Vietstock - Mong chờ gì khi Việt Nam được nâng hạng?
Mới đây, nhà cung cấp chỉ số FTSE Russell vừa công bố kết quả phân hạng thị trường định kỳ hàng năm, đáng chú ý nhất là thị trường chứng khoán Việt Nam đã được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi loại hai (secondary Emerging).
Đây quả là một thông tin đáng mừng đối với những nhà đầu tư trông chờ vào thông tin nâng hạng của thị trường Việt và có lẽ cũng tạo ra hiệu ứng tích cực lên tâm lý thị trường.
* FTSE: Chứng khoán Việt Nam có mặt trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi loại hai
Vậy nên kỳ vọng gì khi Việt Nam được nâng hạng?
Theo ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Phân tích thị trường CTCK BIDV (BSI), Việt Nam cần 1-2 năm cải thiện để chính thức nâng hạng tại các kỳ họp tháng 3 và tháng 9 hàng năm tùy thuộc vào khả năng cải thiện các tiêu chí của FTSE Russell.
Thị trường nâng hạng sẽ có những tác động khá mạnh đến TTCK ở một số điểm như: (1) Ảnh hưởng ngắn hạn hoạt động mua đón đầu cơ cấu danh mục của các ETF mua theo chỉ số; (2) Động lực để cơ quan quản lý tiếp tục cải cách, nâng cấp thị trường và (3) Ảnh hưởng tích cực lên tâm lý nhà đầu tư.
Tỷ trọng các quốc gia Đông Nam Á trong bộ chỉ số FTSE
Nguồn: BSI
|
Các quỹ chỉ số toàn cầu theo danh mục FTSE sẽ phân bổ một lượng tài sản tương ứng với tỷ trọng tương ứng theo từng chỉ số tham chiếu.
Tính riêng với các quỹ ETF có quy mô lớn đầu tư trên thị trường mới nổi, ông Khoa nhận thấy nhiều các quỹ đầu tư theo chỉ số MSCI và được quản lý bởi BlackRock Fund. Tuy nhiên cũng có 4 quỹ có quy mô lớn sử dụng chỉ số FTSE được quản lý bởi Vanguard, Charles Schwab và Ivesco PowerShares Capital.
Top 10 các quỹ có quy mô lớn sử dụng chỉ số FTSE và MSCI
Nguồn: BSC
|
34 quỹ ETF đầu tư theo chỉ số khu vực mới nổi có quy mô trên 100 triệu USD, trong đó có 7 quỹ đầu tư vào quốc gia riêng biệt như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Nam Phi, Ba Lan, Ả-rập Xê-út. Tổng quy mô của 27 quỹ đầu tư hỗn hợp còn lại vào các thị trường khu vực mới nổi có quy mô tài sản là 160.36 tỷ USD.
Tỷ trọng bình quân của Malaysia và Thái Lan khoảng 3% và 4% trong khi Indonexia và Philipines khoảng 2% và 1.5%. Trong trường hợp Việt Nam lọt vào danh mục thị trường mới nổi, nếu với tỷ trọng bình quân 1% thì riêng các quỹ ETF sẽ phân bổ lại tỷ trọng mua vào ở thị trường Việt Nam khoảng 1.6 tỷ USD. Nếu Việt Nam vào danh mục thị trường mới nổi sơ cấp của FTSE thì các ETF sẽ mua vào 677 triệu USD. Điều này đồng nghĩa thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút được một lượng tiền nóng từ các quỹ ETF trong khoảng thời gian trước và sau khi được chính thức xếp hạng. Hoạt động mua ròng khối ngoại chưa kể các quỹ mở, quỹ đóng có thể tham gia do các quy định hạn chế đầu tư vào thị trường cận biên.
Căn cứ vào những tiêu chí lựa chọn cổ phiếu sau khi quốc gia được nâng hạng như tỷ lệ tối thiểu có quyền biểu quyết, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng, tỷ lệ giới hạn đầu tư nước ngoài, tiêu chí thanh khoản, và tiêu chí vốn hóa đã áp dụng với Ả-rập Xê-út ở kỳ nâng hạng 9/2018.
Ông Khoa cũng đưa ra dự báo về những cổ phiếu Việt Nam có thể vào danh mục khi FTSE nâng hạng thị trường Việt Nam gồm:
Nguồn: BSC
|
Bên cạnh đó, thời gian gần đây các cơ quản lý cũng rất chú trọng vào vấn đề nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, chuyển động này sẽ là động lực to lớn tiếp tục thúc đẩy những cải cách và nâng cấp thị trường thỏa mãn các tiêu chí của các đơn vị cung cấp chỉ số quốc tế. Cải cách thị trường mạnh mẽ sẽ giúp thị trường khi được nâng hạng FTSE, cũng sẽ được nâng hạng bởi MSCI.
Thông tin Việt Nam vào danh mục theo dõi thị trường mới nổi sơ cấp của FTSE cũng là tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi các thị trường mới nổi được tham gia các chỉ số toàn cầu sẽ có sự hội nhập lớn hơn với các thị trường tài chính toàn cầu dẫn đến chia sẻ rủi ro giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này dẫn đến sự sụt giảm phí bảo hiểm rủi ro vốn chủ sở hữu và làm giảm chi phí vốn do đó tạo ra các nhà đầu tư mới và bổ sung dẫn đến khối lượng giao dịch gia tăng. Giá cổ phiếu cũng tăng lên như là kết quả của việc thu hút nhiều nhà đầu tư hơn và tính minh bạch cũng nâng cao. Trong thực tế điều này cũng đã từng xảy ra ở nhiều quốc gia khi được các tổ chức nâng hạng.
Ông Khoa cho rằng trường hợp Việt Nam được đưa vào danh mục theo dõi trong kỳ này sẽ có ảnh hưởng và là bước ngoặt quan trọng với thị trường chứng khoán. Chỉ số thị trường được nâng hạng là kết quả của loạt cải cách dẫn đến việc thiết lập hệ thống thị trường đáng tin cậy, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và sau đó thu hút vốn nước ngoài. Quy mô thị trường Việt Nam thời gian gần đây đã tăng rất mạnh và cần lực lượng nhà đầu tư có quy mô lớn tương ứng, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường.
Tuấn Kiệt