Vietstock - Mua lại các trạm BOT: Chỉ là giải pháp tình thế
UBND tỉnh Bình Dương vừa mua lại một trạm phu phí giao thông của các chủ đầu tư BOT rồi xóa bỏ trạm này. Liệu đây có phải là giải pháp ổn thỏa cho vấn đề BOT?
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Bắc - giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Khai thác mỏ Tân Việt Bắc cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế chứ không thể giải quyết được vấn đề.
Trạm thu phí An Phú được UBND tỉnh Bình Dương vừa mua lại.
|
“Tự thả gà ra đuổi’
“Tôi hoan nghênh việc mua lại trạm thu phí giao thông của BOT bởi giải pháp này trước mắt sẽ giải quyết được sự bức xúc của công luận nhưng về lâu giải nó không giải quyết được tận gốc vấn đề”, ông Bắc nói.
Đánh giá không cao cách làm của UBND tỉnh Bình Dương, PGS TS Đinh Trọng Thịnh - Trưởng bộ môn Kinh tế (Học viện Tài chính) cho rằng, nhà nước nên cẩn trọng mua lại các dự án BOT bởi cách làm này không giải quyết được gốc vấn đề.
“Cách làm này chỉ giải quyết được bức xúc của người dân tạm thời. Đây như một cách thừa nhận thất bại của BOT. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn thì việc làm này là không phù hợp”, ông Thịnh nói.
Một cách ví von, ông Thịnh cho rằng, việc nhà nước để doanh nghiệp tự xây dựng các tuyến đường BOT, tự định giá rồi mua lại các dự án BOT không khác nào “tự thả gà ra để đuổi”. Như vậy, không chỉ mất công đuổi mà con phải mua với giá cao bởi việc xây dựng các trạm BOT thường được nhà đầu tư đội giá lên rất cao. Nếu không cẩn thận Nhà nước có thể sẽ ôm quả đắng của chủ đầu tư.
Mục đích của việc thực hiện các dự án BOT là để huy động vốn xã hội, huy động nguồn lực xã hội để xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Đây là mục đích hoàn toàn đúng đắn. Do vậy, khi nhà nước bỏ tiền ngân sách ra để mua lại các dự án BOT thì “mong muốn” huy động nguồn lực xã hội sẽ không đạt được.
Cũng theo ông Thịnh, nguyên nhân chủ yếu khiến người dân và doanh nghiệp bức xúc với BOT bởi công tác chỉ định thầu. Hầu hết các dự án BOT tại Việt Nam đang được chỉ định thầu. Điều này là không công bằng cho doanh nghiệp, còn người dân thì phải chịu mức giá BOT quá cao.
Đâu mới là giải pháp bền vững?
Ông Thịnh cho rằng, về bản chất BOT “không xấu” và đóng góp rất lớn vào lợi ích của nhà nước cũng như người dân. Nhưng quá trình thực hiện BOT ở Việt Nam lại bộc lộ rất nhiều điểm bất cập. Bây giờ, chúng ta phải trả BOT về với đúng giá trị thực của nó. Nhà nước nên tính toán một cách thận trọng khi cho đầu tư vào BOT, phải tính toán được lưu lượng xe bao nhiêu, cở sở hạ tầng có cần thêm dự án nữa không, người dân có quyền lựa chọn đi đường khác… Tất cả những vấn đề này đều phải được tính toán, hài hòa và ổn định lợi ích thì mới làm.
Góp ý thêm về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, về lâu dài để người dân và doanh nghiệp không bức xúc về các dự án BOT thì phải tổ chức đấu thầu các dự án BOT, công khai minh bạch các dự án, đồng thời phải di chuyển những trạm đặt không đúng đi. Đồng thời, cho người dân quyền lựa chọn đi hoặc không đi… Chứ cứ tình hình lộn nhộn như hiện nay thì không ai dám đầu tư vào BOT.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Bắc cho rằng tốt nhất để khắc phục các “lổ hổng” của BOT là phải chia nhỏ gói thầu để cho vừa năng lực của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Chia nhỏ các gói thầu sẽ tăng thêm cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Nếu như chúng ta cứ để các gói thầu có giá trị lên đến hàng tỷ đô thì DNVVN không có cơ hội tham gia. Kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ có trùng thầu thì rủi ro cũng rất lớn bởi họ không đủ vốn để thực hiện một dự án lớn.