Vietstock - Ông Dương Thế Quang (DASE): “Khả năng áp dụng T+0 trong năm nay là rất khó”
Bên cạnh những nhận định về diễn biến thị trường, chính sách trên thị trường chứng khoán luôn là vấn đề được nhà đầu tư quan tâm. Đầu năm mới, người viết đã có dịp phỏng vấn ông Dương Thế Quang – Tổng Giám đốc của CTCK Đông Á (DASE) về một số vấn đề nổi bật liên quan tới chính sách trong năm 2019.
Ông Dương Thế Quang - Tổng Giám đốc CTCK Đông Á. |
Gần đây chủ đề về sửa đổi Luật Chứng khoán đang là một trong những tâm điểm trên thị trường, ông có ý kiến gì về những sửa đổi trong Dự thảo Luật? Luật Chứng khoán sửa đổi có tác động thế nào tới thị trường khi được thông qua?
Ông Dương Thế Quang: Luật chứng khoán Việt Nam ban hành năm 2006 và sửa đổi lần đầu năm 2010, tức sau một thời gian dài hoạt động thì đã bộc lộ ra nhiều điểm cần phải sửa đổi trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước hội nhập với quốc tế và thu hút dòng vốn ngoại. Do đó, luật mới ngoài việc quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư thì điều được nhiều người kỳ vọng đó chính là việc quy định về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với các công ty đại chúng.
Nhà đầu tư đang kỳ vọng vào việc luật mới sẽ nới thêm tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở các ngành ngân hàng, phân phối dược, viễn thông và điều này sẽ kéo theo dòng vốn ngoại tiếp tục đổ mạnh vào thị trường Việt Nam, tác động tích cực đến khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông nghĩ sao về việc phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (non voting depository receipt – NVDR) tại thị trường chứng khoán Việt Nam? Những lợi ích và bất cập là gì?
Ông Dương Thế Quang: Việc phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết là một hình thức giúp tăng quyền sở hữu cổ phiếu cho NĐT khi đầu tư vào một công ty nhưng không được quyền tham gia biểu quyết. Về mặt bản chất thì NVDR là tương tự như cổ phiếu không có quyền biểu quyết, tuy nhiên vẫn có những lợi ích và bất cập như sau:
Về mặt lợi ích, thì NVDR sẽ hạn chế pha loãng cổ phiếu trong trường hợp khối ngoại muốn mua cổ phiếu của một công ty nhưng hiện tại đã bị giới hạn sở hữu nước ngoài. Nếu phát hành riêng lẻ cổ phiếu không có quyền biểu quyết sẽ dẫn đến pha loãng cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu sử dụng NVDR, khối ngoại sẽ mua NVDR từ một tổ chức phát hành NVDR (có thể là HOSE – hiện tại HOSE chưa được phép phát hành giấy tờ có giá). Giá trị NVDR sẽ cho phép khối ngoại sở hữu thêm lượng cổ phần vượt ngưỡng mà phần vượt không ảnh hưởng đến quyền biểu quyết của công ty, không pha loãng cổ phiếu. Điều này rất thích hợp đối với những doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề hạn chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, NVDR còn giúp tăng tính thanh khoản cho thị trường, nhiều cổ phiếu tốt trên thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhưng các quy định về tỷ lệ sở hữu làm hạn chế sự tham gia của khối ngoại vào thị trường, do vậy phát hành NVDR sẽ tạo sức hút của thị trường hơn nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ sở hữu đối với những ngành nghề hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Tuy nhiên, song song với những lợi ích đó thì NVDR cũng bộc lộ nhiều hạn chế như cần phải có một tổ chức trung gian để phát hành NVDR, và hiện tại thì theo luật chứng khoán vẫn chưa quy định về vấn đề này. Thêm nữa, việc cho phát hành NVDR nhưng có nên giới hạn tỷ lệ NVDR được phát hành hay không, tỷ lệ là bao nhiêu, sẽ cần thêm thảo luận thêm vì các nhà đầu tư nước ngoài giả sử đang đạt ngưỡng giới hạn sở hữu (ví dụ 49%), NVDR cho phép họ mua thêm 30% chẳng hạn, như vậy nhà đầu tư trong nước chỉ có thể mua 21%?
Liên quan đến chính sách cho phép nghiệp vụ giao dịch T+0 và bán chứng khoán chờ về, đến nay vẫn chưa được thực hiện như dự kiến dù Thông tư 203 hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán đã được ban hành. Ông đánh giá gì về tính khả thi của nghiệp vụ T+0 trong năm nay? Khi được thực hiện, những tác động lớn nhất của chính sách này lên TTCK sẽ là gì?
Ông Dương Thế Quang: Tôi cho rằng khả năng áp dụng giao dịch T+0 trong năm nay sẽ rất khó, lý do là:
Thứ nhất, quy trình hoạt động giao dich này rất phức tạp, liên quan đến nhiều bên như CTCK, Trung tâm lưu ký (VSD) và Sở GDCK. Do đó, cần phải có thời gian để xây dựng quy trình, rà soát các rủi ro, cũng như xây dựng hệ thống vận hành.
Thứ hai, đây bản chất là hoạt động vay cầm cố và cần tính tuân thủ cao của các bên. Tuy nhiên, đến nay luật chứng khoán hiện hành chưa đủ chặt chẽ để xây dựng cơ chế giám sát tính tuân thủ của các CTCK và nếu điều này chưa được đảm bảo có thể gây nguy hại cho sự bền vững của thị trường.
Thứ ba, cũng cần xây dựng các phương án phòng ngừa rủi ro và phòng ngừa rủi ro đạo đức trong hoạt động này. Cơ chế cho vay bù trừ trong trường hợp CTCK bị thiếu hụt chứng khoán hoặc tiền trong giao dịch để đảm bảo an toàn hệ thống.
Nhìn chung, khi thị trường phát triển cần phải xây dựng thêm nhiều sản phẩm để tăng tính thanh khoản cho thị trường, tạo sự thu hút với các NĐT nước ngoài và giúp thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng. Nhất là khi, nghiệp vụ T+0 có nhiều ưu điểm có thể giúp tăng tính thanh khoản cho các giao dịch, đẩy mạnh quy mô thị trường và từ đó thu hút thêm nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia.
Chân thành cám ơn ông!
Chí Kiên