Vietstock - Năm 2017, đâu là cổ phiếu gặp vận đen khiến nhà đầu tư phải “ngậm đắng nuốt cay”?
Cựu lãnh đạo bị kỷ luật, nội bộ lục đục, cổ phiếu bị thao túng hay “bận rộn” với cơ quan thuế là những nguyên nhân khiến bức tranh đầu tư tại nhiều cổ phiếu xám xịt một năm qua.
Năm 2017, đâu là cổ phiếu gặp vận đen khiến nhà đầu tư phải “ngậm đắng nuốt cay”?
|
Đầu tiên phải kể đến “ông hoàng ánh sáng” một thời – Bóng đèn Điện Quang (DQC). Là một đơn vị Nhà nước, ra đời từ những năm 1979, DQC chính thức được cổ phần hóa vào năm 2005. Và cũng tại đây, câu chuyện liên quan đến việc định giá tài sản Công ty bắt đầu manh nha.
Mãi cho đến khoảng tháng 8/2017, nhiều lùm xùm liên quan đến việc cổ phần hóa DQC dưới thời Cựu Chủ tịch Hồ Thị Kim Thoa lại trỗi dậy, trở thành “từ khóa” nhận được nhiều quan tâm của dư luận. Đỉnh điểm sau ngày 31/7 khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương công bố hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với bà Thoa và đề xuất “miễn nhiệm các chức vụ hiện tại”, cổ phiếu DQC “vội vã” lao dốc không phanh về mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây, tương đương 38,350 đồng/cp (chốt phiên ngày 09/08).
Hiện cổ phiếu DQC cũng chỉ quanh quẩn tại mức 39,900 đồng/cp, ghi nhận mức giảm hơn 33% so với con số 59,643 đồng/cp phiên đầu năm.
Biến động cổ phiếu DQC một năm qua
Thực tế, đà giảm trên đã có từ năm 2016, khi mà thông tin kỷ luật bà Hồ Thị Kim Thoa manh nha trước đó, hơn nữa kết quả kinh doanh nhiều năm trở lại đây cũng không mấy khả quan. Nguyên nhân theo DQC là do xuất khẩu giảm, doanh thu tài chính từ mỏ vàng khách hàng Cuba không còn, đồng thời sản phẩm đèn LED gặp cạnh tranh rất lớn từ hàng Trung Quốc.
Điều đáng nói ở đây là, mặc dù hiệu suất hoạt động thấp, song mức cổ tức chi ra hàng năm lại cao và liên tục được điều chỉnh tăng “nóng mặt”, thực tế 4 năm trở lại đây đều cao hơn từ 10-15% so với kế hoạch trước đó. Và với tỷ lệ sở hữu 33.85% của gia đình bà Thoa (tính đến ngày 30/06/2017), hàng năm họ hàng vị cựu Chủ tịch này thu về một khoản cổ tức từ DQC tương đối lớn!
Mặc dù chuyện liên quan đến bà Thoa đã đi vào quá khứ nhưng hiện nay DQC vẫn còn rất nhiều khó khăn. Mới đây HĐQT Công ty đã thông qua việc cổ phiếu quỹ, song thị giá cổ phiếu vẫn chạm đáy, liệu rằng Nhà máy Khu Công nghệ cao quận 9 có mở ra trang mới cho DQC?
Từ chuyện tranh giành lợi ích
Cũng liên quan đến ban lãnh đạo, một đơn vị địa ốc - Địa ốc Đà Lạt (DLR) - cũng đã trải qua năm 2017 đầy bất trắc khi nội bộ bất đồng về lợi ích, hiện đang đứng trước nguy cơ phá sản!
Tại ĐHĐCĐ 2016, cổ đông đã thể hiện rõ quan điểm bất đồng với cách tổ chức, kiểm soát quy trình chuyển nhượng mỏ đá Gần Reo và đề nghị Ban kiểm soát kiểm tra chặt chẽ. Ngoài ra, cổ đông ý kiến Thành viên HĐQT đã dễ dãi với các vấn đề xảy ra tại Công ty TNHH MTV Địa ốc Bảo Lộc, nhất là khi ông Tống Văn Khoa đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm vị trí Giám đốc Công ty này. |
Cụ thể, nội bộ tại DLR sau kỳ ĐHĐCĐ 2016 lộ rõ những lục đục, chủ yếu xoay quanh vấn đề phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ, khiến Công ty đến nay vẫn chưa thể tổ chức ĐHĐCĐ 2017. Chưa kể, trước đó ông Ngô Phước - nguyên Tổng Giám đốc Công ty – đã bị người nội bộ tố cáo có dấu hiệu lợi dụng chức vụ để cấu kết với một số thành viên khác gây thất thoát giá trị lớn liên quan đến thương vụ chuyển nhượng mỏ đá Gần Reo.
Với kết quả kinh doanh thê thảm, quý 3/2017 Công ty đã báo lỗ hơn 1 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế vượt mốc 31 tỷ trong hiện vốn chủ sỡ hữu chỉ đạt 45 tỷ đồng. Thậm chí, huy động chỉ 35.5 tỷ đồng nhưng DLR phải trầy trật thông báo đến 3 lần, vẫn bất thành! Trên thị trường, DLR đã có thời kỳ đỉnh cao với giá cổ phiếu từng đạt trên 42,000 đồng/cp, nhưng hiện nay đã mất giá hơn 79%, chỉ còn 8,600 đồng/cp (ngày 25/12). Lượng giao dịch cũng từ mức hàng trăm ngàn cổ phiếu/phiên đến nay gần như chạm mốc 0.
Biến động cổ phiếu DLR một năm qua
Tương tự với Gia Lai CTC (CTC), khi nợ áp sát, Tổng Giám đốc Đặng Thanh Toàn đã kêu gọi cổ đông cầm cố cổ phiếu để vay ngân hàng.
Cụ thể, câu chuyện tại CTC khởi nguồn khi tháng 10/2017, Tổng Giám đốc báo cáo tình hình tài chính khẩn cấp của Công ty sau khi Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Gia Lai tiến hành thu nợ ngắn hạn với giá trị hơn 13 tỷ đồng đã đẩy Công ty vào hoàn cảnh mất thanh khoản trầm trọng. Tổng nợ phải trả ngân hàng trung tuần tháng 11 lên đến 15.46 tỷ đồng. CTC hiện không đủ tài chính để có thể thanh toán món nợ trên trong một thời gian ngắn như vậy.
Trước tình hình trên, vị Tổng Giám đốc này đã đưa ra giải pháp thực hiện tái cấu trúc các khoản nợ vay ngân hàng. Tuy nhiên, để được cấp hạn mức tín dụng đó, ngân hàng đòi hỏi phải có cầm cố tối thiểu 51% tổng số cổ phần của CTC thuộc sở hữu của các cổ đông hiện hữu, trong khi tổng lượng cổ phần đồng ý với kiến nghị của ông Toàn vẫn chưa đủ yêu cầu của ngân hàng đưa ra.
Chưa kể, nhóm ba Thành viên HĐQT gồm ông Nguyễn Trần Hanh, Hoàng Trung Hiếu, Đặng Văn Chính và Thành viên BKS Mai Văn Huấn (đại diện trên 40% vốn) không những không hợp tác lại có kiến nghị khẩn cấp thay đổi Tổng Giám đốc CTC để ngăn chặn nguy cơ phá sản doanh nghiệp.
Như vậy, cổ đông chia làm 2 phe khiến CTC gần như không có lối thoát, cổ phiếu đổ đèo về giao dịch tại mức “ly trà đá” là 3,400 đồng/cp.
Biến động cổ phiếu CTC một năm qua
Đến cổ phiếu bị làm giá
Mức 3,400 đồng/cp của CTC vẫn còn cao hơn thị giá hiện tại, chỉ đạt 2,490 đồng/cp của Tư vấn Thiết kế & Phát triển Đô thị (CDO). So với mức đỉnh hơn 36,000 đồng/cp hồi cuối năm 2016, cổ phiếu đã rơi thẳng đứng gần 18 lần, đi cùng với đó là những thương vụ thao túng giá từ nội bộ bên trong đến người bên ngoài.
Biến động cổ phiếu CDO một năm qua
Ngày 13/3, UBCKNN đã xử phạt hàng chục triệu đồng đối với 3 lãnh đạo Công ty là - Thành viên HĐQT Nguyễn Thanh Tú, Thành viên HĐQT Vũ Thị Mai Anh và Kế toán trưởng Nguyễn Minh Quang do giao dịch cổ phiếu CDO không như đăng ký.
Đến tháng 9/2017, nội bộ nhân sự Công ty xảy ra nhiều biến động, các vị trí nhân sự trong HĐQT vắng mặt liên tục. Cụ thể, ông Nguyễn Thái Bình xin miễn nhiệm tư cách Thành viên HĐQT từ ngày 16/06/2017, còn bà Nguyễn Thanh Tú - Phó Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT trong quá trình giữ chức vụ đã có nhiều vi phạm hiện đã tự ý thôi việc.
Hai tháng sau đó, Công an Thành phố Hà Nội chính thức khởi tố hình sự bị can Nguyễn Vân Giang - nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (Chi nhánh Hà Nội) – vì đã thao túng giá chứng khoán đối với cổ phiếu CDO.
Kế toán trưởng đột ngột biến mất cho đến nguy cơ thất thoát tài sản
Một đơn vị gây chú ý gần đây trước nguy cơ “bị thất thoát tài sản” - Đầu tư Tài Chính Giáo dục (EFI). Trước đó, Công ty có thông báo về việc mất liên lạc với Kế toán trưởng Bùi Văn Dũng từ ngày 12/12, đồng thời cũng thực hiện miễn nhiệm chức vụ của ông Dũng từ ngày 15/12/2017.
Cũng vì sự việc trên, HĐQT EFI đã thống nhất tạm dừng việc chốt danh sách để chi trả cổ tức trong tháng 12/2017 và cũng chưa thực hiện mua cổ phiếu quỹ trong thời gian tới để đánh giá hậu quả của việc Kế toán trường có dấu hiệu bỏ trốn.
Chưa dừng lại ở đó, HĐQT tiếp tục cập nhật thêm sự việc này có khả năng gây thất thoát lớn về tài sản tại ngân hàng và công ty chứng khoán. Về số liệu cụ thể, nguyên nhân và các trách nhiệm liên quan thì phía Công ty vẫn đang chờ cơ quan điều tra kết luận làm rõ.
Trên sàn, giá cổ phiếu EFI nhanh chóng “rơi tự do” xuống mốc 3,600 đồng/cp, chỉ trong vòng 1 tháng qua, cổ phiếu đơn vị địa ốc này đã "bốc hơi" hơn 50% giá trị.
Biến động cổ phiếu EFI một năm qua
Lằng nhằng với kiện tụng
Gặp hạn trong năm qua còn phải kể đến cổ phiếu tăng trưởng một thời – SKG của Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang.
Sau khi công bố thông tin bị xử phạt về thuế vào giữa tháng 8/2017, sau nhiều tháng liền miệt mài với kiện tụng, mới đây SKG cũng phải chấp nhận đóng gần 57 tỷ đồng tiền thuế. Theo đó, Công ty đã điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán. Tính đến ngày 30/09/2017, Công ty ghi nhận đạt 296 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Ảnh hưởng một phần từ sự việc trên, cùng với chi phí nguyên vật liệu tăng mạnh, đã khiến lãi ròng giảm 5% so với cùng kỳ, đạt 168 tỷ đồng. Giá cổ phiếu rớt mạnh, cổ đông lại một lần nữa mất niềm tin trước tin kế toán trưởng Lưu Hải Anh bị phạt hơn 535 triệu đồng vì đã giao dịch nội bộ trước khi công bố thông tin bị truy thu thuế.
Như vậy, năm 2017 thực sự là một năm đầy biến động đối với SKG, trên thị trường cổ phiếu Công ty từ mức 53,000 đồng/cp đầu năm đã giảm hơn 40% về mức 31,750 đồng/cp (ngày 25/12).
Biến động cổ phiếu SKG một năm qua
Mệt mỏi với kiện tụng còn có CTCP Tie (TIE), cụ thể liên quan đến hai khách hàng Thép Hoàng Gia Phát và Đầu tư Nguyên Bảo chưa thanh toán theo hợp đồng, tổng số tiền xấp xỉ 1.5 tỷ, dẫn đến 9 tháng Công ty lỗ ròng hơn 23 tỷ đồng. Trước đó, HĐQT Công ty đã có giải trình do tập trung giải phóng hàng tồn kho và thu hồi công nợ đẩy chi phí quản lý tăng cao, khiến Công ty thua lỗ. Đồng thời, do phải trích lập một khoản chi phí lớn về dự phòng công nợ, Công ty phải gánh thêm khoản chi phí nặng nề, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận kinh doanh.
Tựu trung lại, không chỉ riêng những đơn vị kể trên, vẫn còn đó rất nhiều cổ phiếu khiến nhà đầu tư phải "ngậm đắng nuốt cay" trong năm 2017, như VHG với mức lỗ 9 tháng vượt xa mức dự kiến, hay TH1 đứng trước bối cảnh “lỗ đã vượt vốn, án hủy niêm yết cận kề”…
Tri Túc