Vietstock - Nhịp đập Thị trường 10/01: Áp lực chốt lời tại vùng 1,045 điểm
Áp lực bán gia tăng khi VN-Index tiến sát mốc 1,045 điểm. Dầu khí tiếp tục thu hút dòng tiền.
Độ rộng toàn thị trường cân bằng khi có 227 mã tăng và 231 mã giảm. Điều này cho thấy cung đang gia tăng trên diện rộng.
Dầu khi tiếp tục bứt phá, ngoài PVD tăng mạnh có lúc giao dịch ở mức trần thì PVT cũng nới rộng đà tăng.
Nhóm chế biến thủy sản duy trì sắc xanh với sự dẫn dắt của IDI và HVG. HVG duy trì mức tăng trần và trống bên bán, khối lượng giao dịch ở mức cao giúp HVG vượt đỉnh tháng 12/2017, qua đó xác nhận xu hướng tăng trong ngắn hạn.
Áp lực bán tập trung tại nhóm ngân hàng với sự điều chỉnh của VCB và CTG.
Nhóm xây dựng phân hóa, trong khi CTD giảm mạnh trên 1% thì HBC tăng trên 4%. Tuy nhiên, xu hướng điều chỉnh trên HBC còn khá mạnh do giá đóng cửa dưới các nhóm MA quan trọng.
Hai ông lớn trong ngành vật liệu xây dựng là HSG và HPG có diễn biến trái chiều HSG duy trì đà tăng trong khi HPG lại điều chỉnh.
Bảo hiểm đang bị chốt lời với tâm điểm là BVH. Tuy nhiên, xu hướng tăng của BVH đang rất mạnh, cổ phiếu này chỉ rung lắc tại vùng đỉnh tháng 10/2016 (vùng 72,000-74,000). Nếu vượt vùng này thì mục tiêu giá tiếp theo có thể là vùng 90,000-100,000.
Phiên sáng: VN-Index hướng đến vùng 1,045-1,050 điểm
VN-Index liên tục bứt phá và hướng đến vùng 1,045-1,050 điểm. Nhóm dầu khí, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản là động lực tăng trưởng trong phiên.
Kết phiên sáng, VN-Index tăng lên mức 1,043.06 điểm, tăng 0.92%. HNX-Index có diễn biến tương tự, tăng 0.31% lên mức 122.52 điểm. Có 15/20 nhóm tăng trưởng, trong đó 238 mã tăng và 184 mã giảm hàm ý bên mua đang chiếm ưu thế.
Sự tăng trưởng của giá dầu thế giới tạo động lực lớn cho họ dầu khí bứt phá. Bốn đại gia GAS, PVD, PVT, PVS tiếp tục nới rộng đà tăng. Đáng chú ý là PVD, cổ phiếu có lúc được giao dịch ở mức trần.
Biến động giá của PVD từ tháng 03/2017 đến nay
|
Nhóm ngân hàng đảo chiều tăng trở lại. Các cổ phiếu đầu ngành như VCB, BID, CTG và các cổ phiếu khác như VPB, MBB duy trì sắc xanh. MBB rung lắc mạnh trong phiên, cổ phiếu này đang trong quá trình tìm đỉnh cao kỷ lục trong lịch sử.
Nhóm công ty đầu ngành chứng khoán (HCM, SSI, VND) tiếp tục tăng trưởng tốt sau khi HOSE công bố thị phần môi giới trong quý 4/2017. Theo đó, SSI và HCM vẫn chia nhau hai vị trí dẫn đầu và bỏ xa nhóm dưới, với thị phần là 17.9% và 15.8%. VCSC vươn lên vị trí thứ 3 với 10.8% và VND tụt xuống vị trí thứ 4 với 7.1%.
* Thị phần môi giới HOSE quý 4/2017: Vẫn những gương mặt cũ!
Nhóm thực phẩm - đồ uống phân hóa, đà tăng của VNM làm giảm tác động tiêu cực từ sự đi xuống của SAB và MSN.
Nhóm bất động sản tiếp tục duy trì sắc xanh. Ngoài các cổ phiếu như NVL, VIC, NLG thì dòng tiền còn tập trung vào nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ như: SCR. Hiện tại, SCR đang tăng trần và trống bên bán.
Chiều ngược lại, áp lực bán vẫn còn trên nhóm sản phẩm cao su. Các cổ phiếu đầu ngành (CSM, DRC, SRC) đều suy giảm. Tuy nhiên, trong ngắn hạn các cổ phiếu trong nhóm được hỗ trợ mạnh từ đường MA 20 nên mức độ điều chỉnh sẽ không mạnh.
10h30: VN-Index tiến sát 1,040 điểm
Lực cầu liên tục gia tăng giúp VN-Index chinh phục thành công mốc 1,035 điểm. Nhóm dầu khí, chứng khoán và bất động sản đang là đầu tàu của thị trường.
Độ rộng thị trường lớn khi có 224 mã tăng và 173 mã giảm. Điều này cho thấy lực cầu được duy trì ổn định.
Họ dầu khí tiếp tục là trụ cột khi tăng trưởng, bốn đại gia: GAS, PVD, PVT, PVS vẫn thu hút dòng tiền, PVD tăng mạnh nhất nhóm hơn 5%.
Ngành chứng khoán với các trụ cột: SSI, HCM, VND đi lên mạnh. Các cổ phiếu này đều trong xu hướng tăng và giao dịch tại vùng giá cao. Đặc biệt là HCM, cổ phiếu này vẫn trong quá trình tìm đỉnh cao lịch sử.
Ngành chế biến thủy sản phục hồi với tâm điểm là HVG. Hiện, HVG tăng trần và trống bên bán sau thông tin thoái vốn tại CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (OTC: VTF). Cụ thể, HĐQT của HVG đã thông qua việc thoái vốn trên 50% tại VTF. Hiện tại, HVG đang nắm giữ 90.38% tại VTF.
Biến động giá của HVG từ tháng 03/2017 đến nay
Nhóm bất động sản phân hóa, khi ROS đi xuống thì các cổ phiếu đầu ngành khác như: VIC, NVL, NLG lại đi lên, giúp toàn ngành tăng trưởng. Với NVL thì xu hướng khá mạnh nên khả năng giá kiểm định lại vùng đỉnh tháng 3/2017 (mốc 76,000) là khá lớn.
Trên nhóm ngân hàng, CTG vẫn chìm trong sắc đỏ, VCB, BID đã đảo chiều tăng trở lại. Đáng chú ý có VPB duy trì sắc xanh, cổ phiếu này liên tục bứt phá và duy trì xu hướng tăng trong ngắn hạn.
Mở cửa: Dầu khí tiếp tục dậy sóng
VN-Index duy trì đà tăng khi mở cửa, họ dầu khí đang là động lực giúp thị trường đi lên.
Độ rộng thị trường lớn khi có 173 mã tăng và 121 mã giảm. Điều này chứng tỏ lực cầu cổ phiếu đang gia tăng trên diện rộng giúp thị trường bứt phá.
Dầu khí tiếp tục tăng trưởng tốt, các ông lớn như PVS, PVT, GAS, PVD đều tăng theo xu hướng của giá dầu thế giới. Trong phiên tối qua, giá dầu tăng mạnh đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm sau báo cáo của EIA. Báo cáo này cũng cho thấy sản lượng bình quân của OPEC chỉ còn 32.5 triệu thùng/ngày trong năm 2017, giảm 200,000 thùng/ngày.
Biến động của giá dầu Brent từ đầu năm 2015 đến nay
Áp lực bán đè nặng lên nhóm ngân hàng, với tâm điểm là các ông lớn VCB, CTG, BID. Các cổ phiếu khác trong ngành có mức điều chỉnh không lớn.
Nhóm thực phẩm - đồ uống có sự phân hóa trong khi VNM, SAB duy trì đà tăng thì MSN điều chỉnh. SAB tiếp tục dao động trong biên độ hẹp 248,000-269,000, cho thấy giai đoạn tích lũy trong xu hướng.
Trên sàn HNX, HNX-Index có diễn biến trái chiều khi giằng co mạnh quanh tham chiếu. Tuy nhiên, chỉ số vẫn xác nhận xu hướng tăng sau khi tạo lập đáy ngắn hạn tại đỉnh cũ tháng 10/2017 (vùng 109-111 điểm).
Mạnh Hiếu