Vietstock - “Những tháng cuối năm, khối ngoại nếu có bán ròng cũng không lớn”
Đó là nhận định của ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) về động thái của khối ngoại đối với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2017.
Ông Phan Dũng Khánh.
|
TTCK Việt Nam đã đi qua ¾ chặng đường của năm 2017 với những kết quả đạt được hết sức ấn tượng. Chỉ số VN-Index tăng từ 672 điểm lên hơn 804 điểm, tương ứng tăng trưởng gần 21%. Đáng chú ý là chỉ số VN-Index hiện đang giao dịch ở mức cao nhất trong gần 10 năm qua. Thậm chí HNX-Index còn ấn tượng hơn khi tăng trên 34%, lên mốc 107.66 điểm.
Kể từ đầu năm, thanh khoản trung bình sàn HOSE đạt hơn 3,820 tỷ đồng trong khi sàn HNX đạt gần 590 tỷ đồng. Giao dịch của khối ngoại cũng rất đáng chú ý khi mua ròng gần 14,000 tỷ đồng trên HOSE.
Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 9, số phiên bán ròng của khối ngoại trên cả hai sàn xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, đặc biệt trên sàn HNX bán ròng khá mạnh với giá trị lên đến 558 tỷ đồng.
Về vấn đề này, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) cho biết, tháng 9 là tháng có ETFs cơ cấu danh mục đầu tư nên số lượng phiên bán ròng có tăng mạnh so với những tháng trước trong năm. Nhưng điều này cũng cho thấy đây là yếu tố tiêu cực hơn, mặc dù vậy diễn biến này có giảm về cuối tháng. Vì thế nếu tháng 10 trở lại tích cực thì việc xuất hiện nhiều phiên bán ròng của khối ngoại trong tháng 9 chưa hình thành một xu hướng tiêu cực.
Việc bán ròng tiếp tục vào những tháng cuối năm nếu có cũng sẽ không lớn trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng, dù rằng bức tranh đã có phần bớt lung linh và TTCK bắt đầu tiến lên đỉnh 10 năm làm việc chốt lời gia tăng cũng như giải ngân giảm đi.
“Bên cạnh đó cần lưu ý rằng trong những năm gần đây, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) có xu hướng mua ròng nửa đầu năm nhưng nửa cuối năm lại bán ròng. Vì thế việc này cũng sẽ làm ảnh hưởng đến xu hướng tích cực từ đầu năm đến nay của TTCK trong giai đoạn cuối của năm 2017”, ông Khánh nói thêm.
Nhóm năng lượng có thể hút dòng tiền ngoại từ quý 4
Cũng trong 9 tháng đầu năm nay, nhóm ngành xây dựng, bất động sản và tài chính được khối ngoại mua ròng khá mạnh trong khi nhóm khai khoáng và dầu khí dẫn đầu trong danh sách bán ròng.
Tuy nhiên, theo ông Khánh, nhóm dầu khí, khai khoáng, năng lượng đang có xu hướng tích cực trở lại nhờ các thông tin hỗ trợ như giá dầu tăng trong khi giao dịch trên thị trường bất động sản - tài chính dù vẫn tích cực nhưng đã thu hẹp hơn so với trước, chưa kể việc tăng điểm mạnh của nhóm này khiến tiềm năng bị giảm đi.
Vì vậy những nhóm giảm nhiều, giảm sâu nhiều năm qua như năng lượng bắt đầu có những thông tin tích cực có thể sẽ thu hút được dòng tiền bắt đầu từ quý này. Ngoài ra cần lưu ý thêm các cổ phiếu nhóm công nghệ, vận tải đang trong quá trình tích lũy cũng như đang nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Ông Khánh cũng chia sẻ thêm, có rất nhiều yếu tố cho NĐTNN đầu tư vào thị trường Việt Nam. Trong đó, các yếu tố quan trọng nhất đó là chính sách, các cam kết của Chính phủ với NĐTNN, các hiệp định thương mại cũng như cơ hội đầu tư, nới room vào các ngành trọng điểm là thế mạnh của Việt Nam.
Ngoài ra việc kinh tế tăng trưởng bền vững cũng là tiền đề cho việc đầu tư vào TTCK vì khi đó các ngành nghề, doanh nghiệp phát triển ổn định hơn, vững bước hơn là việc nhóm đầu cơ luôn chiếm tỷ trọng lớn thu hút sự quan tâm của các NĐT hơn các nhóm cơ bản.
Dòng tiền nội trải đều, chứng khoán phái sinh sẽ gia tăng sức hút
Trở lại xu hướng vận động dòng tiền nhà đầu tư nội, ông Khánh chia sẻ, kể từ đầu năm, dòng tiền NĐT nội trải đều trên mọi nhóm ngành của TTCK. Đối với các NĐT tổ chức thì khá quan tâm đến các bluechip thuộc nhóm bất động sản - xây dựng, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, thép… còn các NĐT cá nhân lại tập trung nhiều vào các cổ phiếu đầu cơ, penny…
Và xu hướng này sẽ không thay đổi nhiều từ đây đến cuối năm mà chỉ chuyển nhẹ sang một số nhóm ngành khác. Chẳng hạn như NĐT tổ chức có thể chuyển sang các nhóm năng lượng, công nghệ… NĐT cá nhân vẫn khá trung thành với nhóm penny để kiếm lợi nhuận nhanh trong ngắn hạn, đặc biệt giai đoạn cuối năm cũng sẽ hối hả hơn để chốt lại một năm cũng như cơ cấu các danh mục đầu tư cho năm mới.
Song, ông Khánh cũng lưu ý về xu hướng chốt lời trong quý cuối năm khi mà giá nhiều cổ phiếu đã vượt đỉnh lịch sử (VIC, VND, ACB…) hoặc ở mức cao trong nhiều năm. TTCK cũng đang ở sát đỉnh 10 năm và năm mới cũng đang đến gần, việc cơ cấu lại danh mục là chuyện vô cùng bình thường. Tuy nhiên nếu cơ cấu danh mục và chuyển sang đầu tư nhóm khác thì xu hướng thị trường vẫn tích cực ngược lại sẽ chuyển sang giai đoạn xấu hơn.
Ngoài ra, việc quan tâm đến trái phiếu Chính phủ (chủ yếu các NĐT lớn, NĐT tổ chức) cũng là để đa dạng một phần danh mục đầu tư khi giá của cổ phiếu đã bắt đầu lên đỉnh 10 năm. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất năm nay cũng cao hơn năm ngoái nên cũng dễ quyết định đa dạng hóa danh mục hơn. Việc các NĐT lớn thận trọng hơn, thanh khoản giảm mạnh trong tháng 9 cũng cho thấy điều này. Tuy nhiên nếu những động thái cơ cấu mạnh danh mục đầu tư không diễn ra thì xu hướng tích cực chỉ giảm bớt chứ sẽ không chuyển sang giai đoạn tiêu cực.