Vietstock - “Mốt” đầu tư 2017
Những ngày cuối năm 2017, nhân dịp đến London dự một hội thảo chuyên ngành, tôi hẹn hai người bạn cũ, một là dân ngân hàng đầu tư và một là dân công nghệ gặp mặt sáng sớm ở một quán cà phê nhỏ gần nhà ga Moorgate ở London.
Bong bóng ở khắp nơi
Cả ba nói đủ chuyện từ cuộc sống, rồi đầu tư tới công nghệ trong gần một tiếng đồng hồ. Câu chuyện với dân tài chính và công nghệ tất yếu đi tới chủ đề bitcoin, chủ đề của mọi nhà trong năm 2017 này. Điều thú vị là khi chúng tôi bàn về chuyện bitcoin đang bong bóng hay không, bạn làm ngân hàng đầu tư bảo rằng năm nay cái gì mà không bong bóng. Tôi hỏi, cổ phiếu công nghệ à, thấy P/E đến mấy trăm? Bạn bảo, cổ phiếu Trung Quốc nữa, rồi trái phiếu doanh nghiệp, các quỹ ETF, bong bóng bất động sản khắp nơi. Bạn làm công nghệ bổ sung thêm: còn các công ty khởi nghiệp công nghệ nữa, chẳng hiểu có mấy cái công ty mới ra làm FinTech với những thứ mà có mấy trăm công ty làm y chang cũng được góp vốn mấy chục triệu đô la.
Thị trường đầy nguồn vốn sẵn sàng đổ vào bất cứ thứ gì có vẻ có thể “tăng nóng”. Đó là kết luận của hai bạn. Đó có vẻ như là kết quả của chính sách nới lỏng tiền tệ khắp nơi trên thế giới mấy năm qua dẫn đến nguồn vốn rẻ ở khắp nơi, “chạy loạn” tìm các lĩnh vực đầu tư sẽ thành “mốt”. Tuy nhiên, ngoài tiền, một nguyên nhân không kém phần quan trọng mà bạn tôi tin, là nằm ở việc “độ liều” của nhà đầu tư đã tăng.
Giới học thuật tài chính thường dùng khái niệm “risk appetite”, dịch nôm na là mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro để nói về chuyện này. Khi thị trường rất bi quan, kinh tế vĩ mô xấu, tăng trưởng kém như giai đoạn khủng hoảng tài chính và vỡ bong bóng bất động sản, báo đài toàn tin xấu thì mọi người sẽ thận trọng, rút vào các khoản đầu tư phòng thủ và hạn chế chấp nhận rủi ro.
Sự thay đổi trong cấu trúc tuổi tác và văn hóa của các nhà đầu tư đang khiến những cổ phiếu công nghệ mới và bitcoin trở nên thời thượng. Cái tính bí hiểm và thời thượng của công nghệ luôn là một yếu tố hấp dẫn, dù đó là năm 1990 hay năm 2017. |
Ngược lại, năm nay cứ mở báo lên là thấy cái gì cũng tăng, giá chứng khoán, giá bitcoin, công ty công nghệ gọi vốn... Thế nên “độ liều” của nhà đầu tư tăng lên thì không có gì là lạ. Họ tin rằng rồi mọi thứ sẽ lên trở lại thôi, dù là có “điều chỉnh chút ít”.
Bất động sản là một trong những cái ngoại lệ khi vào những tháng cuối năm có dấu hiệu cho thấy quả bong bóng này đang có vẻ đang “xì” dần nhưng chưa nổ ở các thành phố lớn trên thế giới. Các thành phố lớn ở Anh đang thấy có dấu hiệu chững lại trong mức tăng giá nhà trong khi Toronto đã bị ít nhất hai ngân hàng đầu tư toàn cầu “chỉ mặt đặt tên”, cho rằng nhiều khả năng là nơi nổ bong bóng giá nhà. Sự thật thì giá nhà của Toronto đã giảm mạnh nhất trong vòng bảy năm qua hồi tháng 10. Nhưng nhiều công ty bất động sản vẫn dự báo giá nhà ở Toronto sẽ tăng lại trong giai đoạn 2018-2019. Điều đó cho thấy nhiều người cũng vẫn còn “máu” với bất động sản lắm và bong bóng bất động sản có thể vẫn sẽ bơm nữa bất chấp nỗ lực khắp nơi của chính phủ nhiều nước nhằm ngăn quả bong bóng này bơm thêm.
Trong khi đó, công nghệ vẫn là lĩnh vực đầu tư thu hút nhiều mối quan tâm và bitcoin là một phần trong quả bong bóng công nghệ đó. Tính “bí hiểm” nhưng lại “thời thượng” của lĩnh vực công nghệ là một điều hấp dẫn với giới đầu tư trẻ hơn, bắt đầu có tiền và không thích cách đầu tư truyền thống như cha ông mình bỏ tiền mua vàng.
Bitcoin là một canh bạc rủi ro hơn rất nhiều so với đầu tư cổ phiếu truyền thống.
|
Bitcoin: bong bóng sắp vỡ hay chỉ mới bắt đầu bơm?
Trong những ngày cuối năm 2017, thứ lặp đi lặp lại nhiều nhất khi tôi đọc tin là những câu hỏi đại loại như bong bóng bitcoin và tiền ảo khi nào vỡ. Tôi nghĩ nó cũng giống như hồi trước năm 2006 mà hỏi các chuyên gia kinh tế khi nào bong bóng cho vay bất động sản thứ cấp và các sản phẩm phái sinh dựa trên nó bị vỡ. Hồi ấy cũng đã có người cảnh báo là những thứ đó là bong bóng rồi chứ không phải không. Nhưng họ cảnh báo từ năm 2003-2007 nó mới vỡ.
Dự đoán về thời điểm vỡ bong bóng là chuyện mà tôi không biết có công cụ nào hiện tại có thể làm được tàm tạm. Mỗi năm có thể có ai đó liều mạng với tên tuổi của mình mà lên dự đoán bong bóng nào đó vỡ. Nhưng chuyện vỡ bong bóng là chuyện dòng tiền và tâm lý của nhà đầu tư cũng như những diễn biến bất định về các sự kiện tương lai.
Điều tôi có thể thấy là tâm lý đối với bitcoin hiện tại qua ngôn ngữ báo chí và mạng xã hội đã lạc quan hơn rất nhiều so với hồi cuối năm 2016. Nhiều công cụ phân tích tâm lý qua ngôn ngữ sử dụng trên báo chí và mạng xã hội cho thấy cùng kết quả như vậy (chẳng hạn công cụ Sentdex cho thấy mức độ lạc quan trong các thảo luận về bitcoin đã tăng gấp 3 lần so với hồi tháng 11-2016). Liệu tâm lý này có đổi chiều hay không là điều không ai biết được, nhưng có thể theo dõi được ra quyết định mua bán.
Tôi đồng tình với cách nhìn của nhiều người rằng bitcoin là một canh bạc rủi ro hơn rất nhiều so với đầu tư cổ phiếu truyền thống. Tuy nhiên, không phải đầu tư vàng cũng là như vậy hay sao? Và đầu tư vào một số cổ phiếu công nghệ chỉ thấy đốt tiền và dòng tiền hoạt động luôn âm thì cũng không khác là mấy. Người ta mua những thứ này vì kỳ vọng vào tăng trưởng giá, nói cách khác là hy vọng nó sẽ là “mốt” thu hút những dòng tiền chậm chân khác.
Ở một khía cạnh khác, mua bán bitcoin đối với nhiều người còn phản ánh cộng đồng mà họ tương tác. Phần lớn những người mà tôi quen sở hữu bitcoin vào giai đoạn nó chỉ có giá vài đô la Mỹ là dân làm công nghệ và chơi game online. Họ đào bitcoin vì thấy bạn bè “chơi” nên chơi theo. Và nhiều người trong số chúng tôi đã xài bitcoin vào thế giới ảo (nghe rất điên khùng vào lúc này nhưng là chuyện bình thường của cộng đồng đó lúc ấy). Vì thế mới có chuyện có kỹ sư người Anh James Howells vứt ổ cứng chứa 7.500 đồng bitcoin ra bãi rác và bây giờ đào bới để tìm.
Bây giờ thì tới người bạn đang mở nhà hàng ở Bristol cũng đi mua bitcoin mà không cần biết nó là cái gì. Cộng đồng mua bán bitcoin đã mở rộng hơn nhưng phần lớn không phải là những người của thế hệ mua vàng cất ở nhà. Sự thay đổi trong cấu trúc tuổi tác và văn hóa của các nhà đầu tư đang khiến những cổ phiếu công nghệ mới và bitcoin trở nên thời thượng. Cái tính bí hiểm và thời thượng của công nghệ luôn là một yếu tố hấp dẫn, dù đó là năm 1990 hay năm 2017.
Bitcoin, vì vậy, xét cho cùng chỉ là phần nổi của tảng băng bong bóng công nghệ. Điểm khác biệt là ở chỗ bitcoin tăng giá nhanh quá. Thật vậy, sự phổ biến của bitcoin qua thể hiện của công cụ tìm kiếm Google Trends cho thấy từ khóa này chỉ tăng phi mã trong những tháng cuối năm, trùng với giai đoạn tăng vùn vụt của giá bitcoin. Đến lúc này, không ai biết bong bóng bitcoin sắp vỡ hay chỉ mới bắt đầu bơm. Một giám đốc quỹ đầu tư bình luận cách đây không lâu: điều chúng ta nên sợ là điều gì sẽ xảy ra nếu bong bóng bitcoin không vỡ ngay? Thời điểm đổ vỡ như năm 2000 rồi sẽ đến với cổ phiếu công nghệ và bitcoin. Nhưng nếu nó không phải là năm 2018 mà là năm 2019 hay 2020 thì sao?
Vì vậy, hành xử với bitcoin nên xem nó là một canh bạc như đầu tư các loại cổ phiếu nhiều rủi ro mà thật ra không biết ban quản trị đang làm gì. Điều đó nghĩa là không nên đặt hết gia tài vào nó hay vay mượn mà mua nó. Nói như Joshua Brown, blogger tài chính nổi tiếng và là nhà tư vấn đầu tư của Ritholtz Wealth Management, khi bạn mua bitcoin thì cần xác định là bạn đầu tư một số tiền mà nếu bạn mất hết thì cũng chả sao. Đầu tư có tính toán với làm liều hy vọng giàu qua đêm khác nhau là ở chỗ đó.
Ngoài ra, cũng cần thận trọng với những chuyện lừa đảo và tội phạm liên quan đến bitcoin. Ở đâu có bong bóng ở đó sẽ có lừa đảo. Mặt khác, vì cơ sở hạ tầng cho đầu tư bitcoin là chưa hoàn thiện, rủi ro “sập sàn” hay tài khoản bị hack luôn tồn tại.
Thế nhưng, đối với các cơ quan quản lý, không nên vì những rủi ro này mà cấm bitcoin. Nói như một diễn giả ở một hội thảo của giới phân tích tài chính chuyên nghiệp (CFA) ở châu Âu, bitcoin là không định giá được và đang ở thời kỳ hoang dã như đào vàng ở Mỹ ngày xưa. Vì vậy, luật pháp mạnh tay nhiều khi sẽ chỉ phản tác dụng. Hãy để cái thị trường hoang dã ấy tự mình lớn lên chút nữa và để những nhà quản lý hiểu hơn về nó nữa đã.
Hồ Quốc Tuấn (Giảng viên Đại học Bristol, Anh)