn trĩnh 12,000 đồng/cp, giảm 10.53% kể từ ngày giao dịch.
Với hiệu ứng từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP đã phản ánh vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết ngành dệt may khi đều ghi nhận mức tăng trưởng cao cả về doanh thu và lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp dệt may nhanh chóng giao dịch trên UPCoM trong năm 2018 để sẵn sàng để đón đầu cơ hội này như: Tổng Công ty May 10 - CTCP (M10), Tổng CTCP Dệt may Hà Nội (HSM), Tổng Công ty May Nhà Bè (MNB), Viện Dệt May (VDM), Tổng CTCP Dệt May Nam Định (NDT), CTCP Dệt May 7 (DM7), Tổng CTCP May Đồng Nai (MDN).
Ngoài ra, một số “ông lớn” ngành dầu khí, điện lực và bất động sản khác cũng đã có những bước “tập dượt” trên UPCoM như: Tổng Công ty Sông Đà - CTCP (SJG), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (OIL), Tổng Công ty Phát điện 3 (PGV), Tổng Công ty Vật liệu Xây dựng số 1 (FIC),…
Trong đó, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (UPCoM: POW) chào sàn ngày 06/03 với khối lượng giao dịch đạt gần 15 triệu cp, giá chốt phiên là 17,800 đồng/cp. Thế nhưng ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường thì POW có dấu hiệu giảm về đáy 11,000 đồng/cp trong 2 ngày 16/07 và 17/07 sau đó tăng trở lại. Chốt phiên giao dịch ngày 19/12, POW có giá 15,000 đồng/cp, giảm 16% kể từ ngày niêm yết.
Diễn biến tương tự như POW, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (UPCoM: OIL) giao dịch vào ngày 07/03 với khối lượng hơn 8 triệu cp ở mức giá 23,400 đồng/cp. Kể từ đó, cổ phiếu OIL giảm và chưa chạm được đỉnh ngày giao dịch đầu. Cổ phiếu OIL ghi nhận ở mức 14,600 đồng/cp chốt phiên giao dịch 19/12.
Chứng khoán năm 2018 xuất hiện khá nhiều “anh tài” góp phần không nhỏ vào giá trị vốn hóa thị trường, tuy nhiên chất lượng hoạt động thực chất của doanh nghiệp vẫn có nhiều vấn đề, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ, cân – đong – đo – đếm để không bị mua “hớ” cổ phiếu “ảo”.
Phương Nguyễn