Vietstock - Mất việc nhưng vẫn tạo dựng được công ty 20 triệu USD
Khi một con sóng lớn, cao từ 6 – 7 mét, ập xuống bạn, nó rơi với sức nặng của một ngôi nhà đang sập bất chợt. Chọn lựa duy nhất của bạn là lặn xuống để giảm bớt sức nặng đó, và sau đó tìm cách ngoi lên nhờ trọng lượng của nước.
Rồi khi bạn đang hít thở, một con sóng khác, cũng lớn không kém, lại ập đến như muốn nhấn chìm bạn.
Điều đó đã xảy ra với Joe Alexander, người từng là một vận động viên lướt sóng. Con sóng đầu tiên đã làm đứt sợi dây cột tấm ván lướt với ông. Nếu một người lướt sóng khác không tình cờ bơi ngang qua và cứu ông khi con sóng thứ tư sắp sửa ập tới thì có thể ông đã chết.
“Tôi học được nhiều từ đại dương. Giờ đây khi có chuyện gì đó xảy ra với mình, tôi lại nhớ tới lần đó và nói ‘Đã hết chưa? Điều tồi tệ nhất sắp xảy ra là gì?’”
Joe Alexander, nhà sáng lập công ty Nest Bedding
|
6 năm sau, khi đang ở California thì ông mất việc tại cửa hiệu bán nệm. Thế là ông dùng số tiền 50,000 USD nhận được để lập công ty riêng, lấy tên là Nest Bedding. Tài khoản ngân hàng của ông giảm xuống chỉ còn 1,500 USD khi ông mua sắm những thứ cần thiết cho công ty.
Ý nghĩ về sự thất bại của công ty không hề làm ông nao núng. “Mình phải nỗ lực hết sức”, ông tự nhủ và tiếp tục cố gắng.
Thật vậy, chỉ trong vòng vài tháng, Nest Bedding đã bắt đầu có lợi nhuận, ông cho biết. Với 12 phòng trưng bày hàng trên khắp nước Mỹ, Công ty đã đạt doanh thu 20 triệu USD trong năm 2017 và có tới 27 nhân viên. Ở thời điểm hiện tại, Alexander đang bàn bạc với nhà đầu tư về vòng huy động vốn đầu tiên, có lẽ sẽ thu về được từ 2 đến 5 triệu USD, nhưng ông cho biết cũng sẵn sàng hợp tác chiến lược với một công ty lớn hơn, dù điều đó nghĩa là giao luôn cả quyền kiểm soát cho họ.
“Chuyện kiểm soát không quan trọng. Công ty này xứng đáng được tăng trưởng, và các nhân viên cũng xứng đáng được hưởng điều đó”, ông chia sẻ.
Alexander đã tận dụng kinh nghiệm bán nệm của mình khi ngành kinh doanh nệm đang trong quá trình thay đổi. Ông cho biết, vào những năm 2006, 2007, một công ty có tên là Bed in a Box đã biết cách đóng gói và vận chuyển nệm trực tiếp đến khách hàng. Điều đó đã mở ra cơ hội cho những công ty chỉ bán hàng trên mạng, như Casper và Tuft & Needle. Tất cả họ đều đã được hưởng lợi từ cuộc cách mạng về mạng xã hội, điều này cũng giúp cho việc xây dựng lòng tin với người tiêu dùng ít tốn kém hơn.
Nest Bedding hiện có khoảng 120,000 người theo dõi trên Twitter và sở hữu một lượng “fan” tương tự trên Facebook, ông Alexander cho biết. Trên Facebook, công ty ông hiện có một “ứng dụng nghỉ trưa”, và liên tục sử dụng tính hài hước để thu hút khách hàng, chẳng hạn như một video quay cảnh giao hàng nhân viên trong chiếc hộp, thay vì là một tấm nệm. Theo ông, quảng cáo trên Google là một chọn lựa quá đắt.
Một phần trong lý do khiến ông muốn có một nhà đầu tư là để giúp cho việc marketing của công ty được nâng lên một tầm cao mới.
Hóa ra là chỉ marketing trực tuyến thôi là không đủ để thực hiện kinh doanh nệm, và thậm chí những công ty tiên phong như Casper cũng đang mở các cửa hiệu. “Đa số mọi người đều muốn được nằm lên nó trước khi mua”, ông nói.
Ngay từ đầu, ông Alexander đã muốn mang lại cho khách hàng nhiều loại nệm khác nhau. Theo ông, không có cách nào để biết trước được là mọi người muốn gì ở một tấm nệm, và họ muốn có nhiều chọn lựa, từ mềm tới cứng, từ bọt biển cho tới cao su thiên nhiên. Giá một tấm nệm Queen tại Nest Bedding thường là 999 USD.
Trước khi làn sóng trực tuyến giúp làm giảm chi phí phân phối, những tấm nệm ông từng bán là khoảng 3,000 USD. Ông cho biết, trong năm 2018, Công ty sẽ tung ra một dòng sản phẩm trong phòng ngủ bằng gỗ cứng, có thể được vận chuyển thẳng tới khách hàng và ráp lại chỉ trong vòng 5 phút.Dĩ nhiên, dòng sản phẩm mới có thể thất bại. Nhưng điều đó thật sự có ý nghĩa gì?
“Vì thế, nhiều người sợ thất bại. Nhưng có gì quan trọng đâu? Hãy áp dụng bài học đó cho điều tiếp theo. Bạn có thể dễ dàng bị đánh bại hoặc là bắt được một tấm ván lướt và bơi cùng với nó”, ông nói.
Nhã Thanh (Theo Forbes)
FiLi