Vietstock - Những cổ phiếu "huy hoàng rồi vụt tắt" trong năm Mậu Tuất
"Huy hoàng rồi vụt tắt" có lẽ là câu nói phản ánh đúng nhất diễn biến giá của không ít cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong năm Mậu Tuất. Những cái tên như SRA, CEN, HVA, DSC đã từng khiến nhà đầu tư phải xôn xao nhưng rồi tất cả lại chìm vào quên lãng.
Cái tên đầu tên phải kể tới là mã cổ phiếu CEN của CTCP CENCON Việt Nam. Chính thức lên sàn UPCoM từ ngày 15/06/2018 với giá 10,400 đồng/cp. Chỉ trong vòng 2 tháng ngắn, cổ phiếu CEN đã nhanh chóng bứt phá lên mức 180,700 đồng/cp (07/08), gấp hơn 18 lần so với giá khởi điểm khi lên sàn. Những đó chưa phải là mức đỉnh cao nhất của mã này. Tới ngày 22/08, CEN chính thức lập đỉnh 208,100 đồng/cp, tăng giá 1,900%. Và đây cũng là dấu chấm hết cho chuỗi ngày hoàng kim của cổ phiếu CEN.
Càng về cuối năm 2018, giá cổ phiếu CEN liên tục lao dốc. Chốt phiên 28/12, mỗi cổ phiếu CEN chỉ còn có giá 14,400 đồng/cp, giảm 93% so với mức đỉnh hồi tháng 8.
Diễn biến thị giá trong năm 2018 của CEN
Nguồn: VietstockFinance
|
Đầu tiên phải nói tới lượng cổ phiếu lưu hành của CEN, với mức vốn điều lệ hơn 13 tỷ đồng, mã này chỉ có 1.3 triệu cổ phiếu lưu hành trên sàn, trừ đi phần cổ đông lớn nắm giữ thì chỉ có khoảng 1 triệu cp được giao dịch trên sàn. Với lượng cổ phiếu này giao dịch trên sàn của NĐT rất dễ khiến giá cổ phiếu biến động mạnh.
Mặt khác, điều làm nhà đầu tư quan tâm tới CEN có lẽ là kế hoạch tăng vốn từ 13 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng thông qua phương thức phát hành thêm 28.6 triệu cp, dự kiến thực hiện trong quý 2-3/2018.
Tuy nhiên sau giai đoạn hưng phấn, nhà đầu tư lại được dịp xem xét lại tính hấp dẫn của CEN khi kế hoạch tăng vốn mãi vẫn không thấy thực hiện trong khi kết quả kinh doanh của Công ty lại khá bèo và đây có lẽ nguyên nhân khiến giá CEN rơi mạnh như vậy.
Kế hoạch năm 2018, CEN đặt mục tiêu doanh thu tăng gấp đôi lên 160 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 19 tỷ đồng và 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ bất thường, kế hoạch đã được điều chỉnh giảm mạnh. Chỉ tiêu doanh thu từ 160 tỷ đồng giảm còn 90 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế giảm từ 19 tỷ đồng còn 3.6 tỷ đồng.
Một trường hợp khác lên sàn UPCoM ngày 05/01, với giá tham chiếu chỉ 8,500 đồng/cp, cổ phiếu của CTCP Chứng khoán Đà Nẵng (DSC) ngay lập tức tăng mạnh, đỉnh kỷ lục là 114,000 đồng/cp (11/05/2018), mức giá mà ngay cả những ông lớn hàng đầu trong khối công ty chứng khoán như SSI, HSC, VND… cũng chưa từng chạm tới.
Nhân lúc thị giá đang ở mức cao, Công ty đã thông qua phương án phát hành 8 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với giá dự kiến 10,000 đồng/cp. Dự kiến, số tiền thu được hơn 80 tỷ đồng thông qua đợt phát hành này sẽ được dùng để bổ sung vốn đáp ứng yêu cầu về vốn để thực hiện nghiệp vụ tự doanh, đồng thời, bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho kế hoạch ngắn hạn và dài hạn của Công ty.
Đà tăng của DSC có lẽ nhờ vào kết quả quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm 2018. Cụ thể, doanh thu hoạt động của Công ty đạt 35.5 tỷ đồng, gấp gần 11 lần so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 24.4 tỷ đồng, gấp hơn 26 lần cùng kỳ.
Tuy vậy, kết quả này lại không được duy trì ổn định khi quý 3/2018, doanh thu Công ty chỉ đạt gần 3 tỷ đồng và lãi vỏn vẹn 210 triệu đồng. Phải chăng vì kết quả kinh doanh “đầu voi đuôi chuột” này mà, giá DSC mới lao dốc “ngoạn mục” như vậy. Tính tới 28/12, thị giá DSC chỉ còn 12,100 đồng/cp, giảm gần 90% so với mức đỉnh tháng 5/2018.
Diễn biến thị giá trong năm 2018 của DSC
Nguồn: VietstockFinance
|
Một điểm đáng chú ý khác là tình trạng sở hữu của cổ phiếu DSC lại hết sức cô đặc khi hai cổ đông lớn là CTCP Việt Nam Equity và CTCP Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng sở hữu tổng cộng tới 70% vốn điều lệ (tính tới 30/06/2018).
Nói đến tăng mạnh rồi giảm sâu không thể không kể tới cái tên đình đám SRA của CTCP Sara Việt Nam với loạt tăng điểm ấn tượng liên tục từ phiên 27/07 tới tận phiên 05/09. Sau khi mải miết chạy không ngừng nghỉ, thị giá SRA đã chạm đỉnh 77,200 đồng/cp, tăng hơn 704% so với mức giá 9,600 đồng/cp phiên 27/07. Sau khi đạt đỉnh, giá SRA bắt đầu đổ đèo, lên nhanh bao nhiêu thì lúc xuống nhanh bấy nhiêu. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, thị giá của SRA mất gần 70% thị giá về mức 24,600 đồng/cp (phiên 02/10).
Song khác với các cổ phiếu “vụt sáng” khác, “ánh sáng” của SRA vẫn không chịu tắt hẳn. Chạm đáy 24,600 đồng/cp, giá SRA lại tiếp tục chuỗi tăng điểm như trước đó, kết quả mã này lập đỉnh kỷ lục 77,400 đồng/cp (phiên 24/10). Rồi giá SRA lại tiếp tục giảm mạnh, song lần này chỉ về mức 38,000 đồng/cp (phiên 16/11) và rồi giằng co quanh vùng giá 40,000 – 50,000 đồng/cp. Chốt phiên 28/12, giá cổ phiếu SRA ở mức 42,500 đồng.
Diễn biến thị giá trong năm 2018 của SRA
Nguồn: VietstockFinance
|
Năm 2018, Công ty báo lãi sau thuế 103.7 tỷ đồng, gấp hơn 9 lần năm trước. Về mặt kế hoạch, SRA đặt mục tiêu lãi sau thuế 60 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần so với thực hiện 2017.
Có lẽ kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh và kỳ vọng của nhà đầu tư vào đó là tác nhân chính khiến giá cổ phiếu SRA biến động mạnh trong năm qua. Tuy nhiên, cũng chính vì biến động quá mạnh mà không ít nghi vấn được đặt ra. Thêm vào đó, việc chỉ có 2 triệu cổ phiếu SRA lưu hành trên thị trường càng khiến nhà đầu tư phải nghi ngại.
Bên cạnh đó không thể không kể tới hai trường hợp “vụt sáng” khác là ART và SJF. Đối với ART, cổ phiếu này bắt đầu tăng mạnh từ đầu tháng 7/2018 cùng với thông tin công ty phát hành hơn 108 triệu cp tăng vốn để tham gia thị trường phái sinh. Chỉ trong 2 tuần, giá ART đã chạm mức 14,800 đồng/cp (13/07/2018), sau đó, mã này giảm mạnh và rồi lại tăng lại lên mức đỉnh mới 15,100 đồng/cp (24/07/2018). Nhưng ART cũng chỉ có thể tỏa sáng tới đó, giá cổ phiếu về sau giảm mạnh về mức trên 2,000 đồng/cp
Diễn biến giá cổ phiếu ART trong năm 2018
Nguồn: VietstockFinance
|
Một trường hợp khác là SJF Của CTCP Đầu tư Sao Thái Dương với giá cổ phiếu tăng gấp đôi từ 05-08/2018, mức đỉnh của cổ phiếu này là 28,000 đồng/cp (24/08/2018). Từ sau đó, giá SJF đi vào guồng giảm. Tới đầu năm 2019, giá chỉ còn khoảng 5,000 đồng/cp, mức thấp kỷ lục kể từ khi niêm yết.
Diễn biến giá cổ phiếu SJF từ khi niêm yết
Nguồn: VietstockFinance
|
Những cái tên kể trên chỉ là đại diện cho không ít cổ phiếu “vụt sáng” trong năm Mậu Tuất, còn nhiều trường hợp khác như HVA, TLD, DS3… và những mã này thường thì chỉ “le lói” kéo dài sau khi tỏa sáng đầy ấn tượng.
Điểm chung của các cổ phiếu này là doanh nghiệp đều công bố kết quả kinh doanh ấn tượng so với năm trước hoặc có kế hoạch kinh doanh mới mà có lẽ sẽ khiến công ty lột xác. Mặt khác, diễn biến giá cổ phiếu đều tương tự nhau, tăng mạnh khi kế hoạch được đưa ra và giảm mạnh sau một thời gian thông tin đã hết nóng hay kế hoạch không được như kỳ vọng.
Yến Chi