Vietstock - Metro Bến Thành - Suối Tiên đội vốn 30.000 tỉ, vì sao?
Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được phê duyệt với dự toán ban đầu là 17.000 tỉ đồng, nhưng sau đó TP.HCM đề nghị tăng thêm 30.000 tỉ đồng.
“Con số tăng thêm này này khiến ai cũng bất ngờ”- đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nói tại cuộc họp chiều nay 17-10 của đoàn ĐBQH TP với các cơ quan ban ngành liên quan.
Trước đó, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12-10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết vấn đề rất lớn đang tồn tại khiến dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên bị đình trệ mà chưa được quan tâm tháo gỡ, đó là việc đề nghị tăng số vốn đầu tư quá lớn. Cụ thể, dự án được phê duyệt với dự toán ban đầu là 17.000 tỉ đồng, nhưng sau đó TP đề nghị tăng thêm 30.000 tỉ đồng. Cho đến thời điểm này, dự án vẫn chưa thực hiện phê duyệt tổng mức đầu tư vì số vốn cần cấp phát thêm chưa có được sự thoả thuận thống nhất giữa Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và TP.HCM về tỷ lệ vốn cấp phát từ trung ương.
Tại cuộc họp chiều 17-10, giải trình vì sao số vốn tăng thêm, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, cho biết dự án metro 1 có tổng vốn đầu tư 2,49 tỉ USD (hơn 47.000 tỉ đồng) được khởi công tháng 8-2012 với chiều dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Dĩ An (Bình Dương).
Năm 2006, Thủ tướng đã thông qua báo cáo đầu tư xây dựng dự án do Cục Đường sắt Việt Nam thuộc Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Đơn vị được giao lập dự án đầu tư là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (Tedi-South).
“Thời điểm này, Việt Nam chưa làm tuyến metro nào, đơn vị tư vấn lập dự án cũng chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Tổng mức đầu tư dự án được lập là 17.000 tỉ đồng. Sau khi tổng mức đầu tư 17.000 tỉ đồng được duyệt, chúng ta đã ký hiệp định vay số 1 với phía Nhật Bản vào năm 2007 với số tiền là 4.000 tỉ đồng”- ông Quang nói và cho biết cuối năm 2006, dự án được giao về cho TP.HCM.
Từ tháng 1-2008, đơn vị tư vấn trúng thầu là liên danh NJPT (gồm các công ty tư vấn Nhật Bản, đứng đầu là Công ty Nippon Koei) đã nghiên cứu và khẳng định các thiết kế ban đầu như nhà ga, số lượng các đoàn tàu, an toàn... là chưa phù hợp. Sau đó, NJPT thiết kế lại và đề xuất tổng mức đầu tư là 47.000 tỉ đồng.
Để đảm bảo thận trọng, TP đã mời các Công ty của Singapore (Công ty Singapore Mass Rapid Transit và Công ty CPG) thẩm tra độc lập và kết luận tổng mức đầu tư là phù hợp. Sau đó, Cơ quan Hợp tác Nhật Bản (JICA) cam kết sẽ xem xét việc tăng vốn ODA cho dự án.
Đến năm 2010, TP đã có báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng đã cho lấy ý kiến các bộ GTVT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư và các bộ khác cũng đồng thuận vấn đề này.
Trên cơ sở đó, tháng 8-2011, Thủ tướng có công văn đồng ý để UBND TP phê duyệt điều chỉnh dự án và triển khai các bước tiếp theo.
Đến tháng 9-2011, UBND TP đã ra quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư dự án này, con số là 47.000 tỉ đồng. “Khi được duyệt, chúng ta đi vay tiếp bằng 2 hiệp định vay. Tổng vay đến giờ đã là 31.000 tỉ đồng. Chúng ta được duyệt mới đi vay. Nếu nói dự án điều chỉnh vốn quá lớn, chưa được phê duyệt là không chính xác”- ông Quang nói.
Ông Quang cho biết thêm theo Nghị quyết 49, dự án có vốn từ 35.000 tỉ đồng phải trình Quốc hội. Do đó, tháng 5-2011, TP đã có một văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị báo cáo Quốc hội về công tác điều chỉnh vốn với dự án.
“Hàng năm UBND TP đều có báo cáo với Bộ GTVT và Bộ GTVT thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về dự án. Chúng tôi xin khẳng định rằng đây là dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng giao thông, hết sức quan trọng với sự phát triển của TP. TP đã nhiều lần báo cáo, kiến nghị chứ không phải thiếu trách nhiệm”- ông Quang nói.
Từ đó, ông Quang kiến nghị đoàn ĐBQH TP.HCM đề nghị Thủ tướng trình Quốc hội xem xét, quyết định về tổng mức đầu tư của dự án tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc cho rằng nếu chúng ta muốn Quốc hội có nghị quyết riêng phân bổ nguồn vốn trung hạn cho dự án metro số 1 thì Đoàn ĐHQH cần có kiến nghị tập thể bằng văn bản chứ không phải từng đại biểu kiến nghị riêng lẻ.
Tá Lâm