Vietstock - Nhà đầu tư đường Thái Nguyên - Chợ Mới muốn nhà nước mua lại dự án
Do doanh thu quá thấp, nhà đầu tư tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép thu phí cả quốc lộ 3 như diều khoản hợp đồng BOT hoặc Nhà nước mua lại dự án với giá hơn 2.770 tỉ đồng để tránh phá sản.
Sau 3 tháng hoạt động, trạm thu phí tại km 72+930 đường Thái Nguyên - Chợ Mới thu trung bình hơn 74,3 triệu đồng/ ngày, bằng 12,5% so với phương án tài chính - Ảnh: HỒNG PHƯƠNG
|
Hai kiến nghị đó được liên danh Nhà đầu tư Cienco4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc đưa ra trong báo cáo vừa gửi Bộ Giao thông vận tải ngày 26-4 sau 3 tháng thực hiện thu phí tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn).
Dự án đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng quốc lộ 3 đoạn km 75 đến km 100 theo hình thức BOT được đưa vào khai thác từ ngày 18-5-2017. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 2.744 tỉ đồng.
Theo hợp đồng BOT được ký kết giữa Nhà đầu tư với Bộ Giao thông vận tải, để hoàn vốn, Nhà đầu tư sẽ được đặt một trạm thu phí trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (tuyến đường dài gần 40km được làm mới hoàn toàn) và một trạm thu phí trên quốc lộ 3 (được cải tạo nâng cấp, mở rộng 25 km trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên). Hai tuyến đường này song song với nhau.
Tuy nhiên, do sự phản ứng của người dân với trạm thu phí đặt ở ngã ba Bờ Đậu tại km 77+922 quốc lộ 3 nên ngày 23-11-2017, UBND tỉnh Thái Nguyên kiến nghị Bộ Giao thông vận tải dỡ bỏ trạm thu phí này, điều chỉnh hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư vì tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trên địa bàn.
Vì vậy, việc thu phí chỉ được thực hiện tại trạm thu phí ở Km72+930 tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới từ ngày 25-1-2018.
Bộ Giao thông vận tải đề nghị nhà đầu tư sau 3 tháng tiến hành thu cùng Tổng cục Đường bộ, tính toán lại phương án tài chính, khả năng hoàn vốn của dự án, báo cáo Bộ này phương án giải quyết tổng thể.
Theo thống kê của nhà đầu tư, từ ngày 25-1 đến 25-4, trạm thu phí tại km 72+930 đường Thái Nguyên - Chợ Mới thu được hơn 6,687 tỉ đồng. Tương ứng với 148.744 vé bán ra (148.523 vé lượt, 204 vé tháng, 17 vé quý).
Lượng xe trung bình 1 ngày quy đổi ra vé lượt chỉ đạt 1.735 xe, bằng 18,5% so với phương án tài chính; số tiền thu thực tế trung bình 1 ngày đạt hơn 74,3 triệu đồng, bằng 12,5% so với phương án tài chính.
Trong khi đó, kể từ khi đưa dự án vào khai thác từ ngày 18-5-2017 đến 25-4-2018, Nhà đầu tư đã chi hơn 219,2 tỉ đồng trả lãi vay (hơn 183 tỉ đồng), trả nợ gốc (hơn 26 tỉ đồng)…
Theo lý giải của Nhà đầu tư, việc chỉ triển khai thu phí tại một trạm trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới làm dự án không phát huy được hiệu quả như mục tiêu ban đầu.
Việc thu phí tại một trạm trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới dẫn đến xe tập trung đi vào đường quốc lộ 3 khiến lưu lượng tuyến đường này tăng đột biến, thường xuyên ùn tắc cục bộ.
Để dự án hoàn được vốn, không bị phá sản, Nhà đầu tư kiến nghị Bộ Giao thông vận tải 2 phương án.
Phương án 1: Bộ Giao thông vận tải có giải pháp để Nhà đầu tư được thu phí thêm tại trạm km 77+922,5 quốc lộ 3 như thỏa thuận trong hợp đồng dự án đã ký. Thời gian thu từ tháng 5-2018, có thực hiện giảm giá theo phương án mà Nhà đầu tư đã thống nhất với tỉnh Thái Nguyên trước đó. Thời gian thu phí dự kiến khoảng 17 năm 4 tháng, tăng 1 năm 3 tháng so với thời gian trong hợp đồng BOT đã ký.
Phương án 2: Nhà nước mua lại dự án với giá trị khoảng 2.775 tỉ đồng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) dự kiến chi trả một lần trong tháng 1-2019.
Giá trị trên bao gồm: tổng chi phí đầu tư thực tế, lãi vay trả cho ngân hàng và lợi nhuận của nhà đâu tư sau thời gian xây dựng, lợi nhuận nhà đầu tư trong thời gian xây dựng, chi phí hoạt động của doanh nghiệp dự án va các chi phí phát sinh liên quan khác.
TUẤN PHÙNG