Vietstock - M&A tại Việt Nam: Cần nhiều hơn nữa!
M&A thực tế không còn mới mẻ trên thương trường Việt Nam, song khi hạ hồi phân giải thì vẫn còn đó những băn khoăn đối với cả chính quyền lẫn doanh nghiệp.
Tại Diễn đàn M&A 2017 với chủ đề “Tìm bước đột phá” diễn ra ngày 10/08, vấn đề được bàn luận sôi nổi nhất vẫn là những tồn đọng tại thị trường Việt Nam khiến cho công cuộc M&A chưa thực sự lột xác. Điển hình như hành lang pháp lý còn lủng củng, giá trị nội tại doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều bất cập chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư,… và quan trọng hơn hết là thị trường chứng khoán vẫn còn trong giai đoạn cận biên, khiến độ thanh khoản dòng vốn còn nhiều hạn chế.
Diễn đàn M&A 2017 với chủ đề “Tìm bước đột phá” diễn ra ngày 10/08.
|
Trước vấn đề này, ông Lê Nhị Năng, Phó giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TpHCM đã đưa ra hai giải pháp cơ bản:
- Thứ nhất là liên quan đến khung pháp lý, Việt Nam phải mở rộng hơn nữa hành lang pháp lý để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, không chỉ dừng lại tại Nghị quyết 60 là mở room ngoại lên 100%, mà cần nhiều hơn nữa.
- Vấn đề thứ hai cũng là mục tiêu của Việt Nam trong giai đoạn kế tiếp: Nâng hạn thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi. Theo ông Năng, kinh nghiệm từ nhiều nước khác cho thấy khi thị trường được nâng hạn thì dòng vốn nước ngoài theo đó sẽ được cải thiện đáng kể, ví dụ thị trường Indonesia sau khi nâng hạn đã thu hút hơn 4.2 tỷ USD, hay thị trường Dubai cũng đã đạt được mức tăng chỉ số đến 200%.
Như vậy, thách thức tiếp theo cho thị trường chứng khoán Việt Nam trước tiên là phải minh bạch thông tin, khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia chuẩn hóa kiểm toán theo quy định quốc tế cũng như tăng cường công bố thông tin tài chính bằng tiếng anh.
Doanh nghiệp gặp khó về nới room: Bởi tại chữ "tham lam"?
Liên quan đến vấn đề nới room, bên cạnh những bất cập vĩ mô, thì khía cạnh vi mô trên từng doanh nghiệp cũng gây không ít rắc rối cho nhiều đơn vị đến thời điểm hiện tại. Điển hình có trường hợp của Nhựa Bình Minh (BMP), chỉ vì một lĩnh vực kinh doanh phụ (chiếm tỷ trọng đóng góp doanh thu không đáng kể) đã khiến đơn vị này phải lận đận trong công cuộc nới room một thời gian dài.
Ông Năng thống kê cho thấy trong năm 2017 Việt Nam chỉ có 19/700 doanh nghiệp mở room 100%, 1 công ty mở room 70% trong khi cá biệt có nhiều doanh nghiệp lại xin hạ room.
Nguyên nhân cho vấn đề trên chủ yếu xuất phát từ tính “tham lam” của doanh nghiệp Việt Nam ngày đầu thành lập, cứ xin càng nhiều lĩnh vực kinh doanh càng tốt, mặc dù xin xong để đó chứ không “xài”. Vô tình những lĩnh vực kinh doanh trên lại thuộc nhóm ngành kinh doanh có điều kiện, theo luật thì sẽ bị hạn chế trong việc thu hút dòng vốn nước ngoài và nhiều vấn đề khác nữa.
Hậu quả là, đến khi doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng đầu tư, thu hút vốn nước ngoài thì lại phải chạy tới chạy lui vì dính phải lĩnh vực kinh doanh có điều kiện trên, mặc dù trên thực tế lĩnh vực này không mang lại một đồng doanh thu nào cho công ty.
Nhà đầu tư nước ngoài nói gì?
Thực tế thì M&A không còn quá mới mẻ đối với thị trường Việt Nam và nhiều năm qua nước ta cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Song, vấn đề ở đây là đa số dòng vốn đầu tư vào Việt Nam hiện nay chủ yếu đến từ khu vực châu Á như Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông,... Con số này tại khu vực Bắc Mỹ còn rất hạn chế, câu hỏi đặt ra là Việt Nam cần phải làm những gì để thu hút hơn nữa dòng vốn từ những quốc gia ngoài châu Á này?
Ông DC Choi, Michael, Phó giám đốc cấp cao Trung tâm M&A toàn cầu, Kotra Hàn Quốc cho biết: “Việt Nam nên có một chính sách tài chính về vốn và giám sát vốn sát thị trường tốt hơn nữa. Bên cạnh đó, cần phải thuyết phục được các nhà đầu tư về khả năng kiểm soát thị trường như lạm phát, nợ xấu”.
Ông DC Choi, Michael, Phó giám đốc cấp cao Trung tâm M&A toàn cầu, Kotra Hàn Quốc.
|
Theo ông DC Choi, cần phải tái cơ cấu cân bằng giữa các ngành hàng như đầu tư nhiều hơn vào phát triển máy móc, công nghệ cao. Ngoài ra, cần nâng cao tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, nên cần nới room hơn nữa.