Vietstock - Ẩn số tâm lý
Chứng khoán luôn vận động theo những quy luật tâm lý riêng mà không phải nhà đầu tư nào cũng dễ dàng hiểu được.
Đầu tuần này, VN-Index đã mất mốc 800 điểm, thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh. Ảnh: Thành Hoa
|
Tuần trước những số liệu tích cực được công bố rộng rãi như tăng trưởng GDP quí 3 đạt 7,46%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây; lạm phát chín tháng mới ở mức 1,83% so với cuối năm ngoái; tín dụng hết quí 3 theo Tổng cục Thống kê ước tăng hơn 11%... Với một nền tảng vĩ mô tương đối tốt như vậy, lẽ ra VN-Index phải đi xa hẳn khu vực 800 điểm và hướng tới vùng 820-850 điểm, nhưng đầu tuần này, chỉ bằng hai phiên giao dịch đỏ lửa, chỉ số chứng khoán lại mất mốc 800 điểm, vốn dĩ phải khó khăn lắm mới đạt được.
Đáng ngại hơn, thanh khoản của cả hai sàn sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn khoảng 100-150 triệu đơn vị/ngày. Thanh khoản cho thấy tiền đã rút ra khỏi thị trường, nhất là khỏi hàng loạt mã đầu cơ. Nhiều cổ phiếu đầu cơ sau khi tăng 50-100%, thậm chí 200% chỉ trong vòng vài tuần, nay đang tiến gần trở lại đích xuất phát như HAI, FIT, TSC, AMD... Trong khi đó, các cổ phiếu có vốn hóa lớn và cơ bản đã bứt phá khá mạnh vừa qua và buộc phải trở lại nhịp điều chỉnh để tìm điểm tăng mới.
Một tỷ lệ đáng kể MidCap đã rơi về vùng giá thấp nhất trong vòng 12 tháng, hoặc 18-36 tháng. HT1 đang ở vùng giá thấp nhất của ba năm - thị giá tỏ ra hấp dẫn để đầu tư trung hạn. SBT rớt mạnh từ quanh 42.000 đồng về sát 24.000 đồng/cổ phiếu, tức giảm 43% và đang “vùng vẫy” ở đáy của 13 tháng bất chấp thông tin hỗ trợ nước ngoài đã thương lượng xong việc mua 30% cổ phần. Cổ phiếu ngân hàng - chứng khoán lình xình. VCB chỉ quẩn quanh 37.000-38.000 đồng/cổ phiếu suốt nhiều tháng khiến ngay cả những nhà đầu tư nhẫn nại cũng phải tự hỏi lý do nào đang “trói” cổ phiếu ngân hàng tốt nhất này bị “đóng đinh”?
Bỏ qua một bên những câu chuyện riêng, thị trường đứng trước thử thách tâm lý. Điều mà những nhà đầu tư bám trụ các sàn đều cảm nhận được, nhưng khó giãi bày, đó là việc xét xử các vụ án kinh tế, hầu hết có liên quan đến ngân hàng, vẫn nối tiếp nhau. Chưa có thời điểm nào kể từ sau những vụ án như Tamexco, Minh Phụng - Epco, việc xét xử các vụ án kéo dài thành nhiều giai đoạn và danh sách các bị can có mặt tại tòa dài đến thế. Qua các vụ án cũng cho thấy một số bất cập của chính sách trong quá khứ và doanh nghiệp không phải lúc nào cũng thuận lợi trong kinh doanh.
Cổ phiếu dầu khí là một thí dụ về sự biến động của chứng khoán chịu tác động gắn kết của yếu tố tâm lý. Việc một số quan chức PetroVietnam đã bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm xảy ra tại ngân hàng OceanBank, Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVX), dù muốn hay không cũng làm nhà đầu tư đắn đo khi giải ngân vào “những cánh chim đầu đàn” PVS, PVD, GAS. PetroVietnam đang tái cơ cấu không chỉ về mặt tổ chức, mà cả nhân lực. Gần đây khối ngoại liên tục bán ròng PVS cho dù doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này được dự báo cao hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Việc trả cổ tức bằng tiền mặt cũng không giúp thị giá PVS hay PXS tăng bao nhiêu. Với việc giá dầu thô quốc tế đạt đỉnh cao nhất kể từ đầu năm, có thời điểm vượt 52 đô la Mỹ/thùng, cổ phiếu dầu khí đáng lẽ phải ghi nhận một phản ứng tích cực như nó từng diễn ra trong quá khứ. Đằng này, PVD, PVS, GAS, PXS... chỉ tăng được đúng một phiên và không phải tất cả đều tăng kịch trần ấn tượng.
Trước mắt là kỳ họp Quốc hội kéo dài một tháng từ ngày 23-10-2017 và chứng khoán, theo tính chu kỳ, thường đi ngang, không điều chỉnh sâu cũng không chạy vượt lên. Tìm kiếm lợi nhuận trong những ngày này phụ thuộc chính vào việc lựa chọn cổ phiếu của nhà đầu tư. Những cổ phiếu đã điều chỉnh sâu có khả năng cao sẽ phục hồi, đặc biệt những cổ phiếu nằm trong VN30 - chỉ số đang được sử dụng để giao dịch phái sinh. Ngoài ra cũng nên lưu ý việc Nhà nước thoái vốn khỏi các doanh nghiệp lớn trong quí này nhằm đạt được chỉ tiêu cổ phần hóa, cải cách doanh nghiệp nhà nước, nên chứng khoán, theo một cách nào đó, sẽ vận động theo chiều hướng hỗ trợ quá trình trên. Còn nhớ trước khi Nhà nước thoái vốn ở VNM lần trước, cổ phiếu sữa đã điều chỉnh khoảng 15% kể từ mức đỉnh, và phục hồi nhanh sau khi việc thoái vốn thực hiện xong. Liệu lần này biến động như vậy có lặp lại?