Vietstock - Ông Andy Ho: Thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tốt nhất trong năm 2018
“Thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tốt nhất trong năm 2018, dù mức tăng trưởng có thể không cao như mức 48% của năm trước, trong đó ngành ngân hàng sẽ có nhiều dư địa để phát triển trên nền tảng các điều kiện vĩ mô ổn định cùng các chính sách tích cực xử lý nợ xấu, ngành bất động sản sẽ phát triển ổn định nhưng sẽ chọn lọc hơn. Và 2018 sẽ là một năm Việt Nam tiếp tục chào đón dòng vốn dồi dào từ giới đầu tư quốc tế” - ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành của VinaCapital, nhận định.
2018 sẽ là năm Việt Nam tiếp tục đón dòng vốn dồi dào từ giới đầu tư quốc tế
Thời gian gần đây, vào gần cuối 2017, VinaCapital có rót vốn vào Ngân hàng HDB và OCB, ông nhận định như thế nào về ngành ngân hàng và cổ phiếu ngành này trong năm 2018? Trong ngành ngân hàng, không phải cổ phiếu nhà băng nào cũng là “hàng hot”, theo ông những ngân hàng có đặc điểm gì sẽ có nhiều tiềm năng và thu hút nhà đầu tư?
Chúng tôi cho rằng ngành ngân hàng sẽ có nhiều dư địa để phát triển trong năm 2018 trên nền tảng các điều kiện vĩ mô ổn định cùng các chính sách tích cực xử lý nợ xấu. Mảng ngân hàng bán lẻ sẽ là tiêu điểm bởi biên lợi nhuận cao và nguồn thu dịch vụ được đẩy mạnh thông qua các sản phẩm thanh toán và hợp tác bảo hiểm. Các ngân hàng đã xử lý tốt phần nợ xấu, trích lập hết trái phiếu VAMC, tiếp tục hưởng thành quả từ việc giảm chi phí dự phòng. Nhóm còn lại có thể tiếp tục tăng thêm chi phí dự phòng để cải thiện chất lượng tài sản.
Kỳ vọng ngành này sẽ tiếp nối đà tăng lợi nhuận trong năm 2017 và theo đó, cổ phiếu các ngân hàng sẽ tiếp tục hấp dẫn. Ngân hàng nào tăng trưởng cao hơn bình quân ngành sẽ được nhà đầu tư chú ý nhiều hơn.
Chúng tôi đánh giá cao các ngân hàng có chính sách quản trị rủi to tốt và sở hữu lợi thế cạnh tranh đặc thù, có thể là chi phí vốn thấp, hệ sinh thái kinh doanh độc đáo hay công nghệ, năng lực sáng tạo để phát triển sản phẩm. Những ngân hàng như vậy sẽ tăng trưởng cao và bền vững trong dài hạn.
Bên cạnh ngân hàng, bất động sản cũng là ngành đã tăng mạnh trong năm 2017, ông nhận định thế nào về thị trường này trong năm 2018?
Tôi cho rằng ngành bất động sản sẽ phát triển ổn định trong năm 2018 nhưng sẽ chọn lọc hơn chứ không tăng nhanh như giai đoạn 2015-2017.
Trong mảng bất động sản nhà ở, phân khúc có mức giá vừa túi tiền người Việt (1-2 tỷ đồng/căn hộ hoặc 3-5 tỷ đồng/nhà có đất) sẽ có nhu cầu cao, thu hút nhiều chủ đầu tư tiếp tục mạnh dạn phát triển sản phẩm. Mảng bất động sản du lịch cũng có triển vọng khả quan nhờ nhu cầu du lịch tăng ở cả du khách trong và ngoài nước. Với ngành hàng không tiếp tục mở rộng về hạ tầng cũng như thêm nhiều đường bay quốc tế đến các điểm du lịch của Việt Nam, dự đoán lượng du khách nước ngoài trong năm nay sẽ cao hơn đáng kể so với năm 2017.
Kết quả của việc tái cơ cấu danh mục đầu tư riêng ngành bất động sản của các quỹ do VinaCapital quản lý từ các dự án trực tiếp sang nắm giữ cổ phần doanh nghiệp đầu tư bất động sản như thế nào, thưa ông?
Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý tiếp cận thị trường bất động sản theo chiến lược giảm danh mục đầu tư trực tiếp và tập trung vào đầu tư các công ty bất động sản trên thị trường chứng khoán. Qua các hoạt động tái cơ cấu danh mục, chúng tôi đã hoàn tất thoái vốn phần lớn các dự án sở hữu trực tiếp và hiện phần này chiếm chưa đến 2% NAV của VOF.
Trong năm 2017, dòng tiền từ khối ngoại vào Việt Nam đã tăng mạnh, dự báo xu hướng này trong năm 2018 sẽ như thế nào? Dòng vốn ngoại sẽ hướng đến những ngành nào, và riêng chiến lược của VinaCapital thế nào, thưa ông?
Chúng tôi tin rằng 2018 sẽ là một năm Việt Nam tiếp tục chào đón dòng vốn dồi dào từ giới đầu tư quốc tế. Chỉ trong tháng 1/2018, các nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ hơn 300 triệu USD vào thị trường. Dòng vốn này đang hướng đến các công ty có vốn hóa lớn và còn “room” cho nhà đầu tư nước ngoài bởi đây là cách tiếp cận dễ dàng, thuận tiện theo VN-Index. Tuy nhiên, có thể các tháng tiếp theo trong năm, dòng vốn ngoại sẽ chuyển sang các doanh nghiệp ở phân khúc vốn hóa thấp hơn vì lý do định giá hấp dẫn hơn.
Riêng VinaCapital không lệ thuộc vào xu hướng, vẫn tuân thủ chiến lược đã đưa ra từ ban đầu, chính là tìm kiếm các công ty chất lượng tốt để đầu tư. Vốn hóa nhỏ hay lớn không phải là yếu tố duy nhất.
Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành của VinaCapital
|
Không có nhiều rủi ro rằng thị trường sẽ suy giảm mạnh
VinaCapital từng nhận định thị trường niêm yết hiện đang được định giá khá cao, ông đánh giá rủi ro của thị trường hiện nay như thế nào, liệu có lo ngại lịch sử lặp lại cách đây 10 năm khi thị trường lao dốc mạnh từ “đỉnh cao danh vọng”?
Đúng là định giá thị trường đã cao hơn, P/E hiện tại ở mức 16-17x so với mức 13-14x đầu năm 2017, do đó có một số rủi ro về định giá trong ngắn hạn. Song, nếu nhìn rộng ra, kinh tế vĩ mô hiện tại không còn bất ổn như năm 2007 nữa. Hiện nay, lạm phát được kiểm soát tốt, tăng trưởng tín dụng và giá bất động sản tăng khá lành mạnh chứ không cực đoan như 10 năm trước. Hơn thế, cả quy mô và thanh khoản của thị trường chứng khoán cũng tăng hơn trước nhiều. Chúng tôi tin không có nhiều rủi ro rằng thị trường sẽ suy giảm mạnh.
Với làn sóng các doanh nghiệp cổ phần hóa lớn ồ ạt lên sàn thời gian gần đây và sắp tới, ông đánh giá chất lượng loại hàng hóa này năm 2018 ra sao và làm thế nào để tìm ra cơ hội đầu tư tốt trong một danh mục rộng và lớn như vậy?
Các công ty IPO rất đa dạng về chất lượng cũng như định giá và với chúng tôi, việc tìm ra cơ hội đầu tư tốt luôn dựa trên việc đánh giá thận trọng từng công ty trong các ngành phù hợp với chiến lược của VinaCapital.
Bên cạnh xem xét tăng trưởng cơ bản của ngành, chúng tôi sẽ xem định giá công ty có hợp lý không, năng lực của Ban điều hành cũng như chiến lược phát triển thế nào. Những yếu tố này kết hợp cùng dự đoán nhu cầu đặt mua khi IPO giúp VinaCapital đưa ra mức giá dự thầu.
Nhìn chung, các công ty có vốn hóa lớn, khoảng 1 tỷ USD trở lên dễ thu hút nhà đầu tư cả trong nước lẫn nước ngoài hơn, nhưng luôn phải đánh giá các yếu tố nói trên.
Nhìn chung, các yếu tố nào sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư trong năm 2018 và mức độ hút tiền của các kênh đầu tư như thế nào, thưa ông?
Thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tốt nhất trong năm 2018, dù có thể mức tăng trưởng không cao như mức 48% của năm 2017. Trong kênh này, đầu tư vào các công ty cổ phần hóa sẽ hấp dẫn cả nhà đầu tư trong và ngoài nước bởi chương trình cổ phần hóa đã có những thành công chắc chắn. Nếu các công ty Việt Nam đạt tăng trưởng lợi nhuận tốt như dự kiến, tức 18-20%, và dòng vốn ngoại vào thị trường tiếp tục dồi dào thì không có nhiều rủi ro thị trường sẽ biến động.
Trong trường hợp hy hữu, các chỉ số vĩ mô như lạm phát, CPI và lãi suất đều tăng cao, người dân sẽ rút tiền khỏi thị trường chứng khoán và gửi tiết kiệm tại ngân hàng sẽ được ưu tiên. Còn các kênh đầu tư vàng hay USD thì tôi không thấy khả năng lợi nhuận tốt, trừ phi các thị trường chứng khoán giảm mạnh trên quy mô toàn cầu.
Cám ơn ông!
Minh Hằng thực hiện