Kỳ 2: Mô hình H-Score và Z-Score
Vietstock - Mô hình định lượng – Đánh giá rủi ro và khả năng hoạt động liên tục
Rủi ro luôn là nỗi ám ảnh của giới đầu tư. Tuy nhiên, nhờ vào sự phát triển của H-Score và Z-Score thì điều này đã được hạn chế phần nào.
* Kỳ 1: Những mô hình đo lường khả năng tồn tại quản trị lợi nhuận
* Phân tích và chiến lược đầu tư TDH
Nhu cầu đánh giá rủi ro là rất lớn
Khi doanh nghiệp bị rơi vào tình trạng căng thẳng tài chính (financial distress) thì sẽ là mối nguy đối với các ngân hàng cho vay cũng như những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp đó.
Việc phát hiện doanh nghiệp bị căng thẳng tài chính và có thể mất khả năng hoạt động liên tục trong tương lai luôn là đề tài được giới đầu tư chứng khoán nói riêng và giới tài chính nói chung quan tâm.
Các giáo sư, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kế toán, tài chính… đều có đề xuất những mô hình định lượng để đánh giá rủi ro của doanh nghiệp. Hãy cùng điểm qua những mô hình đáng chú ý nhất.
Nguồn: Global Economic Intersection
Việc áp dụng các mô hình định lượng này vào thực tiễn Việt Nam còn một khoảng cách khá lớn do sự khác biệt về chuẩn mực kế toán cũng như tính đặc thù của các doanh nghiệp bản địa. Độ chính xác hiện cũng chưa thực sự cao như mong muốn.
Tuy nhiên, ít nhất thì nhà đầu tư cũng có một công cụ có độ tin cậy nhất định để giúp gạn lọc bớt những doanh nghiệp “nguy hiểm” và chọn ra được các mục tiêu hợp lý.
Mô hình Altman Z-Score
Giáo sư Edward Altman giảng dạy tại Đại học New York (NYU) trong suốt nhiều năm. Ông cũng đồng thời là Giám đốc Nghiên cứu của NYU Salomon Center.
Ông công bố Mô hình Z-Score lần đầu vào năm 1968 trên tạp chí Journal of Finance.
Giáo sư Edward Altman. Nguồn: New York University
Mô hình này lúc đầu được Giáo sư Altman xây dựng dựa trên các phương pháp phân tích thống kê trên các công ty sản xuất. Vì vậy, Z-Score ban đầu chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất chứ không áp dụng cho các loại hình khác.
Về sau, Giáo sư Altman phát triển thêm các mô hình như Z’ và Z’’ cho các doanh nghiệp phi sản xuất, doanh nghiệp chưa cổ phần hóa …
Z Score được tính toán dựa trên 5 chỉ số tài chính kết hợp với trọng số và được sử dụng để đánh giá rủi ro doanh nghiệp. Các chỉ tiêu sử dụng trong công thức tính toán đều dễ dàng thu thập được trên báo cáo tài chính.
Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng thực tế, mô hình Z-Score cũng có điểm yếu.
Giả sử doanh nghiệp vừa có mảng sản xuất và mảng phi sản xuất. Mảng sản xuất đóng góp 60% doanh thu và mảng phi sản xuất đóng góp 40% doanh thu. Các hệ thống phân ngành thường tính theo phần trăm doanh thu nên doanh nghiệp X sẽ thuộc nhóm sản xuất (Manufacturing and Production).
Vậy trong trường hợp này sẽ có một vấn đề khá nan giải xuất hiện là nên áp dụng Z hay Z’’? Thậm chí áp dụng cái nào cũng không chuẩn vì đều không cho ra một đáp án hợp lý hoàn toàn. Những công ty hoạt động đa ngành nghề như vậy xuất hiện rất nhiều ở thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng và thị trường châu Á nói chung. Đây cũng là một trong những đặc điểm mang tính chất địa phương gây cản trở việc áp dụng mô hình Z-Score vào thực tiễn.
Mô hình Fulmer H-Score
Giáo sư John G. Fulmer giảng dạy tại Đại học Tennessee. Ông phát triển và hoàn thiện Mô hình H-Score năm 1984 để test báo cáo tài chính của các công ty niêm yết.
Chỉ số H-Score được áp dụng khá hiệu quả ở phương Tây cũng như các quốc gia châu Á (Ấn Độ, Thái Lan…) trong việc đánh giá độ an toàn của doanh nghiệp. Fulmer cũng không chia mô hình của mình ra theo từng nhóm ngành, nhóm công ty khác nhau như Altman.
Doanh nghiệp được coi là an toàn nếu H-Score > 0.
H-Score = 5.528 V1 + 0.212 V2 + 0.073 V3 + 1.270 V4 – 0.120 V5 + 2.335 V6 + 0.575 V7 + 1.083 V8 + 0.894 V9 – 6.075
V1 = Lợi nhuận chưa phân phối / Tổng tài sản
V2 = Doanh thu / Tổng tài sản
V3 = Lợi nhuận trước thuế và lãi vay / Vốn chủ sở hữu
V4 = Lưu chuyển tiền thuần / Tổng nợ phải trả
V5 = Nợ phải trả / Tổng tài sản
V6 = Nợ phải trả ngắn hạn / Tổng tài sản
V7 = Logarit Tổng tài sản
V8 = Vốn lưu động / Tổng nợ phải trả
V9 = Logarit Lợi nhuận trước thuế và lãi vay / Lãi vay
Nếu chỉ số H-Score của doanh nghiệp xuống dưới ngưỡng 0 thì doanh nghiệp hầu như không còn khả năng hoạt động liên tục.
Đón đọc:
Kỳ 3: Các mô hình định lượng đoạt Nobel Kinh tế
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock