Vietstock - Lo ngại "cắt ngọn" làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình 8B Lê Trực
Liên quan đến việc xử lý giai đoạn 2 tòa nhà 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội), mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Phương Bắc (đơn vị đã thực hiện theo chỉ đạo của Thành ủy-Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội hoàn thành giai đoạn 1 với nhiệm vụ "cắt ngọn" tầng 19) đã có đơn gửi các cơ quan chức năng bày tỏ quan ngại về việc "cắt ngọn" công trình ảnh hưởng đến kết cấu tòa nhà.
Doanh nghiệp này cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần có hình thức xử lý nghiêm hơn nữa đối với các hành vi sai phạm trong trật tự xây dựng, cả về phía chủ đầu tư và cán bộ quản lý nhà nước.
Trước đó, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý xây dựng đô thị, sáng 16/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết sẽ sớm công khai phương án xử lý giai đoạn 2 tòa nhà 8B Lê Trực.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cũng nhận trách nhiệm chậm xử lý phần sai phạm tại công trình này.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, Hà Nội đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực và đến nay đã hoàn thành xử lý giai đoạn 1 là "cắt ngọn" tầng 19.
Với giai đoạn 2, xử lý việc giật cấp công trình theo đúng giấy phép xây dựng, thành phố và chủ đầu tư đang trình Bộ Xây dựng phương án kỹ thuật xem có đảm bảo an toàn hay không, nếu không thì chuẩn bị phương án khác.
Ông Nguyễn Đức Chung lý giải, việc chậm xử lý sai phạm tại nhà 8B Lê Trực là do đặt vấn đề an toàn cho tòa nhà, cho người dân sau này ở đó.
Để phối hợp với thành phố Hà Nội trong việc kiên quyết xử lý sai phạm tại công trình 8B Lê Trực, Bộ Xây dựng đang phối hợp mời các chuyên gia thẩm định phương án xử lý phần giật cấp của công trình.
Với mục đích góp ý cho các cơ quan chức năng trong việc nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm trật tự xây dựng, Công ty Phương Bắc cho rằng mức xử phạt đối với việc xây dựng công trình sai phép hiện nay còn rất thấp trong khi lợi ích mang lại cho chủ đầu tư là rất lớn nên người dân, chủ đầu tư thường phớt lờ sự quản lý của chính quyền và các cơ quan chức năng.
Khi chính quyền phát hiện sai phạm, việc xử lý công trình sai phép bằng biện pháp "cắt ngọn" kéo theo những hệ lụy như lãng phí tài sản xã hội, nguy cơ mất an toàn, xấu mỹ quan đô thị, gây nhức nhối trong dư luận nhân dân và các cấp chính quyền.
Doanh nghiệp này đề nghị cần ban hành chế tài xử phạt đủ nặng, đủ sức răn đe hơn việc "cắt ngọn" và xử phạt hành chính. Các cán bộ quản lý để xảy ra sai phạm phải chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc nhất.
Doanh nghiệp Phương Bắc đề nghị trong thời gian chờ quy định mới, tất cả các phần sai phép của các công trình sai phép tồn tại trước đây, chủ đầu tư phải nộp cho ngân sách Nhà nước theo giá bất động sản trên thị trường hoặc đơn giá nhà nước đối với những mét vuông sai phép.
Như vậy, ngân sách Nhà nước sẽ thu được số tiền rất lớn, thay cho việc "cắt ngọn" rất lãng phí tài sản xã hội và tránh việc "cắt ngọn" có thể ảnh hưởng đến kết cấu của cả công trình.
Theo kinh nghiệm thực hiện phá dỡ nhiều sai phạm của các công trình xây dựng, Công ty Phương Bắc cho rằng những công trình xây dựng sai phép thường sai từ gốc, nếu xử lý triệt để sai phạm thì hầu như phải phá bỏ cả tòa nhà nên việc xử lý triệt để sai phạm gần như bất khả kháng. Do vậy, có thể nói việc "cắt ngọn" các công trình sai phép chỉ giải quyết được cái ngọn của vấn đề.
Trước đây, Bộ Xây dựng đã sửa đổi hành lang pháp lý, tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, những quy định xử phạt vẫn còn rất nhẹ, không đủ sức răn đe.
Có quan điểm cho rằng nên phá bỏ hoàn toàn các công trình sai phạm để răn đe các chủ đầu tư đang có ý định xây dựng công trình sai phép. Theo một số chuyên gia, việc cắt ngọn công trình chắc chắn ảnh hưởng đến kết cấu, chất lượng công trình. Ở các nước trên thế giới, hầu như không có việc “cắt ngọn” công trình, thường chỉ phá bỏ hoàn toàn bằng máy móc, thiết bị hiện đại.