Vietstock - Ông Trần Đức Anh (KBSV): “Cơ hội tốt nhất để đầu tư dệt may, thủy sản đã qua đi”
Ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá cơ hội tốt nhất để tìm kiếm lợi nhuận ở nhóm ngành dệt may, thủy sản đã qua đi và trong 6 tháng cuối năm, nhóm ngành dầu khí, ngân hàng và hàng tiêu dùng có thể dẫn dắt thị trường.
Cơ hội tốt nhất để đầu tư dệt may, thủy sản đã qua đi
Ông Trần Đức Anh
|
Theo nhận định của ông Đức Anh, đến thời điểm hiện tại, việc dự báo diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là việc làm bất khả thi. Chính bởi tính chất khó lường này, ở các thời điểm yếu tố thông tin mới xuất hiện, các ngành chịu tác động bởi chiến tranh thương mại (dệt may, thủy sản…) vẫn sẽ chứng kiến nhiều biến động ở mặt bằng giá cổ phiếu, tương ứng với đó là các cơ hội đầu tư lướt sóng cũng sẽ xuất hiện.
Tuy nhiên, ông Đức Anh đánh giá cơ hội tốt nhất để tìm kiếm lợi nhuận ở nhóm ngành này đã qua đi và việc đầu cơ ở các nhịp về sau sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và không thực sự hấp dẫn.
Quan tâm dầu khí, hàng tiêu dùng và ngân hàng trong 6 tháng cuối năm
“Trong giai đoạn 6 tháng cuối năm, tôi đặc biệt quan tâm đến 3 ngành và kỳ vọng có thể dẫn dắt xu hướng thị trường là các ngành dầu khí, hàng tiêu dùng và ngân hàng”, ông Đức Anh chia sẻ.
Theo ông Đức Anh, đối với ngành dầu khí, việc giá dầu hồi phục từ đầu năm đến nay sau nhịp sụt giảm quý 4 năm ngoái, và nhìn dài hơn là xu hướng hồi phục từ đầu năm 2016 đã hỗ trợ việc tái triển khai các dự án mới của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), qua đó giúp các doanh nghiệp đầu ngành như PVD (HM:PVD), PVS (HN:PVS), PVB… tăng trưởng doanh thu nhờ tăng hiệu suất hoạt động.
Còn ngành ngân hàng, tăng trưởng tín dụng nhìn chung sẽ ổn định với mục tiêu 14% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tuy nhiên phân bổ sẽ có sự chênh lệch lớn giữa các ngân hàng. Đáng chú ý, diễn biến trong nhóm ngành này cũng sẽ có sự phân hóa mạnh và kỳ vọng về sự tăng trưởng sẽ chỉ tập trung ở nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, tăng trưởng tín dụng được mở rộng nhờ đáp ứng tốt các tiêu chuẩn an toàn vốn, đã hoàn thành Basel II.
Về phần ngành hàng tiêu dùng, ông Đức Anh đánh giá ngành này tiếp tục hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa cao. Thu nhập khả dụng của người dân tăng và điều kiện nhân khẩu học ngày càng trở nên thuận lợi. Các doanh nghiệp trong ngành sớm ứng dụng công nghệ để hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển từ bán lẻ truyền thống sang bán lẻ hiện đại sẽ có nhiều cơ hội bứt phá.
Thị trường chứng khoán… vẫn còn độ nóng
“Chưa có 1 thống kê, nghiên cứu đầy đủ về tác động của dòng tiền đầu tư ở các kênh đầu tư khác (vàng, bitcoin, bất động sản…) đến dòng tiền trên thị trường chứng khoán (TTCK)”, ông Đức Anh phân tích.
Theo ông Đức Anh, đánh giá một cách trực quan, định tính, tác động của các kênh đầu tư khác là có nhưng không quá lớn và phần nhiều thể hiện qua sự suy yếu ở thanh khoản, giá trị giao dịch trên thị trường. Trong khi mặt bằng giá cổ phiếu trên TTCK Việt Nam chịu chi phối bởi các yếu tố cơ bản như các chỉ tiêu vĩ mô trong nước, tăng trưởng ở các doanh nghiệp niêm yết, các yếu tố rủi ro ngoại biên.
Do đó, sức nóng ở các kênh đầu tư khác chưa phải yếu tố gây nhiều lo ngại sẽ làm giảm sức hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán ở thời điểm hiện tại.
Cơ hội giao dịch trung hạn trong biên độ 940 - 1,000 điểm của VN-Index
“Chỉ số VN-Index được dự báo dao động trong biên độ 940 - 1,000 điểm, nhà đầu tư có thể bám theo biên độ này của chỉ số VN-Index để thực hiện các chiến lược trading trung hạn, kết hợp với triển vọng kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết trên sàn để tối ưu hóa lợi nhuận đầu tư”, ông Đức Anh khuyến nghị chiến lược đầu tư cho 6 tháng cuối năm
Dựa vào đánh giá triển vọng nền kinh tế, bối cảnh vĩ mô trong nước với các chỉ tiêu liên quan đến tỷ giá, lãi suất, lạm phát… kết hợp với đánh giá các rủi ro ngoại biên, đặt trong tương quan so sánh các thị trường trong khu vực, ông Đức Anh đánh giá mức P/E hiện tại 16x của TTCK Việt Nam là tương đối hợp lý. Đây cũng là mức cao nếu so với mức bình quân 14x tính từ năm 2010 đến nay, phản ánh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang trải qua giai đoạn thuận lợi nhất trong gần 10 năm trở lại đây.
Trên cơ sở đó, ông Đức Anh cho rằng vùng giá hiện tại của chỉ số VN-Index đang ở điểm cân bằng trong ngắn/trung hạn, nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng vào triển vọng thị trường sẽ tăng trưởng đột biến trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt xét trong bối cảnh lợi nhuận các doanh nghiệp đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong 1, 2 quý trở lại đây.
Song, các rủi ro sụt giảm sâu của thị trường trong 6 tháng cuối năm là khá hạn chế và phần nhiều đến từ các rủi ro bên ngoài liên quan đến diễn biến chiến tranh thương mại, tăng trưởng kinh tế và chính sách tiền tệ các nền kinh tế lớn… trong khi kinh tế trong nước được đánh giá ổn định và không tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Kim Dung