Chuyển động dòng tiền tuần 16-20/10:
Vietstock - MSN chói sáng, dòng tiền đầu cơ vẫn hoạt động mạnh
Trước thông tin thực hiện mua cổ phiếu quỹ, MSN đã trở thành cổ phiếu gia tăng dòng tiền mạnh nhất thị trường tuần qua. Bên cạnh đó, nhóm đầu cơ vẫn tiếp tục được nhà đầu tư tăng giải ngân.
Trong tuần giao dịch 16-20/10, thị trường đã biến động khá mạnh, VN-Index kết thúc tuần tăng 0.72% đứng tại 826.84 điểm; trong khi HNX-Index đóng cửa tuần giảm 0.89% đang dừng ở 108.14 điểm. Dù trái ngược về mặt điểm số nhưng thanh khoản trên cả hai sàn lại đồng loạt tăng trưởng. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 162.83 triệu đơn vị/phiên tăng trưởng 15% so với tuần giao dịch trước; trong khi trên sàn HNX đạt 46.86 triệu cổ phiếu/phiên, tăng trưởng 11.23%.
Xét trên nhóm cổ phiếu có giao dịch trên 100,000 đơn vị/phiên thì số mã tăng dòng tiền đều là 98 mã trong khi số mã giảm chỉ 78 mã. Nhìn chung, dòng tiền tăng trưởng nhiều ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Có 12 mã tăng trưởng dòng tiền đạt trên 100% so với tuần trước, dẫn đầu tăng trưởng trên sàn HOSE là MSN với khối lượng giao dịch bình quân tuần qua đạt hơn 2.3 triệu c/phiên, tăng 576% so với tuần trước đó. Thông tin MSN sẽ bắt đầu thực hiện mua 114.8 triệu cp quỹ kể từ ngày 16/10 đã hỗ trợ khá mạnh cho diễn biến cổ phiếu trên sàn.
Tuần qua tiếp tục là thời điểm mà thị trường đón nhận thêm hàng loạt kết quả kinh doanh quý 3, tuy nhiên có vẻ như thông tin này không được dòng tiền hồ hởi đón nhận như trong quá khứ. Chỉ có một vài trường hợp như NLG, SSI, DXG, KSB, HPG, LDG,… có kết quả kinh doanh tăng trưởng quý 3 nên dòng tiền theo đó cải thiện nhưng mức độ gia tăng không cao.
Thậm chí, nhiều mã báo tăng đột biến như SJS lãi quý 3 gấp 7 lần cùng kỳ nhưng lại dẫn đầu sàn HOSE về giảm dòng tiền. Cụ thể, khối lượng giao dịch bình quân SJS tuần qua chỉ đạt 195,000 cp/phiên, giảm 76% so với tuần trước đó. Hay như PNJ cùng có khối lượng giao dịch bình quân giảm 55% dù kết quả 9 tháng khá tích cực.
Còn như DRH, quý 3/2017, doanh thu thuần ghi nhận vỏn vẹn 2.6 tỷ đồng, nhưng nhờ có doanh thu hoạt động tài chính khả quan, hơn gấp đôi cùng kỳ với 24 tỷ đồng nên con số lợi nhuận ròng đạt được bất ngờ hơn 19 tỷ đồng, cao gấp 7.7 lần con số ở quý 3/2016. Kết quả này lại không hỗ trợ được cho DRH khi mà kết thúc tuần qua, cổ phiếu rơi mạnh gần 14% và thanh khoản sụt giảm 27%.
Khi dòng tiền không đi vào nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 3 tốt thì dường như nhóm đầu cơ được hưởng lợi đáng kể. Trên sàn HOSE, các cổ phiếu VNE, HHS, HTT, TSC, TNI, CCL, KSA, PPI, ROS, VOS, AMD… đều có dòng tiền tăng trưởng ấn tượng.
Chẳng hạn như CCL, khối lượng giao dịch bình quân tuần qua đạt trên 1.1 triệu cp/phiên, tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó nhưng giá trên sàn lại giảm gần 6%. Tuần qua, CCL cũng công bố kết quả quý 3/2017 với lãi ròng chỉ đạt 800 triệu đồng, giảm mạnh so với mức 2.6 tỷ của cùng kỳ.
Trên sàn HNX, có khá nhiều ông lớn sụt giảm về dòng tiền, chẳng hạn MBS, VCG, VGC, ACB, CEO…
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HNX
Sanh Tín