Vietstock - Vietstock Daily 18/01/2022: Vùng điểm hỗ trợ tiếp theo ở đâu?
VN-Index có phiên giảm mạnh hơn 40 điểm, toàn bộ các nhóm ngành đều đồng loạt đỏ lửa. Mẫu hình nến Black Closing Marubozu xuất hiện trong phiên 17/01/2021 và số mã giảm áp đảo số mã tăng chứng tỏ bên bán đang chiếm được ưu thế lớn. Nếu xu hướng giảm tiếp tục kéo dài sang những phiên tiếp theo, ngưỡng hỗ trợ sắp tới sẽ là vùng 1,400-1,420 điểm (đỉnh cũ tháng 07/2021).
I. PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN CƠ SỞ NGÀY 17/01/2022
- Các chỉ số thị trường cùng giảm mạnh trong phiên ngày 17/01/2022. Cụ thể, chỉ số VN-Index giảm 2.89%, xuống còn 1,452.84 điểm, HNX-Index sụt mạnh ở mức 4.61%, dừng chân ở mức 445.34 điểm.
- Khối lượng khớp lệnh trên HOSE đạt hơn 926 triệu đơn vị, tăng 26.21% so với phiên giao dịch trước. Khối lượng khớp lệnh trên HNX tăng 51.6%, đạt hơn 130 triệu đơn vị.
- Khối ngoại mua ròng trên sàn HOSE với giá trị hơn 201 tỷ đồng, bán ròng trên sàn HNX với giá trị gần 42 tỷ đồng.
- VN-Index trong phiên sáng có diễn biến đi ngang và ít biến động, đúng như kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư ở giai đoạn gần bước vào đợt nghỉ Tết Nguyên đán 2022. Chỉ số dành phần lớn thời gian giao dịch quanh mức tham chiếu để rồi kết thúc phiên sáng với mức giảm nhẹ chỉ 3.44 điểm. Tuy nhiên, khi sang phiên giao dịch chiều, VN-Index đã bất ngờ cắm đầu giảm mạnh. Nhiều nhóm ngành từ xanh chuyển sang đỏ chỉ trong một thời gian ngắn. Đặc biệt là các cổ phiếu ngành ngân hàng. Dù những cổ phiếu lớn như BID (HM:BID) hay CTG (HM:CTG) có những thời điểm tăng mạnh, nhưng khi về cuối phiên dưới áp lực bán mạnh, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều đồng loạt giảm giá. Khi các cổ phiếu vốn hóa lớn không thể đóng vai trò làm trụ đỡ, VN-Index đã đánh mất 43.18 điểm, kết phiên về lại mức 1,452.84 điểm.
- Chỉ số VN30 không những không thể gồng gánh thị trường chung mà còn có mức giảm mạnh hơn (giảm 2.95%). Ngoài trường hợp tăng giá đặc biệt của VCB (HM:VCB) (+3.4%), có tới 29 mã cổ phiếu còn lại đều đồng loạt giảm giá. Đáng chú ý, có tới 5 cổ phiếu giảm kịch sàn bao gồm: SSI (HM:SSI), VRE (HM:VRE), GVR (HM:GVR), KDH (HM:KDH) và POW (HM:POW). Ngoài những cái tên tiêu biểu trên, các mã khác như STB (HM:STB), PDR (HM:PDR), HDB (HM:HDB) hay VPB (HM:VPB) cũng có mức giảm mạnh, đều giảm trên mức 5%.
- Về mức độ ảnh hưởng, VHM (HM:VHM), GVR, VPB, VIC (HM:VIC) và HPG (HM:HPG) là những mã có tác động tiêu cực nhất đến chỉ số VN-Index, khi kéo thị trường giảm đi tổng cộng hơn 11 điểm. Sự tích cực ít ỏi mà VCB đem lại không thấm vào đâu so với 11 điểm giảm trên.
- Khi thị trường giảm sâu, nhóm chứng khoán cũng có những phản ứng tương tự và đây cũng là nhóm có mức giảm mạnh nhất trong phiên ngày 17/01/2022. Toàn bộ 25 mã cổ phiếu chứng khoán kết phiên dưới mức tham chiếu, đặc biệt có tới 20 mã giảm hết biên độ.
- Ngành xây dựng theo ở ngay sau, với mức giảm trung bình của ngành hơn 6%. Cổ phiếu THD giảm 8.16% giá trị, REE (HM:REE) giảm 3.61%, CTD (HM:CTD) giảm 5.61%, PC1 (HM:PC1) giảm gần hết biên độ,… Có tới 69/96 mã cổ phiếu xây dựng kết phiên trong sắc đỏ. Nhiều cổ phiếu xây dựng giảm kịch sàn, những trường hợp có thể kể đến như VCG (HM:VCG), CII (HM:CII), HBC (HM:HBC), BCG, TCD,…
- VN-Index có phiên giảm mạnh hơn 40 điểm, toàn bộ các nhóm ngành đều đồng loạt đỏ lửa. Mẫu hình nến Black Closing Marubozu xuất hiện trong phiên 17/01/2021 và số mã giảm áp đảo số mã tăng chứng tỏ bên bán đang chiếm được ưu thế lớn. Nếu xu hướng giảm tiếp tục kéo dài sang những phiên tiếp theo, ngưỡng hỗ trợ sắp tới sẽ là vùng 1,400-1,420 điểm (đỉnh cũ tháng 07/2021).
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Phân tích Xu hướng và Dao động giá
VN-Index - Sẽ về vùng 1,400-1,420 điểm
Trong phiên giao dịch ngày 17/01/2022, VN-Index sụt giảm mạnh với mẫu hình nến Black Closing Marubozu và số mã giảm áp đảo số mã tăng chứng tỏ bên bán đang chiếm được ưu thế lớn. Chỉ số cũng đã rơi xuống dưới vùng hỗ trợ 1,470-1,480 điểm (tương đương SMA 50 ngày và trendline tăng dài hạn).
Chỉ báo Stochastic Oscillator tiếp tục rơi sau khi phá vỡ mức 80 ở những ngày trước đó. Chỉ báo MACD cũng cắt xuống dưới đường tín hiệu (signal line) và nhiều khả năng hướng về mức 0. Nếu chỉ báo rơi xuống dưới mức này thì tình hình sẽ khá bi quan.
Hỗ trợ tiếp theo của chỉ số sẽ là vùng 1,400-1,420 điểm (đỉnh cũ tháng 07/2021). VN-Index đã có một lần test thành công mức này vào đầu tháng 12/2021. Cùng với đó là sự xuất hiện của đường SMA 100 ngày tại hỗ trợ này nên độ tin cậy là khá cao.
HNX-Index - Tình hình không quá lạc quan
Sau phiên phục hồi khi về test đường SMA 50 ngày, HNX-Index đã phá thủng hỗ trợ này với mẫu hình nến Black Closing Marubozu. Hỗ trợ gần nhất của chỉ số sẽ là vùng đáy cũ tháng 12/2021 (tương đương vùng 430-440 điểm). Nếu hỗ trợ này bị phá vỡ thì đà lao dốc sẽ có thể tiếp diễn trong những ngày tới.
Chỉ báo MACD và chỉ báo Stochastic Oscillator đều đang xuất hiện trạng thái tiêu cực, qua đó cho thấy áp lực điều chỉnh vẫn khá cao. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch tăng cao vượt mức trung bình chứng tỏ nhà đầu tư vẫn giao dịch khá sôi động.
Phân tích Dòng tiền
Biến động của dòng tiền thông minh: Chỉ báo Negative Volume Index của VN-Index đang nằm trên đường EMA 20 ngày. Nếu trạng thái này tiếp tục duy trì trong những phiên tới thì rủi ro sụt giảm bất ngờ (thrust down) sẽ được giảm thiểu.
Biến động của dòng tiền từ khối ngoại: Khối ngoại mua ròng trong phiên giao dịch ngày 17/01/2022. Nếu nhà đầu tư nước ngoài duy trì hành động này trong những phiên tới thì khả năng thị trường lao dốc sẽ được hạn chế.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 17/01/2022
Bộ phận Phân tích Kinh tế & Chiến lược Thị trường, Phòng Tư vấn Vietstock