Vietstock - Mua cổ phiếu trong ngày VN-Index mất mốc 800, sau gần 10 năm được gì?
Ngày 18/02/2008, VN-Index đã mất mốc 800 điểm và phải gần 10 năm sau đó (08/09/2017) mới chính thức giành lại được. Nhà đầu tư nào đã mua cổ phiếu VNM, VSC hay CAP trong ngày này sẽ tạo được thành quả vượt trội với tỷ suất lợi nhuận hơn 1,000%.
Trong chặng đường phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK), chắc hẳn các nhà đầu tư lâu năm không thể nào quên được khoảnh khắc VN-Index chạm mốc cao nhất lịch sử tại 1,170 vào ngày 12/03/2007. Những từ ngữ “điên cuồng”, “cơn say”, “bùng phát”… xuất hiện với tần suất dày đặc, nhà đầu tư khi đó ai cũng có thể là người chiến thắng.
Nhưng đó là tất cả những gì hân hoan nhất. Những gì còn lại mà nhà đầu tư muốn nhớ nhất. Bởi chuỗi ngày u tối chính thức bắt đầu xuất hiện. VN-Index lần lượt rớt mốc 1,000 điểm rồi sau đó mất mốc tâm lý 800 điểm. Không bàn đến nguyên nhân của diễn biến này, nhưng tất cả điều hiểu rằng “bạo phát thì bạo tàn”, cái gì có được mà không phải từ nội lực thì chuyện mất đi dường như là vấn đề hiển nhiên.
Rồi mãi cho đến ngày nay, phải ròng rã mất gần 10 năm trời, VN-Index vừa qua mới chính thức chinh phục trở lại mốc 800 điểm (ngày 08/09/2017, VN-Index đóng cửa tại 801.2 điểm). Việc VN-Index đã hồi phục được như ngày nay có thể xem là thành quả, nhờ sự nỗ lực cả từ yếu tố vĩ mô, dòng tiền, chính sách cho đến việc niềm tin của nhà đầu tư được bồi đắp trở lại.
VN-Index tăng trưởng 0%, cổ phiếu sinh lợi tính bằng chục lần
Gần 10 năm trước, ngày 18/02/2008, ngày mà VN-Index đang trong đà giảm và mất mốc 800 điểm, những cổ phiếu nào nếu nhà đầu tư đã mua và còn nắm giữ đến nay đã sinh lợi lớn?
Theo thống kê giao dịch cổ phiếu (giá điều chỉnh) từ dữ liệu của Vietstock, có 107 cổ phiếu đã tăng điểm tính từ ngày 18/02/2008 cho đến ngày 08/09/2017. Dẫn đầu toàn thị trường chính là VCS với mức tăng từ 10,000 đồng/cp để lên mốc 196,800 đồng/cp, tương ứng mức tăng 1,868%.
Biến động cổ phiếu VCS từ năm 2008 đến nay
Cổ phiếu VCS của CTCP Vicostone đã có chuỗi đi ngang kéo dài từ năm 2008-2014 quanh vùng giá 10,000 đồng/cp và khối lượng giao dịch không đáng kể. Mãi đến cuối năm 2015, giá cổ phiếu VCS mới bắt đầu tăng dốc đứng và kéo dài cho đến tận thời điểm này. Sự tăng trưởng mạnh được cho là kết quả của tái cấu trúc, VCS chấp nhận để Phượng Hoàng Xanh A&A thâu tóm trước khi ông Hồ Xuân Năng – Chủ tịch kiêm TGĐ VCS thâu tóm ngược lại Phượng Hoàng Xanh A&A.
Đi kèm đó thì kết quả kinh doanh VCS cũng liên tục tăng trưởng trong 4 năm gần đây, từ 2012-2016, với tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 37% và lãi ròng đến 123%.
Biến động cổ phiếu VNM từ năm 2008 đến nay
Đối với VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu vào ngày 18/02/2008 thì đến khi VN-Index lấy lại mốc 800 điểm, mức sinh lợi đạt được là gần 1,147%.
VNM là cổ phiếu hiếm hoi trên thị trường chứng khoán được mệnh danh là “cổ phiếu đã đầu tư thì không sợ lỗ”. Bằng chứng là giá cổ phiếu VNM dường như tăng đều mỗi năm bất chấp thị trường có “gió to sóng lớn” cỡ nào. Nếu tính từ khi niêm yết cổ phiếu (19/01/2006) thì đến nay VNM đã tăng gần 3,200%.
Đó là chưa kể, VNM luôn là cổ phiếu chia thưởng và cổ tức cho cổ đông nhiều và đều đặn. Cụ thể, niêm yết đầu năm 2006 với 159 triệu cp, sau 10 năm Vinamilk đã nhân gấp 10 lần quy mô vốn lên 1,451 triệu cp. Trong cả quá trình tăng vốn, chỉ hai lần VNM huy động vốn từ cổ đông và nhà đầu tư mới với tổng khối lượng hơn 25 triệu cp. Còn lại phần lớn là Công ty phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Năm 2009, VNM phát hành cp tỷ lệ 1:1 để thưởng, liên tiếp hai năm 2011 và 2012 chia thưởng tỷ lệ 50% và trong ba năm gần đây 2014 – 2016 duy trì tỷ lệ thưởng 20%.
Thêm vào đó, bình quân mỗi năm, Vinamilk trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông đạt 35.4%, điều này đồng nghĩa với việc hằng năm Công ty chi ra khoảng hơn 2,200 tỷ đồng để chia lại cho cổ đông.
Trên thị trường những phiên gần đây, VNM đóng vai trò là đầu tàu, cùng với những cổ phiếu vốn hóa lớn khác giúp VN-Index chinh phục là mốc 800 điểm. Bên cạnh kết quả kinh doanh ấn tượng, mới đây, theo Reuters, Chính phủ Việt Nam sẽ bán 3.3% cổ phần tại cổ phiếu VNM ở mức giá 154,000 đồng/cp.
Biến động cổ phiếu CAP từ năm 2008 đến nay
Góp mặt trong nhóm những cổ phiếu tăng gấp 10 lần từ ngày VN-Index mất mốc 800 nữa là một cái tên khá bình lặng: CAP. Cổ phiếu CAP của CTCP Lâm Nông Sản Thực phẩm Yên Bái lên sàn HNX vào ngày 09/01/2008, ngay thời điểm thị trường chứng khoán bước vào “thị trường con gấu”. Do đó mà không ngạc nhiên gì khi cổ phiếu CAP giảm sốc ngay khi lên sàn; đến phiên 18/02/2008, cổ phiếu này chỉ còn 2,900 đồng/cp. Sau đó, CAP quay đầu tăng trưởng bền vững; đến ngày VN-Index lấy lại mốc 800 điểm thì giá CAP đã là 35,300 đồng/cp, tức tăng trưởng 1,146%. Dù vậy thì khối lượng giao dịch bình quân CAP trong giai đoạn này rất thấp, chỉ hơn 3,200 cp/phiên.
CAP là một cổ phiếu có vốn nhỏ, khi niêm yết có vốn điều lệ 11 tỷ đồng, đến nay thì con số này cũng chỉ đạt 47.6 tỷ đồng. Trong quá trình tăng vốn của CAP, chỉ một lần chào bán 500,000 cp cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 3:1, còn những lần còn lại là tăng vốn từ phát hành cổ phiếu thưởng cũng như trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Mặc dù quy mô vốn nhỏ nhưng doanh thu của CAP từ năm 2008 đến nay tăng trưởng đều, từ con số hơn 112 tỷ đồng lên mốc gần 323 tỷ đồng vào năm 2016. Lợi nhuận dù không ổn định nhưng 4 năm qua vẫn ở mức cao, riêng năm 2015 đạt lãi kỷ lục gần 32 tỷ đồng.
Dù không đạt được mức tăng trưởng như trên nhưng cũng có nhiều mã cũng mang lại quả ngọt cho nhà đầu tư với suất sinh lợi trên 500% là NSC, VIC, HBC, DNP, SAF, HCC và VDL.
Song, cuộc chơi nào có người thắng thì cũng có kẻ bại. Sẽ là mất mát quá lớn khi lỡ rót tiền đầu tư dài hạn vào SD7, VHG hay MCO khi đó, bởi đến nay thì mức giảm đã hơn 90%.