Vietstock - Nhà ở xã hội đang "đói" vốn
Nhiều người thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà chưa tiếp cận được vốn vay...
Tại cuộc họp thường kỳ được tổ chức mới đây, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, mặc dù cơ chế chính sách liên quan đến phát triển nhà ở xã hội đã hoàn chỉnh nhưng giai đoạn 2017 – 2018, lĩnh vực này rất khó khăn, cơ bản là do thiếu vốn.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến hết quý 2/2018, chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã hoàn thành 86 dự án, quy mô khoảng 34.700 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 1.735.000 m2; Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp: đã hoàn thành 100 dự án, quy mô khoảng 41.000 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 2.050.000 m2.
Nguồn cung nhỏ giọt
Con số này so với nhu cầu là rất hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hoá ngày càng tăng và hàng trăm khu công nghiệp tập trung đang được phát triển mạnh trên cả nước. Ước tính đến 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở, để đáp ứng nhu cầu này cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.
Chỉ tính riêng tại Tp.HCM, trước mắt cần phải có ngay 80.000 căn hộ giá rẻ. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, đến hết năm 2017 mới có 5 dự án hoàn thành với khoảng 3.700 căn hộ; 12 dự án khác trong vài năm tới có thể cung cấp thêm 7.300 căn nữa và đến lúc đó cũng chỉ mới đáp ứng được 14% nhu cầu. Tương tự, tại Bình Dương, có hơn 1,1 triệu người ngoại tỉnh đến làm ăn, sinh sống đang có nhu cầu nhà ở giá rẻ nhưng hầu hết các dự án tại đây cũng chỉ do Becamex - một tập đoàn có vốn nhà nước thực hiện.
Một trong những rào cản lớn nhất hiện nay mà chương trình phát triển nhà ở xã hội gặp phải là gói tín dụng cho vay ưu đãi các dự án nhà ở xã hội lãi suất thấp 30.000 tỷ đồng kết thúc từ năm 2016 khiến nhiều người thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà chưa tiếp cận được vốn vay, nhiều dự án bị dừng cho vay, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ.
Nhiều doanh nghiệp chia sẻ: không được vay ưu đãi, trong khi các khoản vay thương mại có điều kiện khắt khe hơn, lại có mức lãi suất cao nên họ rất khó tham gia phát triển nhà ở xã hội.
"Mặc dù điều khoản cho vay khá chặt chẽ, chưa mở rộng với các đối tượng mua nhà nhưng gói 30.000 tỷ đồng rất thành công, giúp số lượng lớn người dân có thu nhập thấp và công nhân lao động được tiếp cận nhà ở. Trong bối cảnh giá đất ngày càng tăng, chi phí đầu vào cũng tăng, cả doanh nghiệp lẫn người dân đều cần có sự hỗ trợ về vốn từ phía Nhà nước thông qua việc tiếp tục triển khai những gói tương tự với nhiều hình thức, phương pháp khác nhau. Bên cạnh đó, nếu tương lai có những chương trình tín dụng ưu đãi cho người mua nhà lần đầu tiên vay thì sẽ có nhiều người hơn có cơ hội an cư lập nghiệp" – ông Nguyễn Vĩnh Trân, Tổng giám đốc MIK Group nhận định.
Thay đổi cách tiếp cận chính sách
"Trước tình hình này, Bộ Xây dựng đã nhiều lần báo cáo Chính phủ và các bộ ngành đề nghị cấp vốn cho nhà ở xã hội. Quốc hội có kế hoạch cấp 2.000 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ xây nhà cho người có công 840 tỷ đồng thì Bộ Tài chính đã cấp đủ. Còn hơn 1.000 tỷ đồng cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội thì ngân sách mới cấp được 250 tỷ đồng, trong tháng 6 mới giải ngân được khoảng 30 tỷ đồng. Đây là mức rất thấp", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhận xét.
Cũng theo Thứ trưởng Hùng, nhu cầu vốn thực hiện các chương trình nhà ở rất lớn, trong điều kiện ngân sách nhà nước rất khó khăn, đòi hỏi cần có sự quan tâm vào cuộc của hệ thống tổ chức chính trị, cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh vốn hỗ trợ của Nhà nước, còn huy động nhiều nguồn vốn khác, ví như hiện đang có thiết chế công đoàn xây dựng nhà ở công nhân ở một số khu công nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng, để cải thiện điều kiện nhà ở cho công nhân, cần có nguồn vốn tín dụng cho vay để thuê nhà, sẽ phù hợp với điều kiện kinh tế và khả năng của đối tượng công nhân khu công nghiệp; cần quy định việc xây dựng nhà ở công nhân là trách nhiệm của các doanh nghiệp và chủ đầu tư sử dụng lao động; các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần đơn giản hoá thủ tục hành chính trong thẩm định phê duyệt dự án đầu tư xây nhà ở xã hội nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án...
"Cần thay đổi quan điểm và cách tiếp cận chính sách; thứ nhất, cần tập trung nguồn lực còn rất hạn chế vào giúp những người thiếu nhà ở nhất trong đô thị và công nhân các khu công nghiệp được thuê nhà ở xã hội với giá rẻ; hai là, Chính phủ tạo điều kiện cho thị trường phát triển nhà ở phổ cập và giúp đỡ hộ thu nhập thấp đô thị đủ khả năng chi trả để mua loại nhà ở này" - ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề xuất.
NAM HUYỀN