Vietstock - Ông Andy Ho: Thị trường giảm là cơ hội mua vào các mã có P/E dưới 18 lần
Đó là nhận định của ông Andy Ho - Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận đầu tư Tập đoàn VinaCapital tại hội nghị thường niên các nhà đầu tư sáng ngày 11/10 tại TPHCM.
Trước diễn biến rơi sốc của thị trường chứng khoán phiên sáng ngày 11/10, ông Andy Ho cho rằng, đây là cơ hội cho nhà đầu tư mua vào cổ phiếu trên thị trường, nhất là các mã có P/E dưới mức trung bình - khoảng 18 lần, tăng trưởng lợi nhuận tốt,…
Theo ông, việc thị trường chứng khoán Việt Nam đi xuống là do ảnh hưởng bởi xu hướng chung của thị trường thế giới như Mỹ, châu Âu và điều này không đáng lo ngại. Bởi nền kinh tế của Việt Nam hiện nay tăng trưởng tương đối ổn định, GDP tăng trưởng từ 6.5-7%/năm, năm nay tăng trưởng gần 7%.
Đặc biệt, vừa qua, FTSE đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi, và hy vọng sắp tới Việt Nam cũng sẽ được đưa vào danh sách của MSCI. “Rõ ràng Index của MSCI được nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn khi Việt Nam từ thị trường cận biên vào thị trường mới nổi. Và khi Việt Nam vào danh sách của MSCI thì các quỹ sẽ đầu tư vào Việt Nam với khoảng 10 tỷ USD” – ông nhận định.
ông Andy Ho - Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận đầu tư Tập đoàn VinaCapital
|
Đối với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, theo ông Andy Ho là không liên quan nhiều đến vấn đề xuất nhập khẩu mà liên quan nhiều hơn đến trí tuệ. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là sau khi áp thuế với Trung Quốc, Mỹ có áp thuế nhập khẩu vào các sản phẩm của Việt Nam xuất vào Mỹ hay không? Ông Andy Ho cho rằng điều này là không xảy ra, vì chiến tranh Mỹ - Trung phụ thuộc nhiều hơn vào trí tuệ, Trung Quốc bắt buộc các công ty Mỹ phải chia sẻ với công ty Trung Quốc khi họ muốn vào thị trường Trung Quốc, còn Việt Nam không có vấn đề đó. Do đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tạo ra cơ hội cho Việt Nam. Trước hết, một số doanh nghiệp nước ngoài đang cân nhắc việc mở nhà máy ở Việt Nam bởi chi phí giảm, thuế giảm, đây là cơ hội để tăng trưởng đầu tư. Trong dài hạn, lượng người nhập cư từ tỉnh chuyển vào thành phố cũng tăng, đẩy nhu cầu về dịch vụ và sản phẩm như y tế, giáo dục, ngân hàng… tăng theo. Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng đối với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên với Việt Nam, nền kinh tế 10 năm qua phát triển mạnh, mỗi năm giải ngân 12 – 14 tỷ USD/năm. Đây là vốn lâu dài tạo ra cơ hội để tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam.
Tài khoản vãng lai, dòng USD đi vào Việt Nam dương 10 - 12 tỷ USD/năm so với dòng USD đi ra, phần lớn do Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu. Thứ hai là do nước ngoài chuyển tiền về Việt Nam, số tiền này tích lũy vào quỹ dự trữ của Việt Nam, số dự trữ càng cao, giúp cho VNĐ ngày càng ổn định. Vì vậy 9 tháng vừa qua VNĐ mất giá nhiều nhất là 2-3%, trong khi Indonesia mất giá 10%, Ấn Độ mất 16% so với USD.
Đồng CNY của Trung Quốc đã mất giá 8%, khả năng 6 tháng tới CNY sẽ mất thêm 3-5% nữa sẽ tạo ra áp lực cho tiền VNĐ mất giá. Nhưng Việt Nam có quỹ dự trữ là 60 tỷ USD đủ để giữ ổn định VNĐ. Việc CNY tiếp tục phá giá từ 3-5% sẽ tạo ra áp lực cho Việt Nam về mặt xuất khẩu, cạnh tranh với Indonesia, Malaysia, Philippines chứ không phải là Trung Quốc.
“Vừa qua khi thị trường tiền tệ đi xuống, ở Đông Nam Á chỉ có 2 thị trường là Thái Lan và Việt Nam không đi xuống mạnh, là do dự trữ của Việt Nam cao và do tiền USD vay thương mại ít. Rõ ràng VNĐ mất giá không phải do kinh tế mà do Nhà nước muốn Việt Nam cạnh tranh hơn về xuất khẩu so với các nền kinh tế khác” – ông phân tích.
Đối với VinaCapital, từ năm 2003 đến nay, Tập đoàn đã triển khai hơn 4 tỷ USD vốn đầu tư vào hơn 100 công ty và dự án. Hiện Tập đoàn đang quản lý tổng giá trị tài sản hơn 100 triệu USD. Trong lĩnh vực bất động sản, Vinacapital đã và đang đầu tư vào các dự án lớn như khách sạn Metropole Hà Nội, khu nghỉ dưỡng biển Đà Nẵng với sân golf Greg Norman và khu biệt thự Ocean Estates, dự án khu căn hộ Azura ở Đà Nẵng, Đại Phước Lotus và The Garland tại TP.HCM… Bên cạnh đó, từ năm 2006, Tập đoàn VinaCapital chú trọng đầu tư vào các startup công nghệ với việc thành lập DFJV – quỹ liên kết với tập đoàn công nghệ DFJ. Và thành công mới nhất của DFJV là Tập đoàn Yeah1 vừa niêm yết trên HOSE vào tháng 6/2018. Cũng trong chiến lược này, tháng 8 vừa qua, VinaCapital cũng đã thành lập VinaCapital Ventures nhằm hợp tác với các kỹ sư, nhà khoa học và các nhà sáng chế dùng công nghệ để tạo ra các giải pháp giải quyết các vấn đề khó khăn trong từng lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho từng cá nhân và xã hội. Ngay khi ra mắt, quỹ đã thực hiện 2 thương vụ đầu tư vào Logivan và Fastgo – hai nhà cung cấp các ứng dụng di động gọi xe vận tải hàng hóa và hành khách. Tập đoàn VinaCapital cũng tài trợ cho các chương trình về y tế, giáo dục cho trẻ em Việt Nam thông qua VinaCapital Foundation (VCF)… |
Hàn Đông