Vietstock - Những cổ phiếu niêm yết mới làm thay đổi bộ mặt thị trường chứng khoán năm 2017
2017 không chỉ là năm dấu ấn của chỉ số với đà tăng khủng hơn 300 điểm, mà còn là năm của hàng loạt cái tên lớn góp mặt chinh chiến trên đấu trường chứng khoán.
Khởi đầu năm 2017, tổng giá trị vốn hóa trên hai sàn chỉ đâu đó gần 1,700 tỷ đồng nhưng đến cuối năm, con số này đã đạt 3,360 tỷ đồng, tương ứng tăng 73%. Không những thế, thanh khoản thị trường cũng cải thiện mạnh mẽ, đạt gần 4,980 tỷ đồng/phiên, tăng 63% so với bình quân năm 2016. Và kết quả này có sự đóng góp từ nhiều ông lớn chính thức bước chân lên sàn vào năm nay.
Rúng động tại VRE: Từ quy mô đến giao dịch khủng
Từ khoảng tháng 8/2017, thị trường đã bắt đầu rôm rả về thương vụ IPO lớn nhất Việt Nam với giá trị cực khủng của thương vụ lên tới 16.2 ngàn tỷ đồng, tương ứng 713 triệu USD. Đến đầu tháng 11, 1.9 tỷ cổ phiếu CTCP Vincom Retail (VRE) đổ bộ HOSE đã giúp thay đổi đáng kể quy mô thị trường chung.
Được thành lập vào năm 2013 với vốn điều lệ ban đầu hơn 2,944 tỷ đồng và sau 11 lần thay đổi, hiện tại vốn điều lệ của VRE đạt hơn 19,000 tỷ đồng. Với mức giá trên sàn 47,000 đồng/cp, tổng giá trị vốn hóa tính đến thời điểm 29/12 đã gần 90,000 tỷ đồng, vượt mặt Petrolimex (PLX) và xếp sau các "ông lớn" Vinamilk (VNM), Sabeco (SAB), Vingroup (VIC) (không bao gồm các doanh nghiệp niêm yết thuộc nhóm ngân hàng).
Chưa hết ngỡ ngàng bởi quy mô, ngay sau ngày chào sàn, thị trường lại đón nhận một giao dịch “rúng động” tại VRE với 415 triệu cổ phiếu được sang tay bằng phương thức thỏa thuận. Ở vùng giá 40,600 đồng/cp, tổng giá trị của thương vụ hơn 740 triệu USD và ghi dấu 1 kỷ lục mới trên sàn chứng khoán.
Tuy bước lên sàn với kế hoạch 2017 giảm, nhưng dự báo cho năm 2018, VRE đặt kỳ vọng nâng kế hoạch doanh thu thuần lên con số hơn 8,053 tỷ đồng và lãi ròng trên 3,302 tỷ đồng, lần lượt tăng 75% và 55% so với kế hoạch đề ra năm 2017. Đồng thời đến hết năm 2018, Công ty dự kiến mở thêm 50 TTTM Vincom, hướng tới mục tiêu 200 TTTM vào năm 2021.
Trụ cột lớn đến từ đại gia xăng dầu
1.3 tỷ cổ phiếu chính là số lượng mà Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, PLX) đã đổ bộ sàn HOSE vào ngày 21/04/2017 với mức giá tham chiếu 43,200 đồng/cp. Vốn điều lệ của PLX gần 12,939 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn có Bộ Công thương nắm giữ gần 75.87% vốn, tương ứng 982 triệu cổ phần.
Với bàn đạp là giá dầu đang trên con đường hồi phục, giá cổ phiếu PLX đã nới rộng đà tăng tích cực trong 1 tháng trở lại đây và liên tục lập đỉnh mới. Hiện cổ phiếu này đang dừng bước tại 75,000 đồng/cp, tăng trưởng 74% so với thời điểm niêm yết ban đầu. Giá trị vốn hóa hiện tại cũng được cải thiện khi đạt gần 87,000 tỷ đồng.
Petrolimex đang sở hữu mạng lưới 46 Công ty con hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu và 2 đơn vị kinh doanh xăng dầu tại Singapore và Lào. Bên cạnh đó, PLX còn sở hữu 20 Công ty con và 5 công ty liên kết đến từ nhiều ngành nghề khác: hóa dầu, nhựa đường, gas, vận tải, bảo hiểm, ngân hàng,… Với quy mô trên, PLX đang chiếm lĩnh khoảng 50% thị phần toàn ngành và đơn vị dẫn đầu ngành kinh doanh xăng dầu Việt Nam.
Hàng không bay cao
Năm 2017 cũng là năm đánh dấu cả hai ông lớn đường băng tấn công thị trường chứng khoán. Mở màn năm vào ngày 03/01/2017, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, UPCoM: HVN) đã chọn UPCoM là điểm đến với hơn 1.22 tỷ cp có giá tham chiếu 28,000 đồng/cp. Trong vòng 1 năm qua, HVN đã duy trì đà tăng liên tục và hiện đạt mức giá 43,300 đồng/cp, tăng tương đương 47%. Theo đó, giá trị vốn hóa cũng được cải thiện hiện hơn 53,000 tỷ đồng.
Vì cơ cấu cổ đông tại HVN khá cô đặc chỉ với 2 cổ đông lớn mà trong đó Bộ Giao thông Vận tải đã ôm trọn hơn 86% vốn, tương đương khoảng 1 tỷ cổ phần, nên khối lượng giao dịch trung bình trong 1 năm qua của HVN cũng không cao chỉ 600,000 cp/phiên.
Quý 3 vừa qua là quý có kết quả lợi nhuận tốt nhất từ khi IPO đến nay nhờ hoạt động bán và cho thuê lại máy bay (Sales & Leaseback, SLB) với hơn 1,433 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2,633 tỷ đồng, tuy giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng đã vượt 61% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế dừng ở mức 2,256 tỷ đồng.
Không lâu sau đó khoảng cuối tháng 2, CTCP Hàng không VietJet (Vietjet Air, HOSE: VJC) cũng đã “chễm chệ” trên sàn HOSE với khối lượng 300 triệu cp với giá tham chiếu 90,000 đồng/cp, tương đương với mức vốn hóa 27,000 tỷ đồng. Lên sàn không lâu, VJC thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, liên tục trả cổ tức, xin ý kiến nới room ngoại lên 49% và ấp ủ dự định tiến công niêm yết trên các thị trường lớn nước ngoài.
Cổ phiếu VJC hiện đang dừng tại mức giá 146,800 đồng/cp, tăng hơn 63% so với mức giá khi vừa niêm yết kéo giá trị vốn hóa tăng thêm hơn 39,000 tỷ đồng lên mức 66,257 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietjet trong quý 3/2017 đạt hơn 1,075 tỷ đồng và tăng 38% so với cùng kỳ năm trước và lũy kế 9 tháng đầu năm, con số này gần cán mốc 3,000 tỷ đồng.
Khối ngoại bị quyến rũ bởi VPB
Không thể bỏ qua Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) trong làn sóng niêm yết của năm 2017. VPBank đã đưa 1.33 tỷ cp chính thức chinh chiến trên sàn HOSE với giá tham chiếu 39,000 đồng/cp từ ngày 17/08.
Không ngoài dự đoán, khi vừa chào sàn VPB đã tạo đột biến với khối lượng khớp lệnh lên đến 47 triệu đơn vị, chiếm tỷ trọng 65% giao dịch trên HOSE, trong đó phần lớn là của khối ngoại gom vào. Cũng vì sức quyến rũ VPBank đang sở hữu mà những nhà đầu tư nước ngoài rất tích cực săn đón, từ khi chính thức giao dịch đến nay, VPB luôn trong tình trạng kín room ngoại.
Dẫu không có diễn biến tăng giá đặc sắc nhưng với mức giá hiện tại 41,000 đồng/cp thì VPB cũng đã vượt mặt đàn anh đàn chị đi trước trong giới ngân hàng niêm yết đồng thời mức vốn hóa của nhà băng này hiện ghi nhận được hơn 61,000 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh 9 tháng vừa qua của VPB khá lạc quan với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 5,635 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 78% kế hoạch đề ra trong cả năm.
Ngoài những cái tên lớn có tầm ảnh hưởng được đề cập trên, thị trường còn chào đón lượng lớn doanh nghiệp tham gia sân chơi chứng khoán mà nhất là sàn UPCoM, riêng mảng ngân hàng là Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (UPCoM: LPB), Ngân hàng TMCP Kiên Long (UPCoM: KLB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (UPCoM: VIB), Ngân hàng TMCP Bắc Á (UPCoM: BAB) hay một số Tập đoàn lớn, Tổng Công ty lớn như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (UPCoM: VGT), Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (UPCoM: MIG), Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam – CTCP (UPCoM: LLM).
Trí Nhiên