Vietstock - Lợi ích chuyển đổi từ khu công nghiệp thông thường sang mô hình khu công nghiệp sinh thái?
Việc chuyển đổi từ khu công nghiệp thông thường sang mô hình khu công nghiệp sinh thái đang được các doanh nghiệp và địa phương xem là xu hướng phát triển tất yếu trong thời gian tới, bên cạnh việc lồng ghép việc phát triển các khu công nghiệp theo hướng bền vững.
Mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái bắt đầu triển khai dự án thí điểm tại Việt Nam từ năm 2015 (giai đoạn thí điểm 2015-2019) được thực hiện tại 4 KCN gồm KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu tại Ninh Bình, KCN Hòa Khánh tại Đà Nẵng và KCN Trà Nóc 1&2 tại Cần Thơ.
Từ năm 2020-2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện dự án "Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu" có tổng kinh phí hơn 1.8 triệu USD do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ, tại 5 tỉnh/thành phố, gồm TPHCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng, cụ thể tại các KCN Hiệp Phước, Amata - Biên Hoà, Đình Vũ (Deep C), Hoà Khánh và Trà Nóc 1&2. Dự án có mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình KCN sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO đã hợp tác để hỗ trợ chuyển đổi các KCN hiện có sang KCN sinh thái với 603 giải pháp sản xuất sạch hơn và hiệu quả tài nguyên (RECP), trong đó 217 giải pháp đã được 88 doanh nghiệp triển khai, góp phần tiết kiệm 69.2 tỷ đồng/năm tương đương 2.9 triệu USD thông qua việc giảm tiêu thụ năng lượng, tài nguyên và vật liệu, giảm 8,910 tấn CO2/năm. |
Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) nhân rộng mô hình KCN sinh thái tại các địa phương Hải Phòng, Đồng Nai và TPHCM.
Hiện, mô hình KCN sinh thái đã được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời lồng ghép vào nhiều chính sách quan trọng của quốc gia về sản xuất, tiêu dùng bền vững, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và đang tiếp tục từng bước được hoàn thiện.
Việc chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái bước đầu đã đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, môi trường đồng thời huy động được nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
“Chuyển mình” qua KCN sinh thái
Tham gia dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu" từ tháng 11/2020, là một trong những KCN chuyển mình qua KCN sinh thái, ông Giang Ngọc Phương - Phó Tổng Giám đốc CTCP Khu công nghiệp Hiệp Phước (UPCoM: HPI) chia sẻ, HPI xuất phát điểm là nơi tập hợp các đơn vị sản xuất trong KCN, khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nên thành phố hướng về khu vực để di dời tất cả các đơn vị sản xuất có nguy cơ ô nhiễm.
Theo ông Phương, khi tham gia dự án này, lợi ích đầu tiên là để cải thiện chính cuộc sống của người đang lao động sản xuất lại KCN Hiệp Phước. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi còn giúp cải thiện môi trường bằng cách tiết giảm sử dụng năng lượng, tiết giảm sử dụng nước sạch, giảm phát thải ra môi trường, tuần hoàn nhiều hơn và giúp doanh nghiệp giảm được chi phí trong quá trình sản xuất.
Đối với doanh nghiệp, việc cộng sinh với nhau trong KCN sẽ giúp tiết giảm chi phí trong quá trình sản xuất, làm giảm giá thành sản phẩm và có sự cạnh tranh cao.
Ông Giang Ngọc Phương - Phó Tổng Giám đốc HPI
|
Hợp tác cộng sinh là một phần để công nhận KCN sinh thái
Trước đây, hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau trong KCN là lợi ích kinh tế thông thường, nhưng bây giờ việc hợp tác cộng sinh là một phần của tiêu chuẩn để công nhận KCN sinh thái, KCN xanh.
Nói về cơ hội cộng sinh tại KCN Hiệp Phước, Phó Tổng Giám đốc HPI cho hay, ban đầu Công ty có khoảng 60 mô hình trong KCN, nhưng sau khi tổng kết về tính khả thi và hiệu quả thì còn 7 mô hình.
Một số mô hình cộng sinh tiêu biểu tại KCN Hiệp Phước như hơi nóng của nhà máy dầu ăn calofic HIệp Phước đã được chuyển sang cho nhà máy sản xuất bột. Ngoài ra, KCN Hiệp Phước có những doanh nghiệp sản xuất xi măng và các doanh nghiệp sản xuất thạch cao, mà thạch cao lại là một phần trong clanhke (clinker) để sản xuất xi măng. Do đó, khi sản xuất thạch cao sẽ có phụ phẩm do bị vỡ vụn trong quá trình sản xuất thì sẽ được thu gom đưa vào các doanh nghiệp xi măng. “Mặc dù nó là chất phụ phẩm không thể là thành phẩm của nhà máy này, nhưng có thể là đầu vào nguyên liệu của nhà máy khác và được xem là cộng sinh”, ông Phương nói về lợi ích của việc cộng sinh.
Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
Bên cạnh những lợi ích, việc chuyển đổi từ KCN thông thường sang KCN sinh thái, KCN xanh còn gặp nhiều khó khăn.
Khi tham gia dự án, HPI phải xác lập, chứng minh các con số chi tiết, đòi hỏi đánh giá hiệu quả, minh bạch. Do đó, cần có sự điều chỉnh liên tục về chính sách và có sự đối thoại hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp.
Một trong những khó khăn trong thời gian đầu là sự vận động các doanh nghiệp trong KCN tham gia mô hình vì các doanh nghiệp hầu như không có kinh nghiệm, không hiểu được mô hình chuyển đổi này; trong khi có rất nhiều tiêu chuẩn để hướng đến thị trường quốc tế.
“Đến nay, KCN Hiệp Phước có trên 20% dự án trong KCN định hướng tham gia, phần lớn là do chính các doanh nghiệp này nhận thấy được lợi ích để cải thiện chính doanh nghiệp mình. Dẫn đến việc các doanh nghiệp khác trong KCN cũng theo dõi và phát triển theo. Điều gì mà tốt cho sản xuất, chi phí, cuộc sống hay cho doanh nghiệp thì sẽ đều được ủng hộ”, ông Phương chia sẻ.
* Sức hút nào cho bất động sản khu công nghiệp phía Nam trong mắt nhà đầu tư?
Thanh Tú - Cát Lam