Vietstock - Lộ diện những doanh nghiệp lỗ khủng trong quý 4/2017: Vì đâu nên nỗi?
Bên cạnh những doanh nghiệp ăn nên làm ra vẫn còn những gương mặt lún sâu trong thua lỗ ở quý cuối năm 2017. Nguyên nhân phần lớn do lỗ khi thanh lý các khoản đầu tư, dự phòng công nợ hay phải thu khiến tài sản của doanh nghiệp từ đó cũng vơi dần đi.
Tạm giữ vị trí quán quân thua lỗ trong quý 4/2017 đến thời điểm này là CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam (HOSE: VHG) với gần 870 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế cả năm lên hơn 1,150 tỷ đồng.
Trong kỳ VHG không có doanh thu hay giá vốn từ hàng hóa/dịch vụ, với gánh nặng hơn 840 tỷ đồng chi phí tài chính (chi phí lãi vay chỉ 17 tỷ) khiến Công ty bất ngờ báo lỗ khủng (cả năm chi phí tài chính hơn 960 tỷ). Phần lớn trong khoản này là lỗ do thanh lý các khoản đầu tư. Bên cạnh đó, xét về lưu chuyển tiền trong năm 2017, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư của VHG âm gần 120 tỷ, trong đó thu hồi đầu tư vốn góp 220 tỷ và chi đầu tư góp vốn 340 tỷ (năm trước chi góp vốn đầu tư gần 1,270 tỷ).
Trên bảng tài sản, khoản giảm mạnh nhất là đầu tư vào công ty liên kết liên doanh từ 1,015 tỷ xuống 108 tỷ đồng (chủ yếu do thanh lý khoản đầu tư gần 730 tỷ vào CTCP Phát triển BĐS Tây Hồ Tây và 200 tỷ vào CTCP Granite Phú Yên).
Theo giải trình, trong quý 4/2017 VHG cho biết tập trung thực hiện tái cơ cấu hệ thống mạnh mẽ, thoái vốn một số công ty có hoạt động kinh doanh không tốt, một số khoản đầu tư không hiệu quả như kỳ vọng, đã làm gia tăng chi phí tài chính và là nguyên nhân gây ra khoản lỗ trong kỳ.
Giá cổ phiếu VHG đã giảm suốt mấy năm nay và hiện chỉ còn 950 đồng/cp.
Biến động giá cổ phiếu VHG từ khi niêm yết đến nay
|
CTCP Tập đoàn Đại Dương (HOSE: OGC) cũng chưa thoát khỏi cảnh kinh doanh thua lỗ. Mặc dù có lãi gộp 190 tỷ và hoàn nhập chi phí tài chính âm (ghi nhận giảm các khoản lãi vay ngân hàng quá hạn đã trích trước theo phương án xử lý nợ) trong quý 4/2017 nhưng OGC vẫn báo lỗ hơn 212 tỷ, nâng lỗ cả năm lên 465 tỷ đồng (lỗ lũy kế cuối năm đang hơn 2,870 tỷ đồng).
Theo giải trình của Công ty, do khoản chi phí quản lý doanh nghiệp gần 600 tỷ do trích lập bổ sung các khoản công nợ quá hạn thanh toán đã ảnh hưởng đến kết quả của OGC.
Nhiều công nợ của OGC vẫn còn đó theo thời gian nhưng dự phòng vẫn phình to ra (đến cuối năm 2017 dự phòng phải thu ngắn hạn hơn 3,400 tỷ và dự phòng phải thu dài hạn hơn 1,000 tỷ đồng). Tổng tài sản của OGC “ra đi” 11%, còn ở mức 5,350 tỷ đồng.
Tại CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (HOSE: NVT), do gánh chi phí tài chính 230 tỷ (lãi vay chỉ 4 tỷ) khiến Công ty ghi nhận lỗ ròng gần 178 tỷ đồng (cả năm lỗ 480 tỷ). Khoản chi phí này cũng là do lỗ từ chuyển nhượng công ty con (225 tỷ khi bán toàn bộ phần vốn góp, khoản phải thu và lãi vay của Công ty TNHH Hai Dung) và thanh lý khoản đầu tư vào công ty liên kết.
Chưa dừng lại ở đó, NVT còn phải gánh hơn 310 tỷ chi phí quản lý doanh nghiệp (245 tỷ là lỗ từ chuyển nhượng công nợ phải thu về cho vay với CTCP Du lịch Tân Phú). Qua một năm, đến cuối 2017 tổng tài sản của NVT đã hao hụt 60%, còn hơn 530 tỷ đồng.
Với trường hợp khác là CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 Việt Nam (HNX: TH1), bên cạnh chi phí lãi vay, Công ty còn chịu áp lực không nhỏ từ chi phí quản lý doanh nghiệp gần 135 tỷ (trong đó chi phí dự phòng hơn 130 tỷ) khiến quý 4 báo lỗ 137 tỷ đồng.
Theo thể hiện trong báo cáo tài chính, tổng nợ xấu của TH1 đã tăng lên hơn 330 tỷ trong khi giá trị có thể thu hồi chỉ gần 550 triệu đồng. Tổng tài sản của TH1 theo đó cũng hao hụt 13% so với đầu năm, xuống còn khoảng 800 tỷ đồng.
Giá giao dịch các cổ phiếu OGC, NVT hay TH1 cũng không khấm khá hơn nhiều và hiện chỉ còn dưới ngưỡng 5,000 đồng/cp.
Biến động giá các cổ phiếu OGC, NVT hay TH1 từ khi niêm yết đến nay
|
Uyên Minh