Vietstock - Ông Bùi Nguyên Khoa (BSI): “Năm 2019, VN-Index sẽ chạm mức cao nhất 1,170 điểm”
“Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang có mức định giá P/E và P/B ở mức trung bình so với các thị trường khu vực và nhóm thị trường mới nổi, tuy nhiên lại cao hơn các nước thị trường biên. Dù vậy khi xem xét riêng với từng nhóm ngành và lọc bỏ một số cổ phiếu lớn có mức độ định giá P/E lớn hơn 50 lần, mặt bằng cổ phiếu Việt Nam đang ở mức rẻ đáng kể so với khu vực.”
Ông Bùi Nguyên Khoa.
|
Ông Bùi Nguyên Khoa – Trưởng nhóm Vĩ mô Thị trường của CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI) nhận định về thị trường chứng khoán năm 2019.
Thanh khoản trung bình năm 2019 trên cả 3 sàn có thể đạt 310 triệu USD/phiên
Theo ông Khoa, hoạt động mua vào của khối ngoại vẫn là điểm sáng của TTCK Việt Nam trong năm 2018. Khối ngoại mua ròng khoảng 1.82 tỷ USD trên sàn, đóng góp phần lớn trong đó là thương vụ 1.3 tỷ USD mua VHM và các cổ phiếu khác có thể kể đến như MSN, YEG,... Các thương vụ niêm yết mới khác như TCB và nhóm cổ phiếu thoái vốn nhà nước BSR, POW, OIL cũng thu hút được sự tham gia lớn từ khối ngoại.
Sang năm 2019, giao dịch mua ròng qua sàn niêm yết của nhà đầu tư nước ngoài được dự báo sẽ giảm mạnh do nhiều khả năng sẽ không còn các thương vụ giao dịch thỏa thuận lớn, tuy nhiên, giao dịch khối ngoại sẽ thực chất hơn. Ngoài ra, thị trường được kỳ vọng sẽ thu hút được dòng vốn ngoại đón đầu khả năng nâng hạng thị trường mới nổi từ FTSE Russell. Theo ông Khoa, thanh khoản trung bình trên cả 3 sàn (HOSE, HNX, UPCoM) có thể đạt 310 triệu USD/phiên vào năm 2019.
“Chính những sự kiện xoay quanh việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ FTSE Russell và các yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, cùng việc đẩy mạnh các dự án đầu tư công từ Chính phủ nhiều khả năng sẽ là những sự kiện ảnh hưởng nhiều nhất đến TTCK Việt Nam năm 2019.” – ông Khoa cho biết.
TTCK Việt Nam vẫn cần cải thiện để hút thêm dòng vốn ngoại
Ông Khoa đánh giá rằng - “Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có mức độ định giá P/E và P/B ở mức trung bình với các thị trường khu vực và nhóm thị trường mới nổi tuy nhiên lại cao hơn các nước thị trường biên. Dù vậy khi xem xét riêng với từng nhóm ngành và lọc bỏ một số cổ phiếu lớn có mức độ định giá P/E lớn hơn 50 lần, chúng tôi nhận thấy mặt bằng cổ phiếu Việt Nam đang ở mức rẻ đáng kể so với khu vực.”
Tuy vậy, ông cũng cho biết TTCK Việt Nam vẫn còn bộn bề những tồn đọng cần phải cải thiện thì mới có thể thu hút được dòng vốn quốc tế đổ vào.
“Trong những năm qua, cấu trúc, quy mô niêm yết và thanh khoản của TTCK Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc, tiệm cận sát nhóm các nước thị trường mới nổi. Tuy nhiên để nâng hạng thị trường và thu hút thêm dòng vốn ngoại, nhiều quy định và vướng mắc hiện tại về room đầu tư nước ngoài, về minh bạch trong việc công bố thông tin doanh nghiệp và thị trường bằng tiếng Anh cần phải được cải thiện, giải quyết. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải nâng cấp hoạt động của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) trong việc mở rộng các hình thức thanh toán bù trừ và giao dịch.” – ông Khoa chia sẻ.
Chiến tranh thương mại vẫn là yếu tố ảnh hưởng trọng yếu
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn sẽ là sự kiện có mức độ ảnh hưởng lớn, đồng thời, thu hút sự quan tâm của TTCK Việt Nam do có thời hạn đàm phán vào ngày 28/2/2019.
Bên cạnh đó, ông Khoa cho rằng, nhiều nội dung có tính cốt lõi của 2 bên chưa thể dễ dàng đạt được thỏa thuận ngay lập tức. Do đó, cuộc chiến thương mại vẫn còn có nguy cơ kéo dài ngay cả khi thỏa thuận ban đầu được thiết lập, và những rào cản kỹ thuật cũng có thể được dựng lên.
Cùng với đó, câu chuyện về những ngành xuất khẩu Việt Nam được hưởng lợi và quá trình dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ là một trong những chủ đề có thể tốn nhiều giấy mực của thị trường trong năm 2019.
Vĩnh Thịnh