Theo VKS, hơn 94% tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát có được sau khi ‘rút ruột’ SCB. Theo Báo Công an TPHCM, trong quá trình tranh luận với các quan điểm của luật sư bào chữa và bị cáo Trương Mỹ Lan, đại diện VKS nhiều lần gay gắt, dùng cụm từ "thiếu căn cứ", "không có căn cứ" để nhận xét về lập luận của phía bà Lan.
Với câu hỏi "nói bị cáo chiếm đoạt nhưng Ngân hàng SCB lấy đâu ra tiền, chiếm đoạt cái gì?", VKS nhấn mạnh cách đặt câu hỏi không có căn cứ, chứng tỏ luật sư không nghiên cứu hồ sơ vụ án.
"Bị cáo Lan không có nhiều tài sản như bị cáo trình bày, cũng không có nguồn lực tài chính dồi dào. Trước khi hợp nhất 3 ngân hàng, bị cáo Lan có rất nhiều khoản nợ như VKS đã nêu. Trong khi bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác tại SCB trình bày khoản nợ khó thu khó đòi, tài sản bảo đảm giá trị thấp.
Nếu nhiều tài sản thì vì sao không tất toán những khoản nợ trên, mà sử dụng SCB huy động tiền gửi của dân?", VKS đối đáp.
"Tiền ở đâu bị cáo chiếm đoạt? Là tiền huy động của dân. Ngân hàng Nhà nước gồng mình để cho SCB vay khoản tiền khổng lồ để chi trả dần, ổn định tình hình tài chính, không biết khi nào thu hồi đủ. Số tiền khổng lồ này đáng lẽ sử dụng nhiều mục đích cho chúng ta, con cháu chúng ta. Luật sư nói bị cáo chiếm đoạt tài sản làm gì? Để mua nhiều bất động sản"- VKS gay gắt.
Được biết, theo lời khai của Lê Khánh Hiền - Tổng Giám đốc SCB, NHNN và các tổ chức tín dụng đã "bơm" cho SCB đến gần 40.000 tỷ đồng để tái cơ cấu.
Trong số 1.169 bất động sản kê biên, bị cáo Lan thừa nhận của bị cáo, liên quan bị cáo phải thuê nhờ người đứng tên. VKS cho rằng điều này làm rõ sự gian dối của bị cáo.
Đây là số tài sản nhờ sử dụng tiền chiếm đoạt của SCB để đầu tư, để mua. VKS nhấn mạnh toàn bộ hồ sơ vụ án và kết quả xét xử công khai là căn cứ chứng minh hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan.
NHNN và các TCTD gồng mình cho SCB vay gần 40.000 tỷ đồng, Trương Mỹ Lan cầm ‘núi tiền’ đi mua bất động sản |
Với quan điểm bà Lan phải chịu trách nhiệm khoản vay không liên quan tới bà, VKS nói: "Lập luận không có một căn cứ điều này ở đâu ra? Tất cả đều liên quan tới bị cáo. Làm sao nói truy tố khoản vay không liên quan bị cáo"- VKS nói.
Trong suốt quá trình truy tố, xét xử, bị cáo Lan có gửi nhiều đơn và luận cứ trình bày. VKS cho rằng tất cả đơn, văn bản trình bày của bị cáo đều được cơ quan tố tụng nghiên cứu kỹ, đối đáp của kiểm sát viên đều tranh luận từng quan điểm của bị cáo. Không có chuyện bị cáo trình bày, gửi đơn mà không có đối đáp trả lời.
Về quan điểm của bị cáo nói suốt 10 năm SCB hợp nhất không sử dụng một đồng tiền nào của Nhà nước, SCB vẫn hoạt động bình thường. VKS tiếp tục cho rằng điều này là không chính xác. "Việc SCB duy trì nguồn tiền trả cho người dân là nghĩa vụ của tổ chức tín dụng, phải có nguồn dự trữ theo luật. SCB không hoạt động bình thường theo lập luận của bị cáo"- theo VKS.
Hồ sơ vụ án thể hiện từ năm 2011, bị cáo Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Với việc sở hữu 91,5% cổ phần của Ngân hàng SCB thông qua nhiều cá nhân, pháp nhân, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng cùng các cán bộ chủ chốt ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát rút tiền của Ngân hàng SBC bằng hình thức lập các hồ sơ vay khống.
>> VKS vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan không hề có tiềm lực tài chính, gần 95% tài sản có được sau khi ‘rút ruột’ SCB