Vietstock - Lục đục nội bộ tại Địa ốc Đà Lạt bao giờ mới có hồi kết?
Ngổn ngang tại ĐHĐCĐ 2016 chưa chấm dứt, đến nay CTCP Địa ốc Đà Lạt (HNX: DLR) tiếp tục phải hoãn ĐHĐCĐ 2017 để chờ phán quyết về tranh chấp hơn 1.32 triệu cp.
Lục đục nội bộ tại Địa ốc Đà Lạt bao giờ mới có hồi kết?
|
* Địa ốc Đà Lạt: Hủy ĐHĐCĐ thường niên để chờ phán quyết về tranh chấp hơn 1.32 triệu cp
Theo kế hoạch, Địa ốc Đà Lạt sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 05/08. Tuy nhiên, đến nay thì HĐQT DLR đã thông báo hoãn, chờ cho đến khi có phán quyết cuối cùng của Tòa án xác định quyền sở hữu đối với hơn 1.3 triệu cổ phiếu (tương ứng 29.4% vốn) đang tranh chấp bởi ông Phan Tấn Dũng và ông Lê Ngọc Khánh Việt. Cả ông Dũng và ông Việt đang là cổ đông cá nhân đứng tên nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các nhóm cổ đông đồng thời không nắm giữ chức vụ nào tại Địa ốc Đà Lạt.
Không chỉ hoãn ĐHĐCĐ thường niên, trước đó, HĐQT DLR đã hai lần phớt lờ yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ bất thường của nhóm cổ đông lớn sở hữu trên 10% vốn và của Trưởng Ban kiểm soát Đào Ngọc Phương Nam. Trong đó, nhóm cổ đông lớn yêu cầu HĐQT triệu tập ĐHĐCĐ bất thường để miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT; còn yêu cầu của Ban Kiểm soát thì nhấn mạnh đến đề nghị HĐQT tuân thủ điều lệ Công ty.
Liên tiếp những lục đục nội bộ
Những ồn ào tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 vẫn tiếp diễn. Nội bộ tại DLR sau kỳ Đại hội lộ rõ những lục đục, chủ yếu xoay quanh vấn đề phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ. Cụ thể, việc phát hành tăng vốn lên 75 tỷ đồng đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2016, trong đó thống nhất giao HĐQT chủ động lập hồ sơ, thực hiện các thủ tục chào bán theo các quy định hiện hành.
Ngay sau Đại hội, tháng 5/2016, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngô Phước đã phát 2 văn bản đề nghị triệu tập họp HĐQT để triển khai vấn đề này nhưng không được Chủ tịch chấp thuận.
6 tháng sau, ông Phước phải rời khỏi vị trí Tổng Giám đốc theo Nghị quyết số 10/2016/NQ/HĐQT-DLR của HĐQT ngày 07/11/2016. Đồng thời, bà Lê Thị Kim Chính - Thành viên HĐQT được bổ nhiệm thay thế vào vị trí này; ông Võ Thuận Hòa được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Công ty.
Chưa đầy 1 tháng sau, HĐQT triển khai họp và ban hành Nghị quyết số 12/2016/NQ/HĐQT-DLR vào ngày 13/12/2016 với nội dung chính là triển khai phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Trong đó, phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ có nhiều điểm khác biệt so với phương án đã được cổ đông thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 trước đó. Cụ thể, DLR sẽ phát hành 3 triệu cổ phiếu, giá trị chào bán theo mệnh giá 30 tỷ đồng và ưu tiên cho cổ đông hiện hữu đăng ký mua. Những điểm khác biệt cần quan tâm, điển hình như không cho nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu cổ phiếu DLR mua...
Cũng cần lưu ý, trước đó, ông Võ Thuận Hòa (người được bổ nhiệm làm Phó Tổng vào tháng 11/2016) đã đệ đơn kiện ông Ngô Phước (nguyên Tổng Giám đốc) có dấu hiệu lợi dụng chức vụ để cấu kết với một số thành viên trong Công ty gây thất thoát giá trị lớn liên quan đến thương vụ chuyển nhượng mỏ đá Gần Reo.
Tại ĐHĐCĐ 2016, cổ đông đã thể hiện rõ quan điểm bất đồng với cách tổ chức, kiểm soát quy trình chuyển nhượng mỏ đá Gần Reo và đề nghị Ban kiểm soát kiểm tra chặt chẽ. Ngoài ra, cổ đông ý kiến Thành viên HĐQT đã dễ dãi với các vấn đề xảy ra tại Công ty TNHH MTV Địa ốc Bảo Lộc, nhất là khi ông Tống Văn Khoa đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm vị trí Giám đốc Công ty này. Hơn nữa, việc quản lý tại Công ty Du lịch Mai Anh Đào còn lỏng lẻo, không mang lại hiệu quả, cho thấy những giải pháp HĐQT cũng như Ban điều hành DLR đưa ra chưa thỏa đáng. |
Về phía ông Hòa, ngày 03/08/2017 HĐQT đã nhận được đơn xin từ nhiệm khỏi vị trí Phó Tổng Giám đốc Công ty. Theo đó, đến ngày 25/09, Công ty đã chính thức miễn nhiệm ông Hòa khỏi vị trí trên, đồng thời bầu ông Vũ Minh Hải thay thế, thời hạn là 5 năm.
* Địa ốc Đà Lạt: Thay đổi hàng loạt nhân sự chủ chốt
Nhóm cổ đông lớn sở hữu trên 10% vốn điều lệ đã bày tỏ bức xúc về hai Nghị quyết trên. Và Trưởng Ban kiểm soát đã thay mặt để gửi kiến nghị tới Vụ Quản lý Phát hành Chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước). Sau đó, kết luận cuối cùng của thanh tra cho biết:
- Nghị quyết số 10/2016/NQ/HĐQT-DLR đã không tuân thủ về mặt hình thức, trình tự tiến hành, vi phạm quy định quy chế quản trị, Điều lệ Công ty và Luật Doanh nghiệp.
- Nghị quyết số 12/2016/NQ/HĐQT-DLR đã không tuân thủ đúng quy định về tinh thần, có nội dung khác biệt trọng yếu với phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ theo Nghị quyết số 01/2016/NQ/HĐQT-DLR được ĐHĐCĐ thường niên 2016 thông qua ngày 29/04/2016.
Thấy gì từ đợt phát hành 30 triệu cổ phiếu?
* DLR chào bán 3 triệu cp tăng vốn lên 75 tỷ đồng
* DLR: Phát hành 3 triệu cp giá 10,000 đồng/cp
Trở lại nguyên nhân cốt lõi của việc phát hành tăng vốn, xuất phát từ mục đích bổ sung vốn tự có để cải thiện tình hình kinh doanh khi nhiều năm liền làm ăn sa sút, giảm áp lực vay nợ ngân hàng cũng như đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị… Song, nhiều mâu thuẫn xảy ra cho thấy những “toan tính” riêng trong nội bộ DLR. Khi mà với vốn điều lệ hiện tại của Công ty là 45 tỷ đồng, thì mức vốn tăng thêm từ phát hành là 30 tỷ đồng sẽ tương đương tỷ lệ 40% vốn, một con số khá cao. Điều này có thể dẫn đến thay đổi lớn trong cơ cấu cổ đông và quyền lực tại DLR tùy thuộc vào đối tượng phát hành.
Cơ cấu cổ đông DLR tính đến ngày 31/12/2016
|
Về cơ cấu cổ đông DLR tính đến ngày 31/12/2016, cá nhân trong nước hiện chiếm tỷ trọng cao nhất, với 81%. Cá nhân nước ngoài chiếm 10% và 9% còn lại thuộc quyền sở hữu của tổ chức trong nước. Các công bố ra công chúng của DLR như báo cáo thường niên và báo cáo quản trị đều không thể hiện tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn và cổ đông nội bộ.
"Soi" giá trị tài sản DLR đang sở hữu
Những năm gần đây, DLR liên tục báo lỗ: Năm 2013, lỗ gần 7 tỷ đồng, 2014 lỗ gần 10 tỷ, 2015 bán mỏ đá Đức Trọng thu về lãi ròng hơn 1 tỷ đồng, đến năm 2016 con số lỗ xấp xỉ 18 tỷ đồng. Tiếp tục, 6 tháng đầu năm 2017, DLR ghi nhận thua lỗ 5.4 tỷ đồng. Lỗ lũy kế hiện đang ở mức khá cao hơn 30 tỷ đồng, xấp xỉ 70% vốn chủ sở hữu.
Tuy kết quả kinh doanh kém khả quan nhưng có thể thấy DLR được sở hữu nhiều tài sản đất đai đáng giá. DLR vốn dĩ là công ty Nhà nước, được cổ phần hóa từ Công ty Kinh doanh và Phát triển nhà Lâm Đồng vào ngày 19/12/2006. Trở lại thời mới niêm yết năm 2010, Công ty công bố sở hữu bất động sản có giá trị lớn gồm 27 căn biệt thự, 5 căn nhà phố, 4 văn phòng và 2 xí nghiệp với tổng diện tích 75,764 m2 tại Đà Lạt. Trong đó, tổng diện tích các khu biệt thự 63,273 m2 với diện tích bình quân là 2,434 m2/biệt thự.
Hầu hết khách sạn, nhà hàng của Công ty đều nằm tại vị trí đẹp và ngay trung tâm thành phố Đà Lạt. Như 8 biệt thự tại khu biệt thự Hùng Vương với tổng diện tích đạt 25,472 m2, khu biệt thự Lê Lai gồm 15 biệt thự với tổng diện tích đạt 36,074 m2, và một số biệt thự khác trên đường Trần Hưng Đạo, Hồ Tùng Mậu, Lý Tự Trọng, đường 3/4.
Ngoài ra, tổng diện tích quỹ nhà phố, văn phòng và xí nghiệp của Công ty là 12,490 m2.
Khi đó, trong bản cáo bạch niêm yết, DLR có nhấn mạnh quỹ đất đang sở hữu đã được đầu tư từ lâu nên giá trị chênh lệch rất lớn so với hiện tại. Tại thời điểm cuối năm 2008, tổng giá trị tài sản hữu hình xấp xỉ 12 tỷ đồng, giá trị quyền sử dụng đất 20 tỷ đồng.
Đến 30/06/2017, DLR có 22 tỷ đồng bất động sản đầu tư (nguyên giá 29.5 tỷ đồng). Hiện Công ty đang đầu tư 3 dự án với tổng vốn hơn 570 tỷ đồng. Trong đó dự án Nhà ở xã hội cho gia đình lực lượng vũ trang tỉnh Lâm Đồng chưa thực hiện được do chủ trương Ban chấp hành Quân sự tỉnh đề nghị thay đổi sang hình thức Nhà ở công vụ.
Kế hoạch đầu tư dự án tại DLR
Ngoài ra, DLR cũng đang đầu tư công trình Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim Đà Lạt, doanh thu dự kiến 33 tỷ đồng. Công ty kế hoạch thực hiện trong năm 2016, nhưng do vướng tại công tác giải phóng mặt bằng nên đến nay vẫn chưa triển khai được. Cùng với đó, Công ty cũng chưa thực hiện được công trình Khu dân cư quận Bình Tân, tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng (dự kiến thực hiện trong năm 2016).
Trên thị trường chứng khoán, DLR đã có thời kỳ đỉnh cao với giá cổ phiếu từng đạt trên 42,000 đồng/cp, nhưng hiện nay đã mất giá hơn 71%, chỉ còn 12,200 đồng/cp (13/09). Lượng giao dịch cũng từ mức hàng trăm ngàn cổ phiếu/phiên đến nay gần như chạm mốc 0. |