Vietstock - Những tỷ phú đến từ hư không - Kỳ 4: Người trốn chạy và những kẻ quay đầu
Các tài phiệt ở Nga đa phần là những kẻ không sạch sẽ. Tuy nhiên, họ có thể chia ra làm hai nhóm: biết điều và không biết điều.
* Những tỷ phú đến từ hư không - Kỳ 3: Sự xuất hiện của "người Nga trầm lặng" Putin
* Những tỷ phú đến từ hư không - Kỳ 2: Các nhà ảo thuật tài chính
* Những tỷ phú đến từ hư không - Kỳ 1: Người trong giang hồ
Làm ăn tại một môi trường luật pháp không rõ ràng và tham những khá phổ biến như nước Nga thời mới cải cách là một thử thách không không hề nhẹ. Để có thể tồn tại và phát triển đòi hỏi người kinh doanh phải biết luồn lách và quan hệ. Điều này lại càng trở nên rõ nét hơn ở các nhà tài phiệt. Vì vậy, những người này rõ ràng không phải là những nhân vật trong sạch gì.
Tuy nhiên, kỳ vọng các nhà đại tư bản trở thành những con người trong như nước, sáng như gương thì đúng là một ảo tưởng lớn. Ngay cả John Davidson Rockefeller, Andrew Carnegie hay John Pierpont Morgan cũng từng được coi là những nhân vật máu lạnh, vô tình trong giới kinh doanh trước khi được cả xã hội kính trọng và ngưỡng mộ.
Giới tài phiệt chia phe
Khi Putin bước vào điện Kremlin, các trùm tài phiệt chia thành hai nhóm đối lập gay gắt. Các tài phiệt Roman Abramovich, Alisher Usmanov và Oleg Deripaska là những cánh chim đầu đàn của nhóm ủng hộ. Trong khi đó, Mikhail Khodorkovsky, Boris Berezovsky và Gusinsky lại là hạt nhân của phe nổi loạn. Một cuộc tranh đấu nổ ra.
Abramovich, Usmanov và Deripaska – “Kiềng ba chân” của Putin. Nguồn: Daily Mirror
Điển hình nhất cho sự so kè của hai “băng nhóm” này chính là cuộc đấu trí giữa Roman Abramovich và Boris Berezovsky. Sự đối đầu giữa một người trẻ tuổi tham vọng và một con cáo già đầy quyền lực đã tạo ra nhiều giai thoại ở nước Nga thời đó.
Người không chân dung
Các tài phiệt thường xây dựng cho mình hình ảnh giống như những con ngáo ộp đáng sợ. Khi nhìn vào mặt Alisher Usmanov hay Boris Berezovsky, bạn có thể thấy được sự kiêu ngạo khủng khiếp. Khi gặp Oleg Deripaska hay Mikhail Khodorkovsky, bạn có thể bị áp đảo bởi “thần thái” thông minh và ngôn ngữ sắc sảo. Nhưng khi nhìn thấy Roman Abramovich, bạn sẽ có cảm giác như đang nhìn một “ông bạn nhà bên” hiền lành và vui tính. Một con người không chân dung và không dấu vết!
Roman Abramovich hầu như không gây cho chúng ta cảm giác phải chú ý đến ông ấy. Ông không thích tranh luận, không thích phát biểu cũng không thích kiểm soát người khác. Ai có thể nghĩ con người có vẻ ngoài “bình thường” như vậy có thể trở thành kẻ lật đổ Boris Berezovsky đáng sợ, làm bạn với Tổng thống Putin đầy quyền lực và là một trong những người giàu nhất thế giới.
Người đầu tiên phát hiện ra vai trò của Abramovich trong hậu trường là nhà báo Alexei Venediktov, Tổng biên tập Đài Tiếng vọng Moscow. Ông đến điện Kremlin để gặp gỡ những nhà hoạch định chính sách. Đầu tiên của ông là tham dự cuộc họp thông báo tình hình chung dưới sự chủ tọa của Alexander Voloshin, Chánh Văn phòng Tổng thống. Khi cuộc họp này kết thúc, Venediktov bắt chuyện với một người lạ mặt khoảng hơn 30 tuổi ở hành lang điện Kremlin.
Sau đó, ông bắt đầu tiếp xúc và làm quen với các ứng viên văn phòng nội các. Họ trả lời: “Chúng tôi đang chờ phỏng vấn”. Venediktov hỏi ai sẽ phỏng vấn họ và khi họ mô tả anh ta, ông nhận ra rằng đó chính là người đàn ông trẻ mà ông đã gặp hồi nãy. Không lâu sau, ông phát hiện ra quyền lực ghê gớm của người này.
Các ứng cử viên tham gia vào chính quyền của Putin đều phải trải qua cuộc phỏng vấn của Abramovich. Tuy nhiên, Abramovich không bao giờ khoe khoang điều này. Trong cuộc gặp gần đây nhất với Venediktov, Abramovich nhấn mạnh: “Tôi khẳng định với anh là tôi không thích chính trị”. Venediktov liền nhắc lại việc Abramovich đã giúp thành lập nội các năm 2000 như thế nào và các ứng cử viên bộ trưởng trong chính quyền Putin phải đến gặp ông ấy ra sao. Abramovich trả lời: “Không phải như thế. Đó chỉ là các cuộc trò chuyện giữa những người bạn”. Những cuộc trò chuyện giữa những người bạn ngay trong điện Kremlin ư? Venediktov chả bao giờ tin vào điều đó nhưng ông cũng không có bằng chứng nào quá cụ thể cho việc Abramovich tham gia thao túng quyền lực cả. Ông ta che chắn quá kỹ.
Quan hệ với Berezovsky
Sau này, Roman Abramovich luôn khẳng định ông không có quan hệ đồng chí hay bạn bè thân thiết gì với một kẻ lưu vong như Boris Berezovsky. Về vấn đề này thì ông chủ Chelsea đúng. Bởi ngay cả khi ông Vladimir Putin bước vào Điện Kremlin thay quyền Boris Yeltsin, Boris Berezovsky còn chẳng coi ông Putin ra gì! Khi đó, Roman Abramovich làm gì có “số má” mà đòi làm bạn thân với Berezovsky.
Roman Abramovich chỉ đơn giản xem Boris Berezovsky là hình mẫu để ông vươn lên chứ không hề có tình cảm gì ở đây. Bằng những món trang sức và những xấp USD dày cộm, Abramovich nhanh chóng lấy lòng được bà Anna Gelman, vợ Boris Berezovsky. Thế là Abramovich nhanh chóng trở thành một tay chân thân tín được Boris Berezovsky đỡ đầu. Đổi lại, sau mỗi phi vụ làm ăn, Boris Berezovsky đều nhận được những khoản tiền lớn và theo tiết lộ của Abramovich thì tổng cộng khoảng 2.5-3 tỉ USD.
Abramovich và Berezovsky không quá thân thiết như nhiều người nghĩ. Nguồn: Economist
Giai đoạn 1996-1997, mối quan hệ của Boris Berezovsky và Roman Abramovich được nâng lên tầm cao mới khi Berezovsky cho “đàn em” tham gia sở hữu cổ phần tại Sibneft, một trong những công ty dầu mỏ lớn nhất ở Nga.
Ngày nay thì Abramovich đã trở thành một trong những người giàu nhất ở Nga. Còn Boris Berezovsky lại trở thành kẻ tị nạn chính trị ở Anh.
Quay đầu kịp lúc
Năm 2000, ông Vladimir Putin bước vào điện Kremlin thay cho Boris Yeltsin. Ông đã mạnh tay thực hiện cải cách. Kết quả là nền kinh tế Nga vượt qua được khủng hoảng, niềm tin được khôi phục nhưng gây nên những thiệt hại to lớn cho các ông trùm. Lúc này, Boris Berezovsky quyết tâm hạ bệ Putin và thay bằng một kẻ khác “dễ bảo” hơn.
Mỗi bước chân của Boris Berezovsky, Roman Abramovich đều theo sau quan sát và học hỏi. Nhưng Abramovich không bắt chước tất cả. Tại thời khắc quan trọng của cuộc chiến, ông đã có lựa chọn cho mình.
Ông tự hỏi tại sao phải tôn thờ và trung thành với hai ông Boris: một đã về hưu (Boris Yeltsin), một đang bị đánh tả tơi (Boris Berezovsky) vì đi ngược lại với lợi ích kinh tế của dân tộc Nga vĩ đại? Thế là “đàn em” Roman Abramovich dạy cho “đại ca” Boris Berezovsky một bài học đau đớn. Abramovich đổi phe và hất cẳng bố già Berezovsky ra khỏi tất cả các định chế, công ty mà ông này có tham gia.
Dưới mắt nhiều người, Roman Abramovich ủng hộ Putin và đi vào điện Kremlin giống như cái cách Boris Berezovsky từng bước vào nơi ấy thời Boris Yeltsin. Boris Berezovsky bị xử tội và phải chạy sang Anh tị nạn. Trái lại, ông chủ của Chelsea được tung hô như một người anh hùng có công lớn với nền kinh tế Nga và thể thao Nga.
Tuy nhiên, mối quan hệ của Abramovich và Putin theo đánh giá của giới quan sát chuyên môn khác hẳn mối quan hệ giữa Berezovsky và Yeltsin. Vì Roman Abramovich không phải một nhà chính trị hay triết gia, ông ta chỉ là một nhà kinh doanh đơn thuần, luôn biết nhẫn nhịn và tuyệt đối tuân thủ pháp luật cũng như quan tâm đến lợi ích của nhân dân Nga.
Roman Abramovich có thể không phải là người tốt nhưng với Tổng thống Putin ông chắc chắn là một kẻ biết điều và có trách nhiệm.
Abramovich luôn có mặt mỗi khi Putin cần sự ủng hộ và giúp đỡ. Nguồn: The Times
Sự thỏa hiệp cần thiết
Dù Vladimir Putin rất ghét Boris Berezovsky nhưng ông cũng tiếp thu điều mà tài phiệt này từng nhắn nhủ ông: “Các nhà đại tư bản luôn luôn đứng sau lưng các chính khách. Nền kinh tế thị trường và xã hội hiện đại được vận hành như vậy. Nếu như ông xoá bỏ một nhân vật này thì ngày mai sẽ có một nhân vật khác nổi lên ngay thôi”.
Tổng thống Nga không chỉ biết trừng trị các nhà tài phiệt lũng đoạn bằng “nắm đấm thép” mà còn khéo léo chìa “bàn tay nhung” cho những người nào thực tâm muốn phục vụ cho nhà nước và nhân dân như Roman Abramovich, Oleg Deripaska hay Alisher Usmanov. Rõ ràng nước trong quá sẽ không có cá, cũng không cần đuổi tận giết tuyệt làm gì!
Tổng thống Putin cũng liên tục gặp gỡ lãnh đạo các tổ chức lớn như Hội đồng Do thái, một tổ chức đầy quyền lực và được kính trọng ở Nga cũng như trên toàn thế giới. Những vận động và nỗ lực của ngài Putin đã phần nào giúp nước Nga vực dậy và đi lên.
Ông đã làm tròn lời hứa với Boris Yeltsin năm xưa: “Giữ gìn nước Nga”.
Tổng thống Putin gặp gỡ lãnh đạo của Hội đồng Do thái. Nguồn: BBC
Thế Phong (Lược dịch từ Godfather of the Kremlin và The Billionaire from Nowhere)