Vietstock - Những mối đe dọa lớn nhất với sự ổn định kinh tế toàn cầu
Hiệp hội Kinh tế Quốc tế (IEA - International Economic Association) vừa kết thúc Hội nghị lần thứ 20 tại Medellín, Colombia. Sự kiện 3 năm 1 lần này quy tụ các học giả từ khắp nơi trên thế giới để chia sẻ và thảo luận về những ý tưởng mới nhất trong tư duy kinh tế.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Kaushik Basu
Nền kinh tế toàn cầu đang có sự chuyển biến về chất
Hội nghị năm nay nhấn mạnh tính cấp thiết của việc đánh giá lại thực trạng của nền kinh tế toàn cầu. Cuộc khủng hoảng nợ leo thang một cách nhanh chóng ở các nước thuộc khu vực Nam Bán cầu, mặc dù không phải là trọng tâm trực tiếp của hội nghị, nhưng cũng là vấn đề được nhiều học giả quan tâm.
IEA được thành lập vào năm 1950, với Joseph Schumpeter là chủ tịch đầu tiên. Kể từ đó, tổ chức này được lãnh đạo bởi một số nhà kinh tế học nổi tiếng nhất thế giới, bao gồm Paul Samuelson, János Kornai, Kenneth J. Arrow, Amartya Sen và Joseph E. Stiglitz.
Hội nghị năm nay đã nêu ra những thách thức lớn với nền kinh tế thế giới như: sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến cuộc chiến Nga - Ukraine, hậu quả kéo dài của đại dịch COVID-19 và không khí căng thẳng đang bao trùm cuộc xung đột giữa Israel và Hamas.
(*) Khu vực Nam Bán cầu (Global South): bao gồm Nam Mỹ, châu Phi và phần lớn các nước châu Á.
Khi nền kinh tế toàn cầu có sự chuyển biến về chất thì những giả định cốt lõi trong mô hình của các nhà kinh tế học cũng phải thay đổi. Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều bài phát biểu trong Hội nghị năm nay tập trung vào tác động của công nghệ kỹ thuật số (digital technologies) và phương tiện truyền thông xã hội (social media) đối với lao động, tiền lương và bất bình đẳng. Những diễn giả khác tập trung vào sự thay đổi bản chất của toàn cầu hóa, sự chuyển đổi từ trật tự kinh tế đơn cực sang đa cực và sự thoái trào của các thể chế dân chủ trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy.
Trọng tâm của nền kinh tế thế giới sẽ dịch chuyển về châu Á
Bài thuyết trình của Danny Quah cho thấy tầm nhìn tương lai của nền kinh tế toàn cầu. Dựa trên các nghiên cứu trước đây của Jean-Marie Grether và Nicole A. Mathys cũng như của chính ông, Quah đã minh họa sự dịch chuyển trọng tâm của nền kinh tế thế giới. Ông cho biết, vào năm 1980, trọng tâm này nằm giữa Đại Tây Dương, phản ánh sự thống trị của Bắc Mỹ và Tây Âu trong thời kỳ này.
Quá trình dịch chuyển trọng tâm của nền kinh tế thế giới
Nguồn: Phân tích của Viện nghiên cứu McKinsey, sử dụng dữ liệu từ Đại học Groningen
Khi các nền kinh tế Đông Á cất cánh, trọng tâm kinh tế toàn cầu bắt đầu dịch chuyển từ Tây sang Đông. Quah ước tính rằng, đến năm 2008, nó đã di chuyển đến gần Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp tục di chuyển về phía Đông, do sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Ấn Độ và Trung Quốc.
Ông dự đoán rằng đến năm 2050, trung tâm kinh tế thế giới sẽ nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Điều này mở ra những cơ hội nhưng cũng gây ra căng thẳng địa - chính trị và làm nảy sinh những mối đe dọa mới.
Sự bất bình đẳng gia tăng
Sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy một phần là do sự bất bình đẳng gia tăng trong nước và sự dịch chuyển xã hội (social mobility) giảm sút, như Adam Szeidl đã chỉ ra trong bài phát biểu của mình. Tuy nhiên, xu hướng ủng hộ các nhà lãnh đạo cánh hữu của các cử tri phương Tây là điều khó hiểu, vì các chính sách được ưa chuộng của các chính trị gia này có thể sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề mà họ muốn giải quyết.
Mối đe dọa lớn nhất đến từ các nước đang phát triển
Bất chấp những dự đoán nghiệt ngã về một cuộc suy thoái kéo dài, nền kinh tế toàn cầu đã tránh thành công một cuộc suy thoái vào năm 2023, nhờ vào tăng trưởng GDP và việc làm mạnh mẽ bất ngờ ở Hoa Kỳ. Mặc dù điều này khiến một số nhà kinh tế đưa ra quan điểm lạc quan một cách thận trọng cho năm 2024, tôi tin rằng sự tự mãn như vậy là sai lầm.
Sự lạc quan này có thể là do các nhà phân tích có xu hướng tập trung vào các nước giàu khi đánh giá tình trạng của nền kinh tế toàn cầu. Một phân tích chi tiết hơn sẽ mang lại một bức tranh ảm đạm hơn về bối cảnh kinh tế thế giới. Không giống như cuộc Đại suy thoái 2008 - 2009, vốn xảy ra do sự sụp đổ của thị trường nhà ở Hoa Kỳ, mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định kinh tế toàn cầu hiện nay đến từ các nước đang phát triển.
Trong đại dịch COVID-19, hầu như mọi quốc gia trên thế giới đều buộc phải tăng chi tiêu công. Nhưng trong khi các nước phát triển và thu nhập trung bình có đủ nguồn lực để mua vắc xin, thuốc và thiết bị thì các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình thấp lại vay mượn ồ ạt để đối phó với đại dịch cũng như các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng sau đó. Điều đó khiến nhiều quốc gia rơi vào tình trạng khó khăn về nợ nần hoặc có nguy cơ cao mắc nợ, nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét cụ thể các nước đang phát triển.
Theo Báo cáo nợ quốc tế mới nhất của Ngân hàng Thế giới, các nước nghèo nhất thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng nợ công. Nợ nước ngoài của họ, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 88.9 tỷ USD vào năm 2022, được dự đoán sẽ tăng 40% vào năm 2024. Ghana và Zambia đã vỡ nợ, Ethiopia có thể sẽ vỡ nợ vào năm 2024 và mức nợ trong nước ở các quốc gia như Argentina và Pakistan đang cao đáng báo động.
Tỷ lệ nợ công trên GDP theo quốc gia năm 2023
Nguồn: Wisevoter
Viết về điều này là chưa đủ. Chúng ta cần có sự can thiệp khẩn cấp của quốc tế để ngăn chặn tình hình leo thang. Mặc dù cuộc khủng hoảng hiện nay có thể không có tác động toàn cầu ngay lập tức như sự sụp đổ của thị trường nợ dưới chuẩn ở Hoa Kỳ năm 2008, nhưng những tác động lâu dài tiềm ẩn của nó có thể rất sâu rộng. Đáng chú ý, nó có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng di cư, tiếp tục thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cánh hữu trên khắp thế giới phát triển.
Trong khi Đại hội kéo dài 5 ngày của IEA ở Medellín giống như một luồng gió mới, việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ở các nước đang phát triển đòi hỏi nhiều hơn những nghiên cứu chuyên sâu. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới, phải hành động dứt khoát trước khi tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.
Giới thiệu về tác giả Kaushik Basu
Kaushik Basu là cựu Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và cố vấn kinh tế cho Chính phủ Ấn Độ. Ông cũng là giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell và là thành viên cao cấp của Viện nghiên cứu Brookings.
Nguồn: Cornell University Marketing Group
Phòng Tư vấn Vietstock