Vietstock - Năm 2024: TP.HCM khởi hành “lộ thông tài thông”
Cuộc chuyển giao thành công nhất từ năm 2023 sang năm 2024 của TP.HCM đó chính là các công trình hạ tầng giao thông. Nếu năm 2023 được xem là điểm sáng của nỗ lực tháo “treo” cho nhiều dự án lớn, tái khởi động và hoàn tất nhiều công trình cầu dân sinh vốn “lơ lửng” cũng từ 10-20 năm. Điển hình nhất là chính sách giá đền bù đã mang lại kết quả giải ngân giải phóng mặt bằng lên tới 97% của Vành đai 3 được xem là kỳ tích, hứa hẹn dự án trọng điểm này về đích đúng hẹn. Thì năm 2024 sẽ chứng kiến cuộc tăng tốc của nhiều dự án giao thông trọng điểm không chỉ của thành phố mà còn tác động lên sức phát triển liên vùng - quốc gia.
Vấn đề đáng nói là việc triển khai diễn ra đồng bộ và mang tính tổng thể cao, không chỉ là các công trình giao thông đường bộ - bản thân đây sẽ là “nhánh” chủ lực mà còn hầu khắp các công trình giao thông hàng không, hoặc phục vụ cho giao thông hàng không (như dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa để “mở toang” cửa ngõ vào sân bay Tân Sơn Nhất, đồng bộ với quy mô phát triển của dự án Nhà ga T3). Cho đến các dự án giao thông đường thủy, hoặc liên quan đến hạ tầng, môi trường sông, kênh rạch (như siêu dự án cải tạo và xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm - tuyến rạch nội đô này khi đưa vào triển khai sẽ là dự án thuộc lĩnh vực môi trường, dân sinh lớn nhất trong năm, hy vọng viết tiếp kỳ tích sau Nhiêu Lộc - Thị Nghè).
Ở góc độ khai thác kinh tế - du lịch thì năm 2024, TPHCM dự kiến đầu tư hoàn thành hai tuyến xe buýt đường sông nội đô gồm quận 1 đi quận 7 và Nhà Bè, dài khoảng 13km và lên kế hoạch mở thêm 3 tuyến liên tỉnh. Trong đó, tuyến đi Bình Dương, Củ Chi sẽ theo sông Sài Gòn; tuyến từ TPHCM đi Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), theo sông Soài Rạp, vịnh Đồng Tranh và Biển Đông; tuyến còn lại là phà biển Cần Giờ chạy qua huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang và ngược lại dự kiến hoàn thành năm 2024.
Thành phố đã và đang cho thấy nhất quán về nguyên tắc đặt vận tải hành khách đường thủy nội địa trong tổng thể, gắn với giao thông đường bộ, định hướng phát triển của đô thị. Cho nên, việc lãnh đạo thành phố quyết định đầu tư để nâng tĩnh không lên 7m, giữ nguyên quy mô mặt cắt ngang cùng tải trọng khai thác đối với cầu Bình Triệu 1 (trên quốc lộ 13) và cầu Bình Phước 1 (trên quốc lộ 1) đã được các chủ phương tiện tàu “như bắt được vàng”. Bởi với chế độ “bán nhật triều”, các con tàu qua khúc sông này đều phải canh con nước, nước ròng thì tàu mắc cạn, nước lớn thì vướng dạ cầu.
Hơn nữa, việc kết nối giao thông thủy còn mở ra cơ hội và phát triển kinh tế liên vùng - tức cụ thể hóa Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về hướng phát triển Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bởi một trong những điểm nghẽn làm hạn chế sức phát triển của vùng nói chung, TP.HCM nói riêng trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây đó chính là mạng lưới giao thông và hạ tầng của toàn vùng hầu như bị bỏ quên. Do đó, với Nghị quyết 24, năm 2024 này TP.HCM sẽ cùng hợp lực với các tỉnh bạn là Đồng Nai, Bình Dương, Long An để hoàn thành toàn tuyến cao tốc vào cuối năm 2025, cùng với tỉnh Tây Ninh khởi động cho dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài…
Tỉnh Bình Dương cũng đã thông qua chủ trương đầu tư đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành để hợp cùng vành đai 3 và 4 đang triển khai, tỉnh này sẽ có những tuyến cao tốc đầu tiên kết nối với khu vực.
Có thể thấy hạ tầng giao thông đường bộ sẽ là “chương trình hành động” nổi bật gắn với từng kết quả - là thành phẩm cụ thể trong năm 2024. Bởi chỉ 2 ngày trước khi kết thúc năm cũ, sáng 29-12, thành phố đã tiến hành lễ phát động thi đua đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm, trong đó các đơn vị sẽ đồng loạt thi công xuyên Tết.
Tính từ ngày 1-1-2024, có 5 dự án giao thông trọng điểm sẽ bước vào giai đoạn thi công đồng bộ tất cả các gói thầu xây lắp, đảm bảo tiến độ hoàn thành nhiều hạng mục, đẩy nhanh tiến độ giải ngân để hoàn thành và đưa vào sử dụng trong các năm 2024, 2025, 2026. Đó là: Dự án thành phần 1 xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua TP.HCM (bao gồm cầu kênh Thầy Thuốc), xây dựng nút giao thông An Phú, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 50, dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.
Trong khi chờ hoàn thành các dự án lớn, kể cả ở nhiều tuyến đường dân sinh, nội quận thường là những điểm nóng kẹt xe, thành phố đã ứng phó bằng giải pháp mở nút thắt cổ chai, hạ giải những công trình xây cất tạm trước đây để mở rộng mặt đường, tăng thêm đường song hành…
Theo đúc kết của ông bà xưa, lộ có thông thì tài mới thông, cùng lúc phải tháo gỡ 3 điểm nghẽn là hạ tầng - thể chế - nhân lực, TP.HCM đã tập kích mạnh mẽ vào điểm nóng hạ tầng - giao thông đô thị và bước đầu cho thấy một sự chuyển động tích cực. Năm 2024, dù dự báo và đã ra nhiều cảnh báo về tình hình tiếp tục khó khăn; song với “triết lý” nói trên, những con đường huyết mạch dân sinh một khi được mở ra, kết nối, phát triển thì chắc chắn sẽ là điều kiện cần, cơ hội tốt cho cho người dân, doanh nghiệp khởi hành một năm thuận lợi.
Quốc Học