Sáng mai (11/4), chủ tọa phiên tòa vụ án Vạn Thịnh Phát, SCB sẽ tuyên án bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm.
Ngày 19/3, bà Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã bị bên công tố đề nghị mức án tử hình – mức án tổng hợp cho 3 tội danh là ‘Đưa hối lộ’, ‘Tham ô tài sản’ và ‘Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của ngân hàng’.
Trong quá trình xét xử tranh tụng, một số bị cáo đã ăn năn hối cải, nộp tiền khắc phục và cung cấp thêm các tình tiết giảm nhẹ nên VKS ghi nhận thêm, và đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho 22 bị cáo so với mức đề nghị trước đó. Tuy nhiên, bà Trương Mỹ Lan không nằm trong danh sách này và khả năng cao sẽ phải thực sự đối mặt với “án tử”.
Tuy nhiên, theo quy định tại Bộ luật Hình sự, vẫn tồn tại khả năng Trương Mỹ Lan có thể không bị “loại bỏ khỏi xã hội vĩnh viễn.
Cụ thể, Điểm c, Khoản 3, Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về loại hình phạt “Tử hình” quy định rất rõ điều kiện về số tiền mà người bị kết án tử hình về tội "Tham ô tài sản", tội "Nhận hối lộ”, cần nộp để giảm án, để không bị thi hành hình phạt tử hình.
Theo đó, người bị kết án phải chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội. Được biết trong vụ án này, Trương Mỹ Lan bị đề nghị tử hình với tội danh tham ô. Với cáo buộc tham ô tài sản của SCB hơn 304.000 tỷ đồng, cùng với đó là hơn 129.000 tỷ đồng tiền lãi và chi phí phát sinh, Trương Mỹ Lan cần nộp lại tối thiểu 324.750 tỷ đồng để được giảm án.
Điều 40. Tử hình
3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
c. Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Còn nhớ, Trương Mỹ Lan từng khẳng định với điều kiện kinh tế, với uy tín và khả năng của bản thân, nếu Tòa án phán quyết bà Lan phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả nào, thì bà Lan đều sẽ giải quyết được đầy đủ, trọn vẹn.
Thậm chí bà Trương Mỹ Lan cũng cam kết kể cả trong trường hợp bà được Tòa án xác định là không có tội, nếu Nhà nước đề nghị bà phối hợp để giải quyết các vấn đề về tài chính, kinh tế do việc làm của những người khác gây ra, bà cũng sẵn sàng hiến tài sản hợp pháp của mình cho Nhà nước để xử lý các hậu quả.
1 tháng xét xử khui khối tài sản khủng của Chủ tịch Vạn Thịnh Phát
Nói về khối tài sản của bà Lan, phải nói là khủng, tuy nhiên, theo VKS, gần 95% trong số này có được sau khi bị cáo “rút ruột” SCB.
Trong quá trình điểu tra, 1.237 bất động sản liên quan trực tiếp đến bị cáo Trương Mỹ Lan đã được kê biên. Một số bất động sản khủng trong danh sách kê biên này bao gồm:
Trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP. HCM), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sở hữu nhiều tòa nhà.
Cao ốc Times Square của Công ty Times Square, do tỷ phú Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan) làm Chủ tịch HĐQT. Toà nhà cao 39 tầng là khu liên hợp văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại.
Toà nhà số 19-25 Nguyễn Huệ, cho SCB thuê làm trụ sở chính trong nhiều năm qua.
Toà nhà Union Square ở góc mặt tiền đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn. Vị trí này được giới kinh doanh bất động sản gọi là "đất kim cương". Đây là khu phức hợp trung tâm mua sắm - khách sạn được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát xây năm 2014, diện tích gần 9.000m2, quy mô 6 tầng hầm và 9 tầng nổi, trong đó có 5 tầng nổi là khách sạn 5 sao.
Toà nhà 193-203 Trần Hưng Đạo, Quận 1, TP. HCM |
- Toà nhà Sherwood Residence ở số 127 Pasteur, Quận 3, TP. HCM do Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư, từng là nơi ở của bà Trương Mỹ Lan. Cao ốc này có 21 tầng với 3 tầng hầm, tổng diện tích hơn 40.000m2. Công trình là khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp ở vị trí trung tâm thành phố.
- Vạn Thịnh Phát cũng sở hữu khách sạn Windsor Plaza (Windsor Plaza Hotel) trên đường An Dương Vương, Quận 5, TP. HCM. Toà nhà cao 25 tầng, là khách sạn tư nhân đầu tiên được xếp hạng 5 sao ở Việt Nam và được chọn làm nơi tổ chức nhiều sự kiện lớn như Hội nghị APEC năm 2006... Công trình này nối liền với trung tâm mua sắm An Đông Plaza, cũng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, gồm 4 tầng với hơn 1.400 cửa hàng bán lẻ.
- Trên đường Đồng Khởi (TP. HCM), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng sở hữu nhiều bất động sản như căn nhà số 143 và 151...
Gia đình bà Lan cũng xin đề xuất tương tự cho việc bán, chuyển nhượng, phát triển đối với các dự án đang được thế chấp tại SCB.
Gia đình bà Lan cho rằng cần một giải pháp dài hạn để tối ưu hóa tiềm năng tăng giá đáng kể của các dự án.
Thực tế Công ty Peninsula đã đền bù 96% đất cho dự án Mũi Đèn Đỏ, còn Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng đã đạt thỏa thuận đền bù 71% đất cho dự án Amigo.
Siêu dự án Mũi Đèn Đỏ rộng 118ha có vị trí đắc địa tại ngã ba sông Sài Gòn và sông Nhà Bè, với tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD (tại thời điểm năm 2007). Dự án là khu phức hợp gồm công viên đa chức năng, văn phòng, biệt thự, căn hộ, khách sạn, bến cảng du thuyền lớn nhất Việt Nam và mang tầm quốc tế.
Tháng 6/2021, CTCP Giám định và thẩm định tài sản Việt Nam (VAE) định giá tài sản Mũi Đèn Đỏ 168.000 tỷ đồng. VAE là một trong 19 công ty thẩm định giá có uy tín, có năng lực thuộc danh sách được Bộ Tài chính cung cấp cho NHNN Việt Nam, qua đó NHNN yêu cầu SCB phối hợp để thẩm định giá.
Mũi Đèn Đỏ - dự án ‘đắp chiếu’ 7 năm - TSBĐ cho 137 khoản vay SCB |
“Vậy tính pháp lý của chứng thư nào có giá trị cao hơn?", luật sư nêu vấn đề, cho rằng bà Lan đang "phải gánh chịu nhiều quy kết nặng nề quyết định sinh mạng" trong khi giá trị tài sản đảm bảo bị định giá thấp đi, sự chênh lệch này "sẽ đưa bà Lan vào cửa tử".
Cũng trong phần tranh luận bổ sung, luật sư Thanh cho rằng, việc phải trưng cầu giám định tư pháp khi giải quyết vụ án này là cần thiết. Tuy nhiên, VKS xác định không có trưng cầu giám định thiệt hại, không sử dụng chứng thư thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân làm căn cứ để xác định thiệt hại.
Ngoài bất động sản, 22 tài sản là phương tiện gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của bà Trương Mỹ Lan và cháu gái Trương Huệ Vân cũng bị kê biên trong quá trình điều tra.
Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết muốn mang 13 tài sản ngoài danh mục kê biên, phong tỏa trong vụ án này để khắc phục hậu quả nếu bà bị tuyên có tội, gây hậu quả. Với số tài sản này, gia đình bà Lan đề xuất làm việc với quỹ đầu tư để sử dụng chiến lược giải pháp khác nhau, chuyển nhượng dự án giá trị cao nhất. Bà Trương Mỹ Lan tin tưởng sự quan tâm của các quỹ đầu tư nước ngoài cho việc phát triển các dự án của Vạn Thịnh Phát.
Trong phiên toà, luật sư gửi đến tòa văn bản ngày 27/3 của Tiến sĩ Justin Chiu, Giám đốc điều hành Tập đoàn CK Asset Holdings Limited. Đây là một trong những tập đoàn đầu tư lớn mạnh nhất Hong Kong trong lĩnh vực bất động sản do tỷ phú Lý Gia Thành sáng lập. Văn bản được chuyển cho HĐXX, VKS về việc tạo điều kiện đàm phán để đầu tư các dự án.
Về khối tài sản ngoài danh sách kê biên, bị cáo đề nghị bán khách sạn Daewoo Hà Nội. Theo lời bị cáo, gia đình bà có 93,6% cổ phần ở khách sạn này.
Đồng thời, bà Trương Mỹ Lan khai tòa nhà mà con gái Chu Duyệt Phấn đang rao bán 1 tỷ USD để khắc phục thiệt hại là tòa Capital Place 29 Liễu Giai (Hà Nội). Bà Lan cho rằng tòa nhà này được mua với giá 700 triệu USD chưa tính chi phí khác. Tuy nhiên, đối với lời khai này, HĐXX cho biết trên thực tế, tòa nhà Capital Place Liễu Giai đang được trả giá 360 triệu USD chứ không phải 1 tỷ USD như bị cáo mong muốn.
Bên cạnh đó, con gái bị cáo Trương Mỹ Lan rao bán cổ phần của Trương Mỹ Lan tại Tập đoàn nhà máy sản xuất vắc xin với giá 315 tỷ đồng, cổ phần tại CTCP bảo hiểm FWD với giá 920 tỷ đồng; được nhận lại 672 tỷ đồng do chuyển nhượng không thành từ 1 dự án ở Lâm Đồng.
Ngoài ra, HĐXX cũng thông báo, Công ty Thành Hiếu là chủ đầu tư của 3 dự án, do thiếu nợ bị cáo Trương Mỹ Lan 450 tỷ đồng nên sau đó đã chuyển nhượng các dự án cho bị cáo với giá 3.450 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị cáo mới thanh toán được 1.250 tỷ đồng. Trong khi việc chuyển nhượng toàn bộ giấy tờ pháp lý đã xong, con dấu đã bàn giao, hiện nay phía công ty đề nghị sẽ trả lại số tiền 1.250 tỷ đồng đã nhận, bà Trương Mỹ Lan trả lại dự án cho họ.
Bà Lan còn được bị cáo Nguyễn Cao Trí cam kết trả đủ số tiền 1.000 tỷ đồng đã chiếm đoạt. 300 tỷ đồng mà bà Lan đưa cho bị cáo Tạ Hùng Quốc Việt (Tổng Giám đốc CTCP Greenhill Village) cũng đã được nộp lại vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra.
Đồng thời, bị cáo Lan đề nghị SCB “trả tiền thuê nhà cho con tôi, hơn một năm nay SCB không chịu trả tiền thuê nhà cho con tôi, con tôi rất bế tắc".
Trong vụ án này, thêm một đồng, giảm thiệt hại cho nạn nhân một đồng. Tuy nhiên, tiền không thể chuộc được tội, không thể “khắc phục hoàn toàn hậu quả” mà có thể thoát khỏi việc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cũng như việc ăn trộm đã hoàn trả lại tài sản đã ăn trộm không khiến cho kẻ trộm vô tội, đó chỉ là tình tiết giảm nhẹ mà thôi. Bên cạnh việc nộp tài sản khắc phục hậu quả, bị cáo Lan phải nhận thức được hành vi phạm tội để nhận được sự khoan hồng. Song, trong quá trình tranh tụng, đại diện VKS nhận định trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ mưu, cầm đầu, bị cáo coi SCB như một công cụ tài chính, là nơi giữ tiền, bất cứ lúc nào cần tiền sử dụng sẽ chỉ đạo rút tiền ra. Hành vi của bị cáo trái quy định của pháp luật, tuy nhiên, bị cáo không dám chịu trách nhiệm, điều này thể hiện sự ngoan cố của bị cáo.