Vietstock - Nguy cơ tăng ùn tắc vì vòng xuyến
Cả người dân và các chuyên gia đều e ngại việc hình thành thêm các nút giao dạng vòng xuyến sẽ tạo thêm nhiều điểm đen ùn tắc giao thông cho TP.HCM (HM:HCM).
|
UBND TP.HCM vừa phê duyệt quy hoạch mặt bằng 1/500 bốn nút giao thông trọng điểm trên địa bàn TP bao gồm: nút giao Hồng Bàng - An Dương Vương - Ngô Quyền; Nguyễn Văn Cừ - Hùng Vương - Trần Phú; Hải Thượng Lãn Ông - Châu Văn Liêm; Ngô Gia Tự - Nguyễn Chí Thanh - Nguyễn Tri Phương.
Đang ùn ứ thành tắc hẳn
Nên xây cầu vượt, hầm chui Theo kỹ sư Vũ Thắng, cách giải quyết tốt nhất cho giao thông tại các nút giao là phải giảm được số điểm giao cắt giữa các dòng xe khi nhập, tách dòng. Xây cầu vượt, hầm chui, hình thành các nút giao thông khác mức theo kiểu hoa mai là phương án hữu hiệu nhất. |
Điển hình, đường Phạm Văn Đồng, đoạn hướng về vòng xoay Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp) thường xuyên trở thành nỗi ám ảnh của người dân vì ùn tắc. Chỉ cần một chiếc xe máy hoặc ô tô chạy quá trớn vượt đèn đỏ khoảng 1 giây cũng có thể làm giao thông hỗn loạn cả khu vực vòng xoay. Người dân phải tự đứng ra phân luồng nhưng cũng không thể kéo giảm. Tương tự, tại vòng xoay Công trường Dân chủ (Q.10), lưu thông từ đường Võ Thị Sáu, Cách Mạng Tháng Tám, hay đường
3 Tháng 2... từ bất cứ ngả nào cũng thường xuyên bị kẹt cứng. Đặc biệt vào khung giờ cao điểm, vòng xoay lại biến thành "thỏi nam châm" hút xe từ mọi ngả vào tâm rồi chẻ ra ở nhiều hướng xung đột khác nhau, khiến ùn tắc lan ra các tuyến đường lân cận. Trước tình trạng kẹt cứng kinh khủng thường xuyên xảy ra tại điểm giao cắt dạng vòng xuyến, Sở GTVT TP đã phải tiến hành xây dựng thêm nhiều cầu vượt như cầu vượt nút giao Cây Gõ (Q.6), cầu vượt vòng xoay Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình)... để giảm tải.
Anh Trần Khải, sống tại Q.Gò Vấp, lắc đầu ngao ngán: “Chỗ nhà tôi đang ở đi lại thuận tiện, chưa bao giờ tắc đường, tự nhiên làm cái vòng xuyến to đùng, sáng nào cũng tắc ngay chỗ ấy. Chạy xe trên đường, ngán ngẩm nhất là mỗi lần vào vòng xuyến. Xe cộ khắp TP đã ùn ứ rồi, làm vòng xuyến là tắc hẳn”.
Mật độ giao thông không phù hợp làm vòng xuyến
Theo các chuyên gia, nút giao thông, điểm giao cắt chính là khởi nguồn phát sinh ùn tắc tại các đô thị, TP lớn. Việc quy hoạch nút giao theo dạng vòng xuyến, các nút giao khác mức hay lập thể... phụ thuộc vào lưu lượng phương tiện lưu thông và địa hình. Trong đó, dạng vòng xuyến là nút giao thông có cấp độ thấp nhất, phù hợp với những nút giao có lưu lượng phương tiện thấp.
Kỹ sư Vũ Thắng, nguyên Phó giám đốc Phân viện Thiết kế tổng hợp, Sở GTVT TP.HCM, phân tích điểm hạn chế lớn nhất của nút giao thông vòng xuyến là thường xuyên tạo ra xung đột giữa các dòng xe tại điểm bắt đầu nhập vào nút và tách ra khỏi nút, hạn chế năng lực giao thông, dẫn đến tăng nguy cơ gây ùn tắc. Hiện nay, mật độ phương tiện tại TP.HCM đã ở mức quá cao so với năng lực đáp ứng của hệ thống hạ tầng, không còn phù hợp để sử dụng dạng vòng xuyến tại các nút giao. Thêm vòng xuyến sẽ khiến tình trạng ùn tắc giao thông vốn đã nghiêm trọng càng trở nên kinh hoàng.
Bên cạnh đó, ông Thắng lưu ý về vấn đề quy hoạch, phải phác thảo ra cái lớn nhất, phù hợp nhất để tính phương án sử dụng đất, sau đó mới tính đến đầu tư. Vốn ít thì làm từ cái nhỏ, cái cơ bản, khi nào có tiền sẽ tiếp tục mở rộng, nâng cấp. Nếu ngay từ đầu đã hạ các nút giao xuống cấp độ thấp nhất như vậy, sau này việc sửa chữa, làm thêm sẽ rất khó khăn và tốn kém. “Đây là bài học cần rút ra từ nút giao Cát Lái. Ngay từ đầu, khu vực này là ngã ba và nếu có quy hoạch hợp lý, việc hình thành nên các nút giao khác mức kiểu hoa mai khi lưu lượng phương tiện tăng cao rất dễ dàng. Tuy nhiên do sai lầm trong quy hoạch, không dự trù được quỹ đất, để giải quyết quá tải, TP phải lần lượt xây chồng lên thành 2 - 3 tầng lưu thông, biến khu vực này trở thành nút giao rối rắm, phương tiện không biết đằng nào mà đi, và xây càng nhiều tầng càng tốn kém. Do đó, tại những vị trí cụ thể, phải đo đạc, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưu lượng trong những năm lâu dài về sau để có quy hoạch hoàn chỉnh ngay từ ban đầu”, ông Thắng nói.
Ranh giới quy hoạch nút giao thông Hồng Bàng - An Dương Vương - Ngô Quyền (Q.5) có tổng diện tích 2,86 ha. Nút giao Nguyễn Văn Cừ - Hùng Vương - Trần Phú: ranh giới quy hoạch 3,59 ha, phía bắc thuộc P.2 (Q.3); phía nam thuộc P.Nguyễn Cư Trinh (Q.1) và P.4 (Q.5); phía tây thuộc P.1 (Q.10); phía đông thuộc P.Nguyễn Cư Trinh (Q.1). Nút giao Hải Thượng Lãn Ông - Châu Văn Liêm có ranh giới quy hoạch 3,09 ha, phạm vi quy hoạch: phía bắc gồm phường 10, 14; phía nam thuộc phường 10, 13; phía tây thuộc phường 13, 14; phía đông thuộc phường 10 (Q.5). Ranh giới quy hoạch của nút giao Ngô Gia Tự - Nguyễn Chí Thanh - Nguyễn Tri Phương rộng 2,83 ha, phía bắc thuộc phường 3, 4, 5 (Q.10), phía nam P.9 (Q.5), phía tây P.9 (Q.5) và P.5 (Q.10), phía đông P.9 (Q.5) và phường 3, 4 (Q.10).
|
Hà Mai