Vietstock - Bộ Giao thông vận tải không muốn nhận lại Tổng công ty Đường sắt
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kiến nghị không điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về lại Bộ này.
* Đường sắt 'bốc hơi' 90 tỷ đồng, chỉ còn 4 đôi tàu chạy tuyến Bắc - Nam
* Cần gần 6.700 tỉ đổng để xóa hàng ngàn lối đi tự mở qua đường sắt
* Đường sắt xin thôi bao cấp, muốn thu hút tư nhân đầu tư hạ tầng
Bộ GTVT và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đều thống nhất không điều chuyển VNR về lại Bộ GTVT. Ảnh: Ngọc Thắng
|
Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng liên quan đến việc điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Theo đó, Bộ GTVT không tiếp nhận lại vai trò đại diện phần vốn nhà nước tại VNR từ Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV).
Đồng thời, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo UBQLV cần sớm rà soát trình Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNR, trong đó cần có sắp xếp cơ cấu bộ máy phù hợp với quy định pháp luật về bảo trì, khai thác cũng như sớm nghiên cứu tách bạch kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải.
Trước đó, giữa tháng 2, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, UBQLV đánh giá toàn diện những ưu điểm và nhược điểm của việc đưa VNR về lại Bộ GTVT.
Yêu cầu này được đưa ra sau khi Thủ tướng nhận được một số ý kiến của chuyên gia và đại biểu Quốc hội đề nghị điều chuyển VNR từ UBQLV về trực thuộc Bộ GTVT quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành của VNR.
UBQLV cũng kiến nghị Thủ tướng không điều chuyển VNR về lại Bộ GTVT. Lý do, việc điều chuyển chỉ tận dụng được bộ máy cũ, mô hình cũ để thực hiện theo cơ chế cũ, mặc dù cơ chế này không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.
Từ đầu năm tới nay, do vướng mắc về cơ chế chính sách sau khi điều chuyển về UBQLV, lãnh đạo VNR cho biết, vẫn chưa được giao vốn bảo trì thường xuyên kết cấu hạ tầng, dẫn tới thiếu tiền trả lương cho hơn 11.000 công nhân.
Trước đó, trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, chuyển động trong bộ máy của đường sắt chậm nên gặp vướng về cơ chế, nhiều lĩnh vực công ích khác cũng đã thực hiện đấu thầu từ lâu như đảm bảo hàng hải. Về lâu dài, dù ở lại UBQLV hay về lại Bộ GTVT, đường sắt vẫn phải theo cơ chế chung, đấu thầu chứ không giao vốn nữa.
Mai Hà