Vietstock - NAV giảm 12%, quỹ ngoại “đánh game” nâng hạng Tundra có tháng giảm mạnh nhất kể từ khi thành lập
Mới đây, Tundra Vietnam Fund D vừa công bố báo cáo tháng 10/2018, trong đó cho thấy tổng tài sản ròng (NAV) của quỹ đã giảm 12% trong tháng trước và cũng là tháng giảm mạnh nhất kể từ khi thành lập trong năm 2014.
Đáng chú ý là top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao nhất trong danh mục của quỹ Tundra Vietnam Fund D đều giảm rất mạnh, đa số là giảm trên 10%. Trong đó, 3 cổ phiếu có tỷ trọng cao nhất bao gồm FPT (7.2%), MSN (6.6%) và HPG (6.4%).
Trong tháng trước, “thủ phạm” khiến quỹ Tundra Vietnam Fund D có thể kể đến là cổ phiếu NKG với mức giảm mạnh nhất 33.2%, kế đó là HSG (27.1%), DRC (23.4%), VND (20.4%) và PVD (19.7%). Nhận định về trường hợp của HSG và PVD, quỹ cho rằng đà giảm mạnh của giá dầu thế giới và kết quả quý 3 ảm đạm đã tác động tiêu cực tới giá của hai cổ phiếu này.
Trong khi đó, cổ phiếu tăng mạnh nhất tháng 10/2018 chỉ leo dốc 3.5% và thậm chí trong top 5 cổ phiếu có thành quả tốt nhất còn có cổ phiếu giảm 0.7%.
Xét về tổng quan danh mục, quỹ Tundra Vietnam Fund D đang phân bổ tỷ trọng cao cho các lĩnh vực tài chính (24%), bất động sản (16%), nguyên vật liệu (14%) và hàng tiêu dùng (12%). Lượng tiền mặt còn lại chỉ chiếm 2% danh mục của quỹ.
Trong báo cáo mới nhất, quỹ Tundra Vietnam Fund D mất 9.1% trong tháng 10, mạnh hơn cả mức giảm 7.7% của chỉ số FTSE Vietnam Index.
Tháng 10 vừa qua, cổ phiếu thuộc các lĩnh vực tài chính, hàng tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ thông tin góp phần dẫn tới thành quả tồi tệ của quỹ. Trong khi đó, các lĩnh vực bất động sản và hàng tiêu dùng lại tác động tích cực tới thành quả chung của quỹ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam
Quỹ Tundra Vietnam Fund D cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh mạnh trong tháng 10, sau hai tháng tăng mạnh. Bất ổn về tình hình kinh tế toàn cầu và sự suy yếu của các thị trường trong khu vực đã thôi thúc nhà đầu tư giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu. Dù vậy, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng 397 triệu USD cổ phiếu Việt trong tháng 10 vừa qua, nhưng loại bỏ thương vụ mua cổ phiếu MSN của SK group Korea thì thành ra các nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng 70 triệu USD.
Chỉ số VN-Index khép lại tháng 10 với mức lao dốc 7.7%, mạnh hơn mức giảm 5.7% của chỉ số MSCI Emerging Markets và 0.9% của MSCI Frontier Markets. Các báo cáo lợi nhuận ảm đạm hơn dự báo từ HSG, Vinamilk, VPBank, Sabeco,… đã khiến thị trường ít nhiều thất vọng. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu năng lượng cũng điều chỉnh theo đà giảm của giá dầu quốc tế.
Việt Nam dường như cũng đang di chuyển theo các thị trường toàn cầu và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Khi không có chất xúc tác rõ ràng, quỹ này dự báo thị trường Việt Nam sẽ vẫn còn ảm đạm cho tới cuối năm nay. Tuy nhiên, mức định giá lại trở thành điểm lôi cuốn nhà đầu tư với hệ số P/E forward khoảng 13 lần.
Các chỉ báo kinh tế vĩ mô cũng vẽ ra một bức tranh đầy hứa hẹn. Vốn FDI đã giải ngân tăng 6.3% lên mức kỷ lục 15.1 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu tháng 10 tăng vọt 14.2% lên 200 tỷ USD, nhờ đó ghi nhận mức thặng dư thương mại 6.4 tỷ USD. PMI tháng 10 cải thiện lên mức 53.9 điểm, cho thấy nhịp độ mở rộng nhanh hơn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Bất chấp đà tăng của giá nhiên liệu, lạm phát tăng 3.9% so với cùng kỳ năm trước và 0.33% so với tháng trước.
Vũ Hạo