Vietstock - “Mặt trận” tự doanh sẽ gọi tên công ty nào?
Thị trường chứng khoán tăng trở lại vào đầu năm giúp cho các công ty chứng khoán (CTCK) “dễ thở” hơn. Đặc biệt, các công ty có danh mục tự doanh lớn sẽ dễ trở thành hàng hot.
"Nước lên thuyền lên"
Thị trường chứng khoán giao dịch sôi động đã giúp cho doanh thu môi giới của hầu hết các CTCK tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2018. Đặc biệt, các CTCK thuộc nhóm dẫn đầu như SSI, VCI, HCM, VND đều tăng trên 45%.
Tuy nhiên, đây chỉ là một phần trong bức tranh kết quả kinh doanh của nhóm này. Một thành phần quan trọng khác cần phải được nhắc đến là mảng tự doanh.
Doanh thu môi giới của các CTCK thuộc Top 10 năm 2018. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
“Mặt trận” tự doanh ngày càng nóng
Tầm quan trọng của hoạt động tự doanh. Các CTCK liên tục có những ưu đãi hấp dẫn để thu hút khách hàng của đối thủ khiến cho hoạt động môi giới cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Trong bối cảnh đó, khả năng tạo ra đột biến kết quả kinh doanh khó xảy ra nếu CTCK chỉ tập trung vào mảng này. Khi đó, đẩy mạnh tự doanh trở thành một trong những giải pháp được nhiều CTCK sử dụng.
Thậm chí, đối với một số CTCK có doanh thu môi giới nằm ngoài Top 5 như SHS (HN:SHS), VCBS, BSI, CTS, VIX… thì mảng tự doanh còn là động lực chính giúp kết quả kinh doanh trở nên hấp dẫn hơn. Điển hình như mảng tự doanh của SHS chiếm tỷ trọng đến 82% trong tổng lợi nhuận kế toán trước thuế.
Các CTCK có hoạt động tự doanh hiệu quả nhất trong năm 2018. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
Tuy nhiên, không phải CTCK nào cũng thu được quả ngọt từ hoạt động này. Ngay cả một số ông lớn có “số má” nằm Top 10 doanh thu môi giới như VND, ACBS, BVS hoặc có vốn đầu tư nước ngoài như KIS cũng bị thua lỗ trong năm qua.
Các CTCK có hoạt động tự doanh kém nhất trong năm 2018. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
CTCK nào đang hưởng lợi từ đà tăng của thị trường? Không phải cứ có danh mục FVTPL “khủng” là CTCK có thể kiếm được nhiều tiền khi thị trường chung đi lên. Nhà đầu tư cần loại trừ đi trái phiếu (TP) và các công cụ thị trường tiền tệ (CCTTTT) vì có một số CTCK như NACS, VCBS, VPBS, VIX có tỷ trọng các các khoản mục này rất lớn trong FVTPL. Mặt khác, cũng cần đi sâu vào chi tiết danh mục trong báo cáo tài chính (nếu CTCK có công bố) để có cái nhìn rõ hơn.
VPBS hiện đang có giá trị FVTPL lớn nhất và lên đến 3,728.75 tỷ đồng. Tuy nhiên, trái phiếu và các công cụ thị trường tiền tệ chiếm tỷ trọng đến 98.85% nên biến động thị trường chứng khoán dự kiến sẽ không có nhiều tác động. NACS cũng nằm trong trường hợp tương tự.
Danh mục đầu tư của SSI chỉ có GEX và HPG là có nhiều sự tích cực trong giai đoạn đầu năm. Các cổ phiếu còn lại chủ yếu tăng giảm xen kẽ. Xét chung thì mảng này của SSI có “ấm” lên một chút.
SHS có “của để dành” bao gồm các mã SHB (HN:SHB), KTL, SKH, BSI, HDG, VGC, HPG, HPX… Mặc dù VGC, HPG có sự tăng trưởng tốt nhưng HPX giảm mạnh trở lại nên tốt xấu bù trừ nhau nên dự kiến không có ảnh hưởng lớn.
Danh mục của BSI có sự hồi phục của HT1, POW, VGT… Do công ty đầu tư không tập trung vào một vài mã chủ chốt mà có tính dàn trải cao (mỗi mã đầu tư khoảng 15-30 tỷ) nên dự kiến sẽ nhận được kết quả tốt từ sự hồi phục của thị trường chung. VCBS cũng tương tự như vậy với danh mục cổ phiếu và chứng chỉ quỹ khoảng 320.75 tỷ.
Nổi bật nhất trong nhóm đầu tư danh mục rộng và dàn trải là HCM. Danh mục của CTCK này gần như có mặt toàn bộ hàng hot của thị trường trong giai đoạn đầu năm như VIC, VNM, MSN, VRE… Đây sẽ là CTCK hưởng lợi nhiều nhất từ đà tăng của thị trường.
Đáng chú ý nhất trong nhóm đầu tư tập trung là FTS. Danh mục của FTS chỉ có mã MSH là đáng kể (chiếm đến 98.85% danh mục) nhưng mã này lại có triển vọng lớn. Thứ nhất là giá gốc mua cổ phiếu này khá rẻ (chỉ khoảng 13.45 tỷ) nhưng giá trị thị trường tại 31/12/2018 đã lên đến 265.68 tỷ. Thứ hai là từ thời điểm cuối năm 2018 đến nay thì mã MSH lại có cú tăng “bốc đầu” hơn 25%. Hai yếu tố này sẽ càng làm cho lợi nhuận tiềm năng mảng tự doanh FTS thêm lớn hơn.
Trường hợp của FTS cũng chứng minh một điểm thú vị của lĩnh vực tự doanh. Đó là CTCK có thể “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”. Một CTCK với số vốn đầu tư vừa phải vẫn có thể tạo ra những khoản lợi nhuận lớn hơn các CTCK thuộc top đầu.
Bảng phân tích danh mục tự doanh của một số CTCK. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
Thế Phong