Xu hướng bán ròng của khối ngoại tại thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá chưa là gì so với các thị trường Thái Lan, Phillippines hay Indonesia. Theo quan sát, lực bán của khối ngoại gây sức ép lên thị trường chung, khiến chỉ số khó tăng mặc dù bối cảnh vĩ mô tốt dần và chứng khoán thế giới vượt đỉnh.
Bắt đầu từ tháng 4, nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ra và lũy kế 9 tháng bán ròng 27.127 tỷ đồng, tính cả năm 2023, nhóm này bán ra 21.208 tỷ đồng trên HOSE. Nếu tiếp tục xu hướng như hiện tại, số tiền bắt đáy vào tháng 11/2023 và tháng 12/2023 sẽ dần bị thoát sạch.
>> Khối ngoại làm nhà đầu tư trong nước 'cụt hứng'
Theo dữ liệu của Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, trong khu vực, không chỉ thị trường Việt Nam, các thị trường khác như Indonesia, Malaysia hay Thái Lan cũng đang ghi nhận những đà rút ròng với khối lượng lớn của nhóm nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua.
Nguồn: FIDT |
Dòng tiền được luân chuyển sang các thị trường ở Đông Á, lớn nhất là Nhật được mua ròng 34,8 tỷ USD từ đầu năm, Hàn Quốc (+7,3 tỷ USD), Đài Loan (+1,3 tỷ USD). Ngoài ra quốc gia Nam Á là Ấn Độ cũng đón dòng vốn lớn lên tới 16,5 tỷ USD từ đầu năm.
"Có thể thấy đây là động thái có tính tương đồng tại các quốc gia Đông Nam Á trong giai đoạn cuối năm 2023 này", chuyên gia FIDT nhận định.
Ông Bùi Nguyên Khoa - Trưởng nhóm phân tích thị trường Chứng khoán BSC cho biết, không riêng gì Việt Nam, hầu hết các nước đang phát triển ghi nhận rút ròng như vậy. Theo đó, dòng tiền luôn vận động để tìm khu vực có hiệu suất cao hơn, an toàn hơn. Ngoài ra, còn do một số quỹ cũng tái cơ cấu danh mục. Vị này cũng cho rằng triển vọng kinh tế vĩ mô dần phục hồi và tốt lên.
>> Gom mạnh từ vùng đáy, khối ngoại bán giá nào cũng có lãi