Vietstock - Nhịp đập Thị trường 10/10: Bên bán đang chiếm ưu thế
Giao dịch trên thị trường nhìn chung không quá sôi động khi tâm lý thận trọng đang chi phối thị trường. Nhóm bất động sản điều chỉnh khá mạnh.
Nhóm sản xuất hàng gia dụng và bán lẻ vẫn đang dẫn đầu với sự tăng trưởng của DCS, GDT… Tuy nhiên, mức tăng khá thấp do thị trường chung đang giằng co và rung lắc mạnh.
Độ rộng toàn thị trường khá yếu với 148 mã tăng điểm và 201 mã giảm điểm. Điều này cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế so với bên mua.
Nhóm bất động sản tiếp tục giảm mạnh nhất thị trường. Nổi bật nhất là VIC, NLG, NVL… Riêng VIC thì sau nhiều tuần tăng trưởng mạnh và vượt đỉnh cũ thì bắt đầu có hiện tượng throwback trở lại. Vùng 49,000-51,000 sẽ đóng vai trò hỗ trợ mạnh trong thời gian tới.
Nhóm sản phẩm cao su cũng nằm trong top những ngành giảm mạnh nhất. Mã DRC đã phá vỡ hoàn toàn đáy cũ tháng 02/2016 (tương đương vùng 25,500-27,500). Vì vậy, khả năng tiếp tục điều chỉnh mạnh của mã này là khá cao.
Nhóm ngân hàng cũng điều chỉnh trở lại. Điều này khá nguy hiểm vì đây là ngành có nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn và ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường chung.
Mở cửa: ETF đồng loạt tăng, thị trường giằng co
Việc khối ngoại liên tục mua bán ròng xen kẽ trong thời gian gần đây khiến cho giới đầu tư càng chú ý hơn đến biến động của các ETF. Thị trường giằng co vào đầu phiên sáng.
VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) và FTSE Vietnam UCITS ETF (XFVT) đều tăng trưởng nhẹ. Tỉ lệ premium/discount của hai ETF này đang ngược nhau nên sẽ ảnh hưởng khá phức tạp đến biến động của thị trường chung.
Khá bất ngờ là độ rộng thị trường tương đối mạnh vào đầu phiên khi có 133 mã tăng và 123 mã giảm. Điều này cho thấy bên mua đang chiếm ưu thế một chút so với bên bán.
Ngành bất động sản đang giảm khá mạnh và đây sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư bắt đáy. Các mã VIC, NLG, NVL, … đều đang ở trong vùng giá khá hấp dẫn.
Riêng mã NLG thì các chỉ báo Stochastic Oscillator, MACD… đều đang trong quá trình hình thành phân kỳ giá lên khá mạnh. Hỗ trợ mạnh trong ngắn hạn là vùng 24,000-26,000 (đáy cũ tháng 05/2017).
Ngành thực phẩm-đồ uống cũng chưa phục hồi trở lại. Điều này sẽ ảnh hưởng khá lớn đến khả năng tăng trưởng của thị trường do ngành này có nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như SAB, VNM…
Thế Phong