Ưu Đãi Cyber Monday: Giảm tới 60% InvestingProNHẬN ƯU ĐÃI

Phải có những “đại bàng quốc tịch Việt”

Ngày đăng 03:48 14/10/2020
Phải có những “đại bàng quốc tịch Việt”

Vietstock - Phải có những “đại bàng quốc tịch Việt”

Đó là khẳng định của PGS-TS Trần Đình Thiên (ảnh) - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trong cuộc trao đổi với Thanh Niên nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10.

ảnh: Độc Lập

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã tạo ra sự thay đổi lớn trong cơ cấu kinh tế toàn cầu. Với lợi thế thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh trước các quốc gia khác, Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ trở thành hấp lực đầu tư mới sau đại dịch. Thế nhưng, tất cả những lợi thế đó chỉ là khách quan, còn rất nhiều việc nội tại mà Việt Nam phải làm để biến cơ hội thành hiện thực.

ảnh: Độc Lập

Nhiều ý kiến cho rằng, thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh cho phép Việt Nam có thời gian để phục hồi trước những quốc gia khác như thế nào, ông có thể phân tích cụ thể về lợi thế của Việt Nam và chúng ta phải làm gì để tận dụng lợi thế (nếu có) này?

Việt Nam là môi trường kinh doanh an toàn

Về môi trường vĩ mô, Việt Nam được đánh giá cao về tính ổn định, không bị tác động quá lớn do bất ổn chính trị, xã hội. Việc thành công trong công cuộc kiểm soát đại dịch Covid-19 càng chứng tỏ rõ hơn Việt Nam là môi trường kinh doanh an toàn. Tuy nhiên, thể chế nhà nước, bộ máy chính quyền còn rất nhiều bất cập, nhiêu khê. Có rất nhiều sự trùng lắp giữa bộ máy của Đảng, Nhà nước cho tới bộ máy các đoàn thể khiến các khoản chi ngân sách hằng năm rất cao, thường xuyên trên 60% nhưng phân bổ không hợp lý, gây lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, tình trạng tham nhũng, “hành là chính” trong công tác quản lý vẫn diễn ra, khiến nhiều DN nản lòng.

Về nguồn nhân lực lao động, Việt Nam có lợi thế lao động giá rẻ, nhưng đến nay cũng đã gần kết thúc thời kỳ “dân số vàng”. Cả thế giới đang tiến tới công nghiệp 4.0, tiến tới nền kinh tế số, chuyển sang nguồn lao động chất lượng cao, sáng tạo và kỷ luật, trong khi chất lượng lao động của chúng ta còn kém, số người được đào tạo bài bản, nâng cao về khoa học công nghệ, có kỷ luật tốt, còn thấp.

Muốn đón đại bàng về làm tổ, Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ trong thể chế, giáo dục, có những bước chuyển táo bạo để cho thế giới thấy Việt Nam đang chuyển mình, thật sự hòa vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cuộc cách mạng kinh tế số. Đồng thời, đặc biệt chú trọng yếu tố môi trường. Nếu không, mọi nỗ lực cũng chỉ thu về các “đại bàng” cũ, già nua, lợi ích kinh tế thì ít mà lại tăng thêm ô nhiễm môi trường, không thể duy trì tăng trưởng ổn định và bền vững.

TS Lê Đăng Doanh (Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư)

Nguyên nhân chủ yếu của suy thoái kinh tế toàn cầu lần này là “đứt chuỗi” do Covid-19. Trong khi thế giới vẫn còn vật lộn với khó khăn và đang lo ngại dịch bệnh, việc thoát Covid-19 trước tạo cho Việt Nam cơ hội kết nối chuỗi sớm, nhờ đó, cơ may phục hồi và bứt lên trước sẽ “sáng” hơn nhiều nền kinh tế khác. Để tận dụng thời cơ, tôi nghĩ Việt Nam phải nhấn mạnh tính tích cực chủ động trong việc thực hiện hai nhóm việc. Nhóm việc thứ nhất là tích cực chủ động cứu trợ, hỗ trợ để nhanh chóng phục hồi thực lực và đổi mới sức mạnh các doanh nghiệp (DN) Việt.

Thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện tốt vai trò chủ công trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Nhóm việc thứ hai là tích cực nối thông với thị trường thế giới và nỗ lực tạo liên kết với các đối tác chiến lược “xứng tầm”. Cả thế giới đang thận trọng, nhưng nhiều nước đang cải thiện rất tốt tình hình và đã sẵn sàng mở cửa kết nối. Việt Nam cần tích cực chuẩn bị các điều kiện và chủ động nắm bắt thời cơ để “nối chuỗi” sớm nhất có thể.

Đối với nhiệm vụ thứ nhất, cần lưu ý thêm rằng lúc này, vấn đề không chỉ là “cứu” các DN vốn có.

Phải dành nguồn lực và sự quan tâm chính sách đặc biệt để hỗ trợ, thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các DN khởi nghiệp - sáng tạo, định hướng công nghệ cao. Tóm lại, thoát khỏi đại dịch tạo tình thế phát triển có tính cơ may. Sau dịch, kinh tế Việt Nam phải đứng dậy với một lực lượng DN có tư thế và nội lực mới. “Cơ trong nguy” tầm nhìn chiến lược là như vậy.

Chúng ta cũng đang tràn đầy kỳ vọng để đón dòng vốn đầu tư mới trong việc thiết lập lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông đánh giá thế nào về lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với Ấn Độ, Indonesia cũng như kỳ vọng trở thành công xưởng của thế giới thay thế cho Trung Quốc?

Kỳ vọng Việt Nam thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu có lẽ hơi “lãng mạn”. Hiện tại, khó có nền kinh tế nào, kể cả khối liên kết ASEAN, có đủ năng lực thay thế chức năng của Trung Quốc trong hệ thống kinh tế toàn cầu. Nhưng có hai điều cần khẳng định. Một là xu thế thay thế Trung Quốc đang là tất yếu ở nhiều khâu, nhiều chuỗi. Hai là Việt Nam có cơ hội và điều kiện thuận lợi để tham gia xu thế đó.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội tạo vị thế mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu Ảnh: Gia Hân

Trên nhiều mặt, chúng ta đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để hiện thực hóa các cơ hội đó. Nhưng để đạt được mức “thực sự sẵn sàng”, nhất là ở tầm chiến lược, gắn với yêu cầu thu hút FDI “thế hệ mới”, Việt Nam còn phải làm nhiều việc. Ta hay nói đến việc “làm tổ đón đại bàng”, song chưa định hình rõ thế nào là “tổ đại bàng” đúng nghĩa. Nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống logistics tốt, môi trường kinh doanh thông thoáng, và đặc biệt là lực lượng DN bản địa đủ năng lực - những yếu tố chủ chốt cấu thành nên cái gọi là “tổ đại bàng” đích thực - của ta còn khá thiếu và yếu.

Tất nhiên, Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ mạnh như Ấn Độ, Indonesia trong thu hút đầu tư nước ngoài. Gần kề thị trường Trung Quốc, là thành viên CPTPP, đã ký FTA với EU, hay độ tin cậy của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, kinh tế toàn cầu đang suy yếu… tất cả những điều này đang mang lại cho Việt Nam sức hấp dẫn đầu tư và thương mại vượt trội.

Nhưng xin lưu ý rằng bấy nhiêu thôi - cả điểm yếu và điểm mạnh - là chưa đủ cho một cuộc chơi lớn và đẳng cấp. Cơ hội tốt chỉ là điều kiện “cần” của thành công. Phải có điều kiện “đủ”: đó là năng lực chuyển hóa cơ hội thành lợi ích.

Việt Nam có cơ hội đón làn sóng chuyển dịch đầu tư 

Sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam đang đến từ các yếu tố bên trong của nội tại của nền kinh tế và các tác động của yếu tố bên ngoài. 

Đối với yếu tố bên trong, các điểm lợi thế, thuận lợi sẵn có của môi trường đầu tư tại Việt Nam gồm: Chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường rộng lớn, chi phí cạnh tranh, chính sách ưu đãi hấp dẫn, nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng và vị trí địa lý thuận lợi. Bên cạnh đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Sự thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam thời gian qua cũng tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư nước ngoài, tăng thêm uy tín cho Việt Nam.

Về các yếu tố bên ngoài, phải kể đến là xung đột thương mại giữa nền kinh tế lớn khiến các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế suất cao. Đại dịch Covid-19 và các hệ quả nặng nề của nó khiến các quốc gia, các tập đoàn quốc tế đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu đầu tư nhằm tránh sự phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác. Một số quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã ban hành chính sách ưu đãi và gói hỗ trợ để kêu gọi các công ty dịch chuyển dây chuyền sản xuất về nước hoặc đầu tư sang nước thứ 3 nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Trong đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để đón làn sóng chuyển dịch này.

Ông Đỗ Nhất Hoàng  (Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư)

Ông có phân tích kỹ hơn việc “năng lực chuyển hóa” cơ hội thành lợi ích? Cụ thể thì chúng ta phải làm gì để thực hiện điều này?

Ta đang có cơ hội đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế trên cả hai khía cạnh: cơ cấu (ngành) và thể chế kinh tế. Hai nhiệm vụ sống còn này được đặt ra cả chục năm nay mà chưa giải quyết xong. Về cơ cấu ngành, định hướng chuyển dịch được nhận diện nói chung là rõ. Công nghệ cao, kinh tế số, thông minh là trục dẫn dắt. Sự chuyển dịch trong lĩnh vực nông nghiệp - vốn là lĩnh vực “chậm tiến”, yếu kém và khó xoay chuyển nhất - đang là một ví dụ tốt của quá trình này. Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch mạnh và hiệu quả theo hướng công nghệ cao,sạch, đặc sản và phục vụ thị trường thế giới đang làm thay đổi sâu sắc đẳng cấp phát triển của nhiều lĩnh vực nông nghiệp.

Tình trạng đứt các chuỗi cung ứng toàn cầu đang buộc hầu như tất cả các ngành phải thay đổi thực chất hoạt động - cả đẳng cấp lẫn cấu trúc. Các ngành “gia công, lắp ráp” đang chịu sức ép ngày càng dữ dội của xu hướng tự động hóa. Du lịch và hàng không sẽ phải cấu trúc lại thị trường và tổ chức hoạt động chứ không thể tiếp tục bài ca “sản lượng” và “chuỗi du lịch không đồng” như trước…

Về vấn đề thể chế kinh tế, hệ thống phân bổ nguồn lực đang chịu áp lực cải cách rất mạnh. Vốn đầu tư công đang đối mặt với nhu cầu tăng tốc giải ngân để “cứu” nền kinh tế. Đây là tình thế vừa tạo áp lực, vừa cung cấp các điều kiện để giải quyết vấn đề thể chế một cách căn cơ.

Nhưng tôi đặc biệt nhấn mạnh: Phải xác lập “trạng thái bình thường mới” cho nền kinh tế. Đây được coi là cơ hội thúc đẩy hoạt động đổi mới - khởi nghiệp - sáng tạo - giúp nền kinh tế bắt đầu quá trình “thay máu”, để có thể đứng dậy hậu Covid-19 với thế và lực mới. Để đạt được như thế, cần đưa vào trọng tâm Chiến lược phát triển đất nước hai chương trình quốc gia. Một là chương trình “Phát triển lực lượng DN Việt”; Hai là chương trình “Phát triển khoa học - công nghệ là trục chính của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội”.

Thực tế, thời gian qua, Việt Nam cũng có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục, ban hành các cơ chế chính sách hấp dẫn để mời gọi “đại bàng” về làm tổ. Thế nhưng, làm thế nào để có đón được các “đại bàng” thực sự theo ông?

Đến nay, chúng ta vẫn chưa có chiến lược phát triển lực lượng DN quốc gia đúng nghĩa. Tôi xin nhấn mạnh khái niệm “lực lượng DN”. Về căn bản, ta mới có nỗ lực phát triển DN, chủ yếu thiên về số lượng, dựa trên nền tảng “xin - cho” và phân biệt đối xử. Kết cục là sức mạnh của lực lượng chủ công - DN nhà nước - bị bào mòn, DN tư nhân Việt yếu kém kéo dài, thiếu động lực vươn lên. Việc thu hút đầu tư nước ngoài dựa trên căn bản “trao lợi thế” và “dành ưu đãi”, tuy giúp kéo về một lượng lớn DN nhưng đa phần là “chim sẻ”, sức ăn lớn, lợi ích mang lại cho phát triển quốc gia không tương xứng.

Ta thực tâm muốn kéo “đại bàng” về nhưng mục tiêu ngắn hạn - cục bộ (tạo nhiều việc làm nhưng chất lượng thấp, tiền lương thấp; thu ngân sách nhưng ưu đãi cao…) đã lấn át mục tiêu chiến lược (nâng cao vị thế và đẳng cấp nền kinh tế, thúc đẩy phát triển khu vực bản địa). Cho đến nay “tổ đại bàng” đích thực vẫn chưa xây xong. Kết cục là “đại bàng” đúng nghĩa vẫn còn do dự chưa đến, trong khi “chim sẻ” về nhiều, cạnh tranh chia lợi thế và giành lợi ích với đàn chim bản địa đang nhỏ yếu.

Muốn thực sự đón được các “đại bàng”, tạo ra lợi ích thực tế thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, cần nhanh chóng thực hiện các đầu việc sau: Một là định hình lại chiến lược phát triển, trong đó xác định cho đúng, cho rõ chức năng, vai trò của các loại hình DN, chủ thể kinh tế trong sơ đồ phát triển quốc gia trong giai đoạn mới. Hai là phải nỗ lực xây dựng hệ thống thị trường và cơ chế vận hành và cạnh tranh thị trường lành mạnh, để cho “đại bàng” không bị “chim sẻ” lấn át. Ba là phải đặc biệt chú ý xây dựng “tổ đại bàng” đúng nghĩa, như đã nêu ở trên. “Tổ đại bàng” không phải chỉ là những khu công nghiệp tốt, được “lót ổ” bằng hệ thống cơ chế chính sách dựa nhiều vào ưu đãi mà phải hiểu theo nghĩa rộng là toàn bộ môi trường kinh doanh cùng các điều kiện hoạt động (thể chế) bình đẳng, công khai và minh bạch.

Bốn là - và đây là điểm tôi đặc biệt nhấn mạnh - phải có những “đại bàng quốc tịch Việt”. Đó là những tập đoàn kinh tế Việt Nam thực sự hùng mạnh, đủ năng lực lôi kéo và dẫn dắt đàn chim Việt trong cuộc đua tranh quốc tế. Tôi chưa thấy nền kinh tế nào trở thành hùng mạnh, mà không dựa vào những “con đại bàng” dẫn dắt của chính mình.

Hà Mai

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.