Vietstock - Nhiều dự án căn hộ Sài Gòn 'cháy' room bán cho khách ngoại
Anh Thiện đầu tư căn hộ quận 2, TP.HCM, có khách nước ngoài mua giá cao nhưng dự án hết room ngoại, đành bán rẻ hơn cho người Việt.
Căn hộ của anh Thiện thuộc phân khúc chung cư cao cấp tại phường Thảo Điền, giá nhà đã hoàn thiện nội thất trên 4 tỷ đồng. Căn hộ có view toàn khu biệt thự quanh "phố nhà giàu" quận 2 và hướng ra sông Sài Gòn. Sau một thời gian cho thuê, có khách Tây ngỏ ý mua với giá 5,5 tỷ đồng, anh Thiện đồng ý bán vì nhẩm tính tỷ suất sinh lời cao.
Tuy nhiên, khi liên hệ chủ đầu tư để tìm hiểu về quá trình giao dịch với người nước ngoài, anh Thiện được thông báo dự án đã hết room bán cho khối ngoại. Cuối cùng, vì muốn chốt lời để có tiền đầu tư làm ăn, anh Thiện đành bán cho người Việt với giá mềm hơn nửa tỷ đồng, chốt giao dịch 5 tỷ.
Trong khi đó, ông Lương, một nhà đầu tư căn hộ tại quận 2, cũng từng gặp sự cố vì nhận cọc bán cho khách nước ngoài trong khi dự án đã hết sạch room dành cho khối ngoại. Anh Lương cho biết, cuối 2017 anh mua lướt sóng căn hộ cao cấp tại Xa lộ Hà Nội, quận 2, sau đó bán lại cho một khách nước ngoài đầu năm 2018. Không may, khi vừa ký hợp đồng cọc xong, chủ đầu tư mới thông báo hết room bán cho người nước ngoài. Giao dịch của anh Lương vì vậy bị giam lại hơn một tháng để tìm khách Việt bán lại với khoản tiền chênh lệch thu về thấp hơn.
Là quản lý kinh doanh bất động sản tại khu Đông TP.HCM có thâm niên 7 năm, anh Song Hải tiết lộ, trường hợp giao dịch bị vướng vì hết room ngoại không phải là cá biệt tại các dự án tại quận 2, đặc biệt là thuộc phường Thảo Điền. Trong vòng 6 - 18 tháng qua, do khu vực phường Thảo Điền có lịch sử được khách Tây và mới xuất hiện thêm khách gốc Á ưa chuộng, nên một lượng khá lớn người nước ngoài muốn mua nhà tại đây, cả trên thị trường sơ cấp (chủ đầu tư bán) lẫn thứ cấp (nhà đầu tư mua đi bán lại).
Thị trường căn hộ khu Đông TP HCM nhìn từ trục Xa lộ Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Trần
|
Với thực trạng hiện nay nhiều dự án đã đạt 30% sở hữu nước ngoài từ cuối năm 2017 nên không còn suất giao dịch cho người nước ngoài mua nữa. “Nếu vẫn muốn thực hiện giao dịch thứ cấp với khối ngoại, chủ nhà chỉ còn cách xếp hàng chờ một khách nước ngoài nhả hàng lại cho người Việt mới có thể tiến hành chuyển nhượng”, ông Hải giải thích.
Trước đó, quý III/2017, một dự án có vị trí đắc địa giáp quận 1 qua hầm Thủ Thiêm công bố sản phẩm đã thu hút hàng trăm khách hàng Hàn Quốc quan tâm đặt chỗ. Điều đáng chú ý của nhóm khách đến từ xứ sở kim chi là ngay cả khi môi giới giải thích về quy định một dự án không được bán cho người nước ngoài vượt quá 25-30% sản phẩm. Trường hợp hết suất mua, môi giới tư vấn khách ký hợp đồng thuê 50 năm, các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn chấp thuận.
Tại buổi gặp gỡ các nhà đầu tư chuyên viên phân tích cuối tháng 7/2018, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, Nguyễn Xuân Quang cũng nhắc đến nhân tố mới xuất hiện trên thị trường bất động sản TP.HCM gần đây. Đó là sự tham gia khá nhộn nhịp của nhà đầu tư nhỏ lẻ nước ngoài.
Ông Quang cho hay, nhóm khách nước ngoài mua căn hộ không phải là nhà đầu tư tổ chức. Song, dù chỉ là nhà đầu tư cá nhân, tham gia mua lẻ hoặc mua sỉ căn hộ, tỷ trọng giao dịch đang ngày càng gia tăng, choán hết cả room cho phép theo quy định (không vượt quá 30% sản phẩm trong dự án căn hộ).
Chủ tịch Nam Long nhận xét, sự tham gia của các nhà đầu tư nhỏ lẻ ở những dự án căn hộ cao cấp là điểm sáng bất ngờ của thị trường trong bối cảnh thanh khoản chung cư giảm tốc. "Có thể nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy tiềm năng của thị trường bất động sản TP.HCM khi so với mặt bằng lãi suất ở nước ngoài khá thấp", ông Quang nói.
Phó tổng giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị Công ty cổ phần Bất động sản Danh Khôi (DKR), Nguyễn Lộc Hạnh cho biết, tình trạng khách lẻ người nước ngoài mua hết room bán cho khối ngoại đang diễn ra khá phổ biến tại khu Đông TP.HCM. Hiện tượng này thường chỉ xuất hiện ở các dự án cao cấp quy mô dưới 500 căn vì gu của người nước ngoài là mật độ dân cư vừa phải, không quá dày đặc.
Ông Hạnh phân tích, lý do chính là so ra giá bất động sản, đặc biệt là căn hộ cao cấp tại Sài Gòn còn rẻ hơn Hong Kong, Singapore. Mặt khác, mức lãi suất phổ biến tại Nhật, Singapore, Hàn Quốc dưới hoặc không quá 3% còn Đài Loan, Hong Kong cũng có mức lãi suất ở mức khiêm tốn so với Việt Nam.
Theo các chuyên gia bất động sản, nhà đầu tư nước ngoài thường không chuộng tư duy ăn xổi. Họ luôn đánh giá thị trường trong tầm nhìn dài hạn hơn so với nhà đầu tư trong nước. Nếu định vị tầm nhìn tính bằng đơn vị thập niên, thị trường bất động sản TP.HCM được đánh giá còn nhiều tiềm năng và biên độ tăng trưởng lớn hơn so với các đô thị đang bão hòa tại Đông Nam Á và châu Á. Do đó, trong thời gian tới, bất động sản Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục đón nhận cơn lốc săn bất động sản của nhà đầu tư ngoại.
Vũ Lê