Vietstock - Ông Lê Hải Trà: "Phái sinh có thể là con dao 2 lưỡi"
Sáng 10/07, trên trang cá nhân facebook của mình, ông Lê Hải Trà đã có những chia sẻ về chứng khoán phái sinh.
Ông Lê Hải Trà
|
Đầu tiên, ông Trà đặt câu hỏi "Thị trường chứng khoán giúp gì cho phát triển kinh tế?".
Theo ông Trà, thị trường chứng khoán có tác dụng cho việc huy động và phân bổ vốn, góp phần tạo nên hệ thống tài chính cân bằng và chính những con số khẳng định điều đó. Nhưng giao dịch chứng khoán không tạo ra vốn, mà là ở khâu phát hành? Phát hành và Giao dịch là 2 mặt của 1 quá trình. Theo đó, nhờ có thị trường giao dịch chứng khoán tạo nên thanh khoản cho chứng khoán, làm cho việc phát hành trở nên khả thi.
Ông Trà cũng gợi ra một câu hỏi khác là thị trường chứng khoán phái sinh giúp gì cho thị trường chứng khoán? Theo ông Trà, thị trường phái sinh và thị trường cơ sở là 2 bình thông nhau. Thị trường cơ sở vững chắc là tiền đề ra đời phái sinh. Đồng thời, chứng khoán phái sinh có thể tác động trở lại cơ sở và chính bản thân nhà đầu tư một cách tích cực hay tiêu cực, tùy theo cách nhà đầu tư sử dụng phái sinh như công cụ bảo vệ kết quả đầu tư cơ sở hay đầu cơ thái quá. “Nói cách khác, phái sinh có thể là con dao 2 lưỡi”, ông Trà nhận định. Bài học về đầu cơ phái sinh đáng đọc là sự sụp đổ của ngân hàng Barings.
Trước đó một ngày, ông Trà cũng đã chia sẻ trên trang cá nhân nội dung: "95% thua lỗ. Chỉ 5% kiếm được tiền trên thị trường phái sinh. Nhà đầu tư siêu đẳng, anh là ai?".
Ra đời từ tháng 8/2017, thị trường chứng khoán phái sinh với sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đang ngày càng thu hút sự quan tâm từ giới đầu tư, đặc biệt trong giai đoạn thị trường điều chỉnh bởi lợi thế được giao dịch T+0, cũng như được phép bán khống.
Theo Sở GDCK Hà Nội, thị trường chứng khoán phái sinh đã trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường cơ sở nhiều biến động. Khối lượng giao dịch bình quân và giá trị giao dịch (theo giá trị danh nghĩa hợp đồng) bình quân lần lượt là 45,767 hợp đồng/phiên và 4,660 tỷ đồng/phiên. Tại thời điểm cuối tháng 6, khối lượng hợp đồng mở (OI) đạt 11,812 hợp đồng, tăng 46.24% so với cuối năm 2017.
Tổng số tài khoản giao dịch phái sinh tại thời điểm cuối tháng 6 là 35,275 tài khoản, gấp 2 lần so với cuối năm 2017 (bằng 1.72% tổng số tài khoản giao dịch của cả thị trường chứng khoán). Tuy nhiên, hoạt động giao dịch tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước, chiếm 98.34% tổng khối lượng giao dịch, nhà đầu tư tổ chức trong nước mới chỉ chiếm 1.54%, tập trung chủ yếu vào hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0.12% giao dịch toàn thị trường.
Sở cho biết thời gian tới sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc UBCKNN để trình Bộ Tài chính phê duyệt kế hoạch triển khai sản phẩm Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ, tổ chức kiểm thử hệ thống và chính thức khai trương sản phẩm mới vào quý 3/2018. Bên cạnh đó, HNX cũng phối hợp với HOSE để thống nhất nguyên tắc xây dựng chỉ số VNX200, làm cơ sở để triển khai sản phẩm Hợp đồng tương lai trên chỉ số VNX200, hoàn thiện cơ chế giám sát liên thị trường và chính thức triển khai sau khi UBCKNN phê duyệt.
Xét về thị phần môi giới phái sinh 6 tháng đầu năm 2018, VND xếp đầu với thị phần đạt 26.82%. Xếp thứ 2 và thứ 3 lần lượt là HCM (nắm 24.46% thị phần) và SSI (nắm 17.9% thị phần). Tính riêng 3 ông lớn này đã nắm tới gần 70% tổng thị phần mới giới hợp đồng tương lai nửa đầu năm 2018. Lần lượt xếp sau là MBS, VPBS, BSC và VCSC.
Chí Kiên